Nói về nghề báo cùng Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hồ Quang Lợi
“Nghề mà chúng ta đang nói đây là nghề báo. Một nghề rất cực nhọc nhưng cũng đầy vinh quang. Cực nhọc theo nghĩa là đầy thử thách. Vinh quang bởi chúng ta góp phần bảo đảm quyền thông tin của xã hội, của người dân”- ông Hồ Quang Lợi nói.
Tôi gặp ông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, vào một ngày cuối năm, vào đúng thời điểm công việc của ông còn nhiều bộn bề. Lúc đó, ông vẫn phải vừa kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Nhà báo Tp Hà Nội và phải gánh công việc của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội Nhà báo Việt Nam.
Dù công việc còn rất nhiều, vừa kết thúc chuyến công tác, ông đã bố trí gặp tôi. Cuộc phỏng vấn liên tục phải dừng lại vì các cán bộ cấp dưới vào xin ý kiến. Qua cuộc nói chuyện, trong không khí trước Tết cổ truyền, ông Hồ Quang Lợi đã trải lòng, chia sẻ rất nhiều tâm tư về nghề báo. Dưới đây là cuộc trò chuyện của PV với ông.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp |
Thưa ông, trước hết xin chúc mừng ông vừa nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ là đại diện thường trực của các Nhà báo Việt Nam. Vậy xin hỏi ông có áp lực gì khi nhận nhiệm vụ này?
Ông Hồ Quang Lợi: Trước hết, khi trở lại với công việc trước đây tôi đã từng làm, tôi rất lấy làm sung sướng, phấn khởi. Đây đúng với nguyện vọng của tôi, nguyện vọng của người làm nghề. Nguyện vọng được giao lưu, được đối thoại, được trao đổi nghề nghiệp với đồng nghiệp cả nước. Tôi cảm thấy đây là hạnh phúc của người làm nghề. Nghề mà chúng ta đang nói đây là nghề báo. Một nghề rất cực nhọc nhưng cũng đầy vinh quang. Cực nhọc theo nghĩa là đầy thử thách. Vinh quang bởi chúng ta góp phần bảo đảm quyền thông tin của xã hội, của người dân. Càng vinh dự hơn khi chúng ta đang thực hiện một sứ mệnh rất quan trọng - sứ mệnh đi tìm sự thật, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Bảo vệ công lý và chính nghĩa. Vinh quang là thế, nhưng để làm những việc này thì vô cùng khó, đầy thử thách, gian nan, cực nhọc.
Bạn hỏi tôi có sức ép không? Theo tôi, dù làm nghề gì muốn đạt được những điều mình mong muốn, thực hiện tốt vai trò chức trách của mình thì đều phải chịu sức ép. Tôi nghĩ rằng, sức ép đôi khi là cần thiết. Sức ép bắt buộc người ta phải vận động, bắt buộc người ta phải suy nghĩ, bắt buộc người ta phải tìm cách vượt qua. Điều đó tạo ra động lực. Đối với nghề báo động lực chính là nguồn gốc, thúc đẩy khả năng sáng tạo.
Tôi cũng đã qua nhiều vị trí, gần như lúc nào tôi cũng cảm thấy đứng trước sức ép. Bất cứ cứ vị trí nào tôi cũng có sức ép. Khi tôi công tác ở Báo Quân đội Nhân dân, từ khi làm phóng viên đến Phó tổng biên tập, khi nào tôi cũng cảm thấy mình chịu sức ép. Sức ép chung là cần phải làm việc tốt và sức ép ngay khi mình viết một bài báo, làm một số báo. Sau đó, tôi chuyển về Hà Nội mới làm Tổng biên tập, để ổn định sắp xếp tờ báo lớn của Thủ đô, trong thời điểm Hà Nội hợp nhất. Không thể nói rằng, không có sức ép mà sức ép rất lớn.
Mới làm tổng biên tập được hai năm, tôi được chuyển sang làm Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Trong khi vị trí đó phải là Thường vụ thành ủy, tôi còn chưa vào thành ủy. Một người là trưởng ban tuyên giáo Thủ đô mà chưa vào thành ủy, đương nhiên cũng chịu sức ép cực lớn.
Vậy thưa ông, ông có thấy lần nhận nhiệm vụ mới này “sức ép” có khác lần trước không?
Ông Hồ Quang Lợi: Tôi nhận nhiệm vụ ở đây, sau khi Hội Nhà báo Việt Nam đại hội lần thứ X. Từ hồi kết thúc đại hội đến nay cũng đã vài tháng, nhưng nhiều công việc mới bắt đầu khởi sự. Có những công việc chưa bắt đầu. Do đó, đòi hỏi phải vào cuộc một cách rất khẩn trương. Để làm sao những chương trình, kế hoạch, nghị quyết phải được triển khai một cách nhanh chóng nhất góp phần đưa đời sống báo chí của đất nước, hoạt động của hội chúng ta, nhanh chóng được tiến hành với một sinh khí mới. Tất cả những điều này đều là mong muốn của tôi.
Thưa ông, với vị trí mới là Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, ông có đánh giá gì về diện mạo báo chí hiện nay cũng như những đóng góp của báo chí?
Ông Hồ Quang Lợi: Báo chí Việt Nam đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống xã hội của nước ta. Qua các thời kỳ lịch sử, kể từ khi chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cho đến bây giờ, chúng ta xây dựng đất nước sau chiến tranh. Có thể nói, báo chí luôn ở tuyến đầu và có những đóng góp có ý nghĩa lịch sử và xứng đáng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Với tinh thần đổi mới, báo chí đã góp phần rất tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Đảng, Nhà nước, Nhân dân đánh giá cao những đóng góp cống hiến của báo chí, các thế hệ làm báo Việt Nam. Chính nhờ những đóng góp to lớn và quý báu đó mà nghề báo của chúng ta được xã hội coi trọng. Những chiến sĩ cầm bút, những người làm báo thực thụ, được nhân dân tin cậy, nhiều người được vinh danh.
Nhưng bên cạnh những đóng góp to lớn đó, báo chí chúng ta cũng có những thách thức lớn. Có thể nói nếu nhìn một cách thẳng thắn, chúng ta thấy chúng ta còn khuyết điểm, thiếu sót.
Thách thức của báo chí là gì? Thách thức đó phát sinh ngay từ chính những khuyết điểm, thiếu sót của chính đội ngũ làm báo chúng ta. Làm sao khắc phục được khuynh hướng, hiện tượng thương mại hóa trong báo chí, khắc phục được những hiện tượng làm báo một chiều, phục vụ thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả. Khuynh hướng chụp giật, thông tin giật gân câu khách…
Có thể nói, hiện tượng này nếu xuất hiện ngày càng nhiều, không được ngăn chặn, nó sẽ trở thành những khuynh hướng rất nguy hiểm. Điều này làm mai một giá trị tinh thần cao quý của báo chí. Đó là tinh thần bảo vệ, bồi đắp, phát huy những giá trị cao quý của dân tộc.
Khuynh hướng này trở nên ngày càng nghiêm trọng, trong thời đại thông tin, khi mà những thông tin trên mạng internet, những trang mạng xã hội, tràn lan không bị kiểm soát, thực sự báo chí đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Hiện nay, cũng đã có người đặt ra câu hỏi về tồn tại hay không tồn tại, tồn tại bằng cách nào và phát triển bằng cách nào, trong thời đại thông tin kỹ thuật số như vậy?
Riêng tôi, tôi luôn có một niềm tin sâu sắc, trước bất cứ hoàn cảnh nào, báo chí vẫn tồn tại với những chức năng, sứ mệnh cao cả. Miễn sao đội ngũ làm báo chúng ta nhận rõ những thách thức đó và đủ bản lĩnh, đủ trí tuệ để vượt qua, bằng lao động sáng tạo nghề nghiệp đầy tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, đối với nhân dân, đối với đất nước.
Thưa ông, trước những thách thức, khiếm khuyết đang tồn tại trong đời sống báo chí, Đảng và Nhà nước đã có những bước đi dứt khoát, như Quy hoạch báo chí, sửa đổi Luật Báo chí. Vậy ông kỳ vọng như thế nào với những “bước đi” này?
Ông Hồ Quang Lợi: Trước hết, nói về Luật Báo chí, theo tôi đây là đạo luật rất cơ bản để chúng ta vận hành nền báo chí ngày càng tiên tiến, khoa học, để phục vụ tốt hơn công cuộc phát triển của đất nước. Luật báo chí hiện nay đã ban hành cách đây 27 năm, sau đó 10 năm sau có sửa đổi một số điều. Khi ban hành bộ luật đó, chúng ta không thể hình dung hết những biến chuyển sâu sắc và lớn lao trong đời sống quốc tế. Và những thay đổi chóng mặt của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ.
Từ bối cảnh chung của thế giới, bối cảnh chung của đất nước và những đòi hỏi của đời sống báo chí hiện nay mà chúng ta phải xem xét, phải sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp. Việc này sẽ được tiến hành với một tầm nhìn rộng mở, chúng ta bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin của xã hội. Chúng ta tạo điều kiện để cho các nhà báo tác nghiệp thuận lợi hơn. Để cho các đối tượng trong xã hội, các thành phần trong xã hội phải tôn trọng quyền làm nghề hợp pháp của các nhà báo.
Bên cạnh đó, không ai được lợi dụng danh nghĩa nhà báo để làm những việc sai trái đi ngược lại với tôn chỉ mục đích, tôn chỉ và ý nghĩa nhân văn cao cả của nghề báo.
Vậy còn vấn đề quy hoạch báo chí thì sao, thưa ông?
Ông Hồ Quang Lợi: Quy hoạch báo chí là xuất phát từ một thực tế. Hiện nay, chúng ta có đông đảo những người làm nghề báo, số lượng cũng rất phong phú các cơ quan báo chí. Nhưng phải nói rằng, có những thời điểm chúng ta cho ra đời quá nhiều các cơ quan báo chí. Cùng với đó là sự quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí, có lúc, có nơi không được chặt chẽ. Cho nên, có một số tờ báo không làm đúng tôn chỉ mục đích của mình, sa vào thương mại hóa, làm báo theo kiểu chộp giật, giật gân câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường, tác động không tốt đến việc xây dựng xã hội thông tin lành mạnh; làm lung lay giá trị tinh thần cao quý mà chúng ta đang giữ gìn, bảo vệ và phát huy.
Tuy nhiên, tôi hình dung ra việc viết ra và thực hiện quy hoạch báo chí không hề dễ dàng. Bởi vì, điều này liên quan đến tổ chức bộ máy, con người. Ở đây là những người làm báo. Lực lượng làm công việc đặc biệt nên cần phải có sự ứng xử, quan tâm đặc biệt, khi chúng ta giải quyết vấn đề này. Việc này không giống như giải thể, sáp nhập một xí nghiệp, một công ty.
Với công việc khó khăn như thế, tôi nghĩ là phải dự trên những đánh giá xác thực về đội hình báo chí hiện nay để thấy rằng chúng ta nên sắp xếp lại.
Dù cho sắp xếp lại như thế nào, tôi cũng nghĩ rằng, cần phải dựa trên những đánh giá hết sức khách quan, đúng đắn về chất lượng hiệu quả của từng tờ báo, của từng cơ quan báo chí. Đặc biệt chú ý đến những tờ báo có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc.
Điều nữa, phải tiếp tục tạo điều kiện sử dụng được những người làm báo có năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để không bỏ phí nguồn nhân lực quan trọng.
Ngay cả khi đã có quy hoạch mới, việc thực hiện quy hoạch đó cũng phải có bước đi phù hợp để tránh những đảo lộn, tránh những xáo trộn, để bảo đảm quyền được làm nghề chính đáng của các nhà báo.
Thưa ông, thời điểm năm mới, Tết cổ truyền, đang đến, ông có gửi lời nhắn nhủ, lời chúc gì đến các hội viên Hội nhà báo cả nước?
Ông Hồ Quang Lợi: Nhân dịp năm mới, tôi có đôi lời chúc cho báo chí của chúng ta sẽ tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, đối với đất nước, bằng lao động sáng tạo, được thể hiện hàng ngày bằng những tác phẩm báo chí có chất lượng.
Xin cảm ơn ông, chúc ông một năm mới thành công, thắng lợi!
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN |
---|