Những người phụ nữ 'truyền lửa' sáng tạo, 'đầu tàu' dẫn dắt phong trào ở cơ sở
(Baonghean.vn) - Tháng 10 tới, tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị biểu dương Chủ tịch hội cơ sở giỏi toàn quốc. Tỉnh Nghệ An có 9 đại diện cho 499 chủ tịch hội phụ nữ cơ sở tham gia; họ là những người "truyền lửa" sáng tạo, "đầu tàu” dẫn dắt phong trào hội ở cơ sở.
Chủ động nghĩ việc, chọn việc để làm
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao ở xã Nam Lĩnh (Nam Đàn), cấp ủy, chính quyền xã ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, thiết thực của tổ chức hội phụ nữ. Để có được đánh giá, ghi nhận đó, vai trò “thủ lĩnh” Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Lĩnh luôn chủ động cùng với Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã nghĩ việc, chọn việc để làm.
Ngoài tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền và ngày công xây dựng nông thôn mới; tổ chức Hội Phụ nữ xã Nam Lĩnh đã xây dựng nhiều mô hình, lấy chi hội, tổ liên gia để tác động và lan tỏa trên phạm vi xã. Như mô hình "Chi hội xanh - sạch - đẹp"; “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”; tuyến đường "Nhà sạch, vườn đẹp, đường nở hoa"; "Tổ liên gia tự quản bảo vệ môi trường"... Thông qua các mô hình do hội phụ nữ tổ chức đã góp phần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn Nam Lĩnh “xanh - sạch - đẹp”.
Để đóng góp nâng tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo, Hội Phụ nữ xã đã kết nối, hỗ trợ, đồng hành cùng 2 gia đình hội viên xây dựng thành công 2 vườn mẫu, 2 sản phẩm OCOP và 1 mô hình nhà màng.
Đặc biệt, từ sự thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của hội viên, phụ nữ thuộc diện nghèo, yếu thế trong cộng đồng, nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Dung cùng cán bộ hội cơ sở tổ chức kết nối các nhà hảo tâm, đồng thời, khơi dậy lòng trắc ẩn của chị em ở địa phương, tạo nguồn lực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo. Kết quả 5 năm, đã có 25 hộ gia đình do phụ nữ đứng chủ thoát khỏi diện nghèo; kết nối các tổ chức, cá nhân đỡ đầu 4 trẻ mồ côi.
Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Lĩnh, Nguyễn Thị Dung cho rằng: Qua các phong trào, hoạt động do tổ chức hội triển khai đã giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ thấy rõ hơn giá trị của mình trong đời sống xã hội, từ đó có thêm động lực, tự tin để cống hiến, đóng góp nhiều hơn; đồng thời, khắc phục “bệnh hành chính” trong hoạt động hội.
Có thể nói, trong quá trình hoạt động, mỗi tổ chức hội cơ sở đều bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của hội phụ nữ cấp trên để triển khai thực chất, hiệu quả.
Đối với chị Hoàng Thị Giang - Chủ tịch Hội LHPN phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò), xuất phát từ “Hiệu lệnh con tim, sứ mệnh của người cán bộ hội” chung tay góp sức “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời, góp phần khẳng định tổ chức hội phụ nữ thực sự là nơi “ngôi nhà” ấm áp tình yêu thương, sẻ chia, đùm bọc của những mảnh đời yếu thế; chị đã cùng với cán bộ hội và chị em thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội.
Như tổ chức Chương trình “Bánh chưng ngày Tết”; “ Xuân yêu thương - Tết sum vầy”; “Hũ gạo tình thương”; mô hình “Ngôi nhà xanh”; “Mái ấm tình thương”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... Bản thân chị Giang, vừa là người tiên phong khởi xướng phong trào, vừa là người lăn xả vào làm.
Riêng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, tính từ năm 2021 đến nay, chị đã vận động, kết nối 10 tập thể, cá nhân nhận đỡ đầu 10 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; kêu gọi xây dựng 8 nhà ở cho phụ nữ nghèo; giúp đỡ 5 phụ nữ thoát nghèo…
Sáng tạo trong thu hút hội viên
Câu chuyện tập hợp, thu hút hội viên tham gia tổ chức hội lâu nay vẫn là vấn đề khó và trở thành chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp. Trong quá trình hoạt động, đội ngũ cán bộ cơ sở cũng đã có nhiều mô hình, hoạt động sáng tạo, thu hút chị em vào tổ chức hội.
Ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc), chị Đặng Thị Thọ - Chủ tịch Hội LHPN xã đã trăn trở cùng cán bộ hội đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Bên cạnh lựa chọn nội dung tuyên truyền thiết thực, gồm các chuyên đề về kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng đồng hành cùng con bước qua tuổi dậy thì, kỹ năng cùng con lớn khôn, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, kỹ năng phòng, chống lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, tín dụng đen...; Hội Phụ nữ xã Nghi Thái đã đổi mới hình thức tuyên truyền bằng tổ chức các hội thi “Rung chuông vàng”, “Diễn đàn hội viên”, tổ chức chương trình giao lưu, hội thi, hái hoa dân chủ lồng ghép...
Từ đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên, từ 75 - 80% ở nhiệm kỳ trước, đến nay đạt trên 97%. Đặc biệt, tỷ lệ tập hợp hội viên ở các nhóm phụ nữ công nhân, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ công chức, viên chức tham gia ngày càng đông. “Đây là điều kiện quan trọng để Hội Phụ nữ xã tổ chức các hoạt động, phong trào có hiệu quả hơn”, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghi Thái nhấn mạnh.
Ở xã Giai Xuân (Tân Kỳ), chị Trần Thị Trung - Chủ tịch Hội LHPN xã đã tìm tòi, sáng tạo tổ chức nhiều hội thi, như: “Lửa ấm yêu thương”, “Duyên dáng phụ nữ”, “Mái ấm gia đình”, “Phụ nữ với trang phục truyền thống”, “Gia đình yêu thương”, “Lắng nghe con nói”… để thu hút hội viên, phụ nữ. Gắn với đó là tổ chức các sân chơi văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức và duy trì hoạt động các Câu lạc bộ “Võng gai”, Câu lạc bộ “Dạ ời”, Câu lạc bộ “Ẩm thực dân tộc Thổ”…
Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Không riêng 4 chủ tịch hội phụ nữ cơ sở nêu trên có đóng góp mang dấu ấn trong hoạt động và phong trào hội, mà theo chia sẻ của đồng chí Hoàng Thanh Minh – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của cấp ủy và tổ chức hội phụ nữ các cấp, đội ngũ cán bộ hội, đặc biệt là chủ tịch hội cơ sở được nâng cao về trình độ, năng lực, nhiệt huyết, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Trong đó có nhiều chủ tịch hội cơ sở trở thành những người “truyền lửa” sáng tạo, “đầu tàu” dẫn dắt, lan tỏa nhiệt huyết, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ do các cấp hội phụ nữ đề ra tại cơ sở, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng thời, chính vai trò của họ cũng đã sáng tạo nhiều hoạt động, phong trào lan tỏa quy mô toàn tỉnh. Điển hình như phong trào “Biến rác thải thành con giống/cây giống/bảo hiểm y tế/đồ dùng học tập”; mô hình “Nhật ký thăm hộ”; các mô hình, hoạt động thu hút phụ nữ vào tổ chức hội như “Rung chuông vàng”, tổ chức các cuộc thi online; dân vũ; các câu lạc bộ; các mô hình, hoạt động an sinh xã hội...
Có thể khẳng định, hoạt động của tổ chức hội cơ sở và chất lượng hoạt động của cán bộ hội phụ nữ cơ sở đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp đề ra.
Bởi vậy, bên cạnh nỗ lực của chính đội ngũ cán bộ cơ sở, hiện các cấp hội cũng đã, đang tiếp tục chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ nữ cơ sở, nhất là chủ tịch hội cơ sở có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; vừa tạo nguồn cán bộ nữ cho Đảng, chính quyền và các ngành./.