Nông dân Nghệ An chong điện thâu đêm chăm hoa Tết

Xuân Hoàng 04/12/2022 11:45

(Baonghean.vn) - Dịp này, các vườn hoa cúc Tết của người dân luôn bừng sáng ánh điện khi màn đêm buông xuống. Theo người trồng hoa cho biết, do nhu cầu của khách hàng, người trồng hoa phải điều chỉnh ánh sáng bằng bóng điện thâu đêm để có chiều cao của cây hoa như ý muốn. 

Clip: Xuân Hoàng

Người trồng hoa Tết trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu... dịp này tích cực chăm sóc để kịp phục vụ khách hàng. Trong đó, việc chong điện thâu đêm để cây hoa phát triển theo ý muốn là không thể bỏ qua. Do vậy, khi màn đêm buông xuống là các "phố hoa" lung linh lên đèn. Người trồng hoa tận dụng ánh sáng của hàng trăm bóng điện để tranh thủ chăm sóc hoa.

Theo người trồng hoa, việc sử dụng ánh sáng, không cho cây “ngủ” nhằm kích thích tăng trưởng. Cây hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp, cao lớn hơn, thân thẳng. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Phan Hữu Nam ở khối 4, thị trấn Yên Thành cho biết, vụ này gia đình anh trồng 2 mẫu hoa Tết, chủ yếu là các loại cúc (năm trước gia đình trồng 1,5 mẫu hoa), tuy nhiên, năm nay do mưa nhiều, nên hoa khó phát triển, thậm chí tỷ lệ bị chết cao, cùng đó sâu bệnh và nấm xuất hiện trên cây hoa nhiều. Để cây hoa phát triển tốt, kịp thời, gia đình tái sử dụng hệ thống điện thắp sáng để chong thâu đêm suốt hơn 1 tháng liên tục để cây hoa phát triển theo ý muốn của mình.

"Diện tích hoa nhiều, trong khi nhân lực ít, ban ngày làm không xuể, nên gia đình phải tận dụng ánh điện ban đêm để chăm sóc đến gần 21 giờ mới nghỉ. Công việc ban đêm chủ yếu phun thuốc trừ sâu, nhổ cỏ... Đối với sâu hại thì dễ phòng trừ, lo nhất là cây hoa bị nhiễm nấm rất khó xử lý. Năm trước do hoa Tết được giá nên gia đình có lãi khá, hy vọng năm nay hoa tiếp tục được giá gia đình sẽ có cái Tết đầm ấm, phấn khởi hơn", anh Nam chia sẻ.

Hệ thống bóng điện chiếu sáng cho ruộng hoa được lắp đặt với mật độ cách nhau từ 1,5 - 2m, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình để lựa chọn các loại bóng điện có công suất và mức độ tiết kiệm điện khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là loại bóng đèn có công suất 5 - 10W. Ảnh: Xuân Hoàng

Quan sát cho thấy, người dân Yên Thành trồng hoa Tết khá nhiều, tuy nhiên không trồng tập trung, mà trồng rải rác ở các xã: Hậu Thành, Văn Thành, Tăng Thành, Sơn Thành, Tân Thành... và thị trấn Yên Thành. Do vậy, dịp này đến các vùng quê trên địa bàn Yên Thành thỉnh thoảng bắt gặp những phố hoa bừng sáng ánh điện vào ban đêm.

Trên địa bàn huyện Diễn Châu, đặc biệt là các xã Diễn Kỷ, Diễn Hồng, Diễn Đồng... nhiều ruộng hoa đang kỳ phát triển. Vợ chồng anh An Tuyết ở xóm 2, xã Diễn Kỷ cho biết, năm nay gia đình anh trồng 10 sào hoa, trong đó hoa cúc chiếm 80%, còn lại là các loại hoa khác có giá trị cao hơn: Hoa ly, lay ơn...

Những người có kinh nghiệm trồng hoa ở Yên Thành cho biết, sau khi xuống giống khoảng tầm 3 - 5 ngày, người dân bắt đầu chong đèn nuôi hoa. Ảnh: Xuân Hoàng

Để chăm sóc cây hoa theo ý muốn, nhất là chiều cao của cây hoa, gia đình điều chỉnh thời gian chong điện vào ban đêm cho phù hợp. Sau khi xuống giống khoảng tầm 3 - 5 ngày, người dân bắt đầu chong đèn nuôi hoa. Khi cây đã phát triển ổn định thì ngắt chiếu sáng.

"Nếu khách hàng cần cây hoa cao, thì thời gian chong điện kéo dài khoảng 1,5 tháng, nếu khách hàng cần cây hoa thấp thì giảm thời gian chong điện xuống 1 tháng. Do vậy chi phí tiền điện của một lứa hoa đối với 10 sào hoa này đã mất hàng triệu đồng, chưa kể giống, phân bón, công lao động... nếu hoa không được giá là thua lỗ. Tuy nhiên, nghề trồng hoa Tết không ai dám chắc năm nay được hay thua, nên trước mắt phải chăm sóc tốt để cây hoa đẹp và ra hoa đúng thời điểm", chị Tuyết chia sẻ.

Theo người dân, việc sử dụng ánh sáng, không cho cây “ngủ” nhằm kích thích tăng trưởng. Cây hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp, cao lớn hơn, thân thẳng, đặc biệt là nở đúng thời gian theo ý định người trồng.

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết, hàng năm người dân trên địa bàn huyện luôn duy trì diện tích hoa Tết khoảng 3ha, tập trung ở các xã Diễn Kỷ, Diễn Hồng và Diễn Đồng. Diện tích trồng hoa, bà con chọn những vùng đất ít bị ngập úng và những người này có nhiều kinh nghiệm trồng hoa Tết, bởi để trồng và thu hoạch đúng dịp, cần áp dụng chế độ chăm sóc có khoa học.

Thông thường, người dân chong đèn từ 18 giờ hôm trước đến tận 5 giờ sáng hôm sau, liên tục trong vòng 25 - 30 ngày, thậm chí nhiều hơn. Do thời gian chiếu sáng kéo dài và liên tục nên người dân phải chi trả phí sử dụng điện khá cao… Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Yên Thành là địa phương có khá nhiều diện tích hoa Tết. Theo ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, toàn huyện có khoảng 20ha hoa Tết, được trồng rải rác ở các xã. Ngoài diện tích hoa được trồng ngoài trời, bà con còn trồng hoa trong nhà màng, nhà kính.

Nghề trồng hoa là một nghề mang tính thời vụ, vào vụ mùa Tết Nguyên đán, người dân thường sẽ “ăn, ngủ” cùng hoa, kỳ vọng được mùa, giá cao để đón Xuân ấm no, đủ đầy. Những ngày này, đến các làng hoa ở vùng nông thôn Yên Thành, Diễn Châu... vào ban đêm, nhiều người không khỏi thích thú, ngỡ ngàng trước khung cảnh lung linh, sáng rực bởi hàng ngàn ngọn đèn điện cùng lúc được thắp sáng trên những ruộng hoa./.

Mới nhất
x
Nông dân Nghệ An chong điện thâu đêm chăm hoa Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO