Những hình ảnh đẹp trong lễ Vu Lan báo hiếu
(Baonghean.vn) - Đại lễ Vu Lan nhằm bày tỏ tấm lòng hiếu kính của những người con đối với công ơn cao trọng của những đấng sinh thành, trên tinh thần tri ân và báo ân, là nét đẹp trong văn hoá Phật giáo nói riêng và truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung. Dịp này, các chùa trong tỉnh đã long trọng tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu.
Mùa Vu Lan đang về, những ngày qua, nhiều ngôi chùa trong tỉnh đã long trọng tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu năm 2022. Trung tuần tháng 7 âm lịch, các chùa đã đồng loạt tổ chức Lễ Vu Lan thu hút hàng vạn người tham gia. Nhìn chung đại lễ Vu Lan ở các chùa đều tổ chức trang trọng với sự chuẩn bị công phu, chu đáo của ban tổ chức, từ việc lên kịch bản, chương trình, huy động nhân lực đến khâu tiếp đón, gìn giữ an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường…. Ảnh: Huy Thư |
Đại lễ Vu Lan báo hiếu có nguồn gốc từ tích về ngài Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Khi du nhập vào Việt Nam, văn hóa Phật giáo đã "hóa thân" vào nếp cảm, nếp nghĩ của người Việt, ngày lễ Vu Lan cũng trùng với ngày Rằm tháng Bảy – Tết Trung nguyên của dân tộc. Trong ảnh: Cung nghinh chư tăng, ni dự đại lễ Vu Lan ở chùa Gám (Yên Thành). Ảnh: Huy Thư |
Theo quan điểm của đạo Phật, tháng Bảy âm lịch là “tháng báo hiếu”, mùa Vu Lan báo hiếu với ý nghĩa trọng tâm là giáo dục lòng hiếu thảo, mang nhân văn cao cả của đạo Phật. Dân gian ta gọi tháng 7 là tiết xá tội vong nhân, vì nhờ ơn của đức Phật và chúng tăng mà tất cả các vong linh bị đọa đày phải đau khổ được tế bạt, siêu thoát. Trong ảnh: Đại lễ Vu Lan tại chùa Lam Sơn (Quỳnh Lưu) . Ảnh: Văn Đức Thành |
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các chư tăng, phật tử, đã long trọng tiến hành các nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo như: dâng hoa, dâng hương, niệm Phật, tụng kinh Vu Lan báo hiếu... Trong ảnh: Đại lễ Vu Lan tại chùa Cổ Am (Diễn Châu). Ảnh: Lê Khương |
Tham dự đại lễ Vu Lan, đông đảo phật tử đã được các chư tăng, ni chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến chủ đề hiếu hạnh trong đạo Phật, tình cảm đạo đức gia đình, công lao dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, vấn đề đạo hiếu ngày nay... Ảnh: Lê Khương |
Tại các buổi lễ, đã diễn ra nghi thức đặc trưng của lễ Vu Lan là nghi thức cài hoa hồng lên ngực áo thể hiện tấm lòng hiếu kính của con cháu đối với các bậc sinh thành, của phật tử đối với chư tăng ni, mong muốn gìn giữ và làm lan tỏa hơn nữa ngọn lửa yêu thương, hiếu hạnh. Ảnh: Huy Thư |
Mỗi màu hoa hồng trong nghi thức này tượng trưng cho một ý nghĩa riêng: Hoa hồng vàng trao cho các chư tăng - những người kế thế sự nghiệp của đức Phật trong việc hoằng dương Phật pháp, làm lan tỏa hiếu hạnh cho muôn đời. Hoa hồng đỏ dành cho những người còn cha còn mẹ, nhắn gửi hãy sống yêu thương khi cha mẹ còn sống trên đời. Hoa hồng trắng dành cho những người cha mẹ đã qua đời, nhắc nhủ họ luôn biết tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của tiền nhân. Trong ảnh: Nghi thức cài hoa hồng trong đại lễ Vu Lan tại chùa Hà (Nam Đàn). Ảnh: Huy Thư |
Trong các buổi lễ Vu Lan còn có nghi thức phóng sinh thả chim về trời, thả cá xuống ao, hồ, sông, suối mong muốn sức khỏe, an lành, môi trường sống ngày càng được cải thiện. Ngoài ra, nhân dịp lễ Vu Lan, một số chùa còn tổ chức tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cháu thiếu nhi... Ảnh: Huy Thư |
Mùa Vu Lan báo hiếu đã làm thổn thức bao trái tim của những người con hướng về cha mẹ, các đấng sinh thành dưỡng dục với những tình cảm chân thành nhất. Mùa Vu Lan báo hiếu đang về trên mọi miền quê xứ Nghệ trong không khí tràn ngập yêu thương và cảm niệm sâu xa về lời dạy của Đức Phật: “Dẫu ta dâng trọn một đời/Cũng không trả hết công người sinh ta”. Ảnh: Huy Thư |