Những kỷ vật ở quê chung

Mỹ Hà 16/05/2019 06:20

(Baonghean.vn) - Từ năm 1956 đến nay, việc giới thiệu, trưng bày các kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được triển khai thường xuyên tại Khu Di tích Kim Liên. Những kỷ vật chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời của Bác và trân trọng hơn những giá trị nhân văn cao đẹp mà Người truyền lại.

Giản dị mà kỳ vĩ

Ở Khu Di tích Kim Liên còn lưu lại rất nhiều dòng lưu bút của các vị lãnh đạo Nhà nước qua các thời kỳ, của các đoàn khách quốc tế và cả của những người con đất Việt, thể hiện sự trân trọng, yêu quý tới Người – vị cha già kính yêu của dân tộc. Về thăm Kim Liên năm 1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết: “Xúc động được đến thăm quê hương và nơi sinh của Bác Hồ kính yêu. Được nghe kể về tuổi thơ của Bác, của các vị thân sinh ra Bác, tôi càng hiểu rõ Bác Hồ của chúng ta rõ ràng là có cái gốc yêu nước, thương dân và là một nhân sỹ...”. Từ quê hương thứ 2 của Bác, đoàn cán bộ tỉnh Cao Bằng cũng không giấu được tình cảm “xúc động nghẹn ngào khi chúng con được tận mắt chiêm ngưỡng một thời ấu thơ giản dị mà phong phú của Bác. Lại nhớ ngày Bác về Cao Bằng với “cháo bẹ rau măng” mà gắn bó chúng con với Người, với cách mạng...”.

Từ những năm 1956, ngay sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương khôi phục Di tích Làng Sen và Hoàng Trù và Khu Di tích Kim Liên được thành lập với tên gọi “Ban Xây dựng quê hương”. Để lưu giữ được nguyên vẹn di tích, trong những năm đầu tiên, người bảo vệ, trông coi nhà Bác chính là hàng xóm của Người, đó là các cụ Nguyễn Sinh Thoán, Nguyễn Sinh Vinh, Nguyễn Sinh Hảo...

Đến năm 1970, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nơi đây có thêm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong gần 20 năm đầu Khu Di tích đi vào hoạt động, công tác sưu tầm các hiện vật, kỷ vật liên quan đến cuộc đời và thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ và gia đình Bác được thực hiện hết sức khẩn trương và công phu. Trong những năm tháng chiến tranh, do sự phá hoại của bom đạn, để bảo vệ an toàn di tích, có thời điểm, di tích đã phải tháo dỡ, sơ tán, đưa các tài liệu, hiện vật về nơi an toàn.

Thời điểm này, đến Hoàng Trù, Làng Sen thăm quê ngoại, quê nội Bác Hồ, các di tích cũ được phục dựng gần như nguyên vẹn. Đến với quê hương Bác Hồ, người dân ở khắp mọi miền quê hương, đất nước và cả du khách nước ngoài đều ấn tượng với những hình ảnh rất đỗi chân phương, bình dị của gia đình Bác và những câu chuyện xung quanh cuộc đời của Người. Ở đây, nơi quê nội Bác Hồ vẫn còn đó ngôi nhà của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – món quà mà nhân dân Làng Sen đã tặng cho ông sau khi đậu phó ở Khoa thi hội Tân Sửu (1901).

Năm 1957, ngày về thăm nhà lần đầu tiên sau bao nhiêu năm xa cách, Bác Hồ đã đứng lặng trước bàn thờ, thắp nén hương thơm cho người thân. Ở nhà cụ Phó bảng cũng đang còn chiếc rương gỗ để đựng lương thực, chiếc mâm gỗ dùng để tiếp khách quý, có vườn hoa màu quanh năm xanh tốt mà khi về thăm quê, Bác còn nhớ rất rõ...

Trở lại thăm quê Bác sau 10 năm, chị Lê Xuân Minh ở Tân Trào (Tuyên Quang) tâm sự: “Tôi thực sự cảm động bởi dù đã trải qua rất nhiều năm nhưng các di tích, kỷ vật ở quê Bác đều được giữ nguyên vẹn. Nghe các câu chuyện về Bác, tôi cảm nhận được tình nghĩa của Bác và những người dân nơi đây, mọi thứ đều sâu lắng. Cuộc đời Bác, giản đơn, dung dị nhưng lại làm nên những điều kỳ vĩ”.

Mới nhất
x
Những kỷ vật ở quê chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO