Nông dân Tân Kỳ gắn bó với mía - cây trồng chủ lực

Cẩm Tú 21/12/2020 09:45

(Baonghean.vn) -Những năm qua, mía luôn được khẳng định là cây trồng chủ lực trên đất Tân Kỳ. Bởi vậy thời gian này bà con nông dân huyện Tân Kỳ đang khẩn trương ra đồng thu hoạch, trồng mới diện tích mía nhằm đảm bảo lịch thời vụ, khép kín diện tích theo kế hoạch nhằm ổn định vùng nguyên liệu hơn 5.000 ha trên địa bàn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đức ở xóm Hồng Sơn, xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ có 5 ha mía tại cánh đồng Vè, nhờ dồn điền đổi thửa nên gia đình đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung tạo thuận lợi đầu tư thâm canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Đây là diện tích mía vụ thứ 2, thứ 3 và năm nay thời tiết nắng hạn nên ảnh hưởng phần nào đến sự sinh trưởng phát triển và năng suất cây mía. Nhưng nhờ đưa giống mía KK3 vào trồng và chú trọng chăm sóc nên hiện nay gia đình đã thuê máy về thu hoạch mía, năng suất bình quân ước đạt hơn 60 tấn/ha, riêng diện tích mía năm thứ nhất ước đạt 90 tấn ha, tổng sản lượng ước đạt hơn 330 tấn mía cây.

Chỉ trong 2 ngày gia đình ông Đức đã thu hoạch xong 5ha mía nguyên liệu.
Chỉ trong 2 ngày gia đình ông Đức đã thu hoạch xong 5ha mía nguyên liệu. Ảnh: Cẩm Tú

Giá mía hiện nay Nhà máy mía đường Sông Con thu mua là 830 nghìn đồng/tấn, gia đình thu về hơn 270 triệu đồng. Gia đình vui mừng phấn khởi bởi năm nay Nhà máy đường Sông Con phối hợp với các doanh nghiệp đưa máy vào thu hoạch mía đã rút ngắn thời gian, giảm công lao động.

Ông Đức chia sẻ: "Tôi trồng mía đã 6 năm nay, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, cứ mỗi năm dịp thu hoạch mía kéo dài cả tháng, mía chặt xong phải để tại ruộng có khi cả tuần mới đưa về nhà máy được, nay chỉ trong 2 ngày thì gia đình tôi đã thu hoạch xong 5 ha mía, tính chi phí mỗi tấn thu hoạch bằng máy là 170 nghìn đồng, giảm so với thu hoạch bằng thủ công 60.000 đồng/tấn, không những thế thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến vụ tiếp theo".

Còn gia đình ông Trương Văn Ninh ở xóm Trung Lương xã Tân Xuân đã gắn bó hàng chục năm nay với cây mía. Hiện gia đình có 2 ha mía ở vùng đồi, thời gian này ông đã thu hoạch xong diện tích mía lưu gốc năm thứ 3, đang tiến hành phá bỏ gốc, làm đất để trồng mới. Năm nay ông đã đưa máy móc vào sản xuất từ khâu làm đất, trồng và sau này chăm sóc và thu hoạch cũng bằng máy nhằm giảm sức lao động.

Ông cho biết: Thời điểm này thuê lao động thủ công cũng khó, giá cao, không có lãi. Lần đầu tiên tôi thuê máy từ khâu làm đất thấy nhanh, cày sâu đất tơi xốp, giúp việc trồng và cây trồng sẽ phát triển thuận lợi. Có máy rồi nên tôi yên tâm gắn bó trồng mía".

Ông Trương Văn Ninh và cán bộ nguyên liệu Công ty cổ phần mía đường đang kiểm tra độ sâu cay đất bằng máy. Ảnh: Cẩm Tú
Ông Trương Văn Ninh và cán bộ nguyên liệu Công ty cổ phần Mía đường đang kiểm tra độ sâu cày đất bằng máy. Ảnh: Cẩm Tú

Niên vụ 2020- 2021, toàn huyện Tân Kỳ có kế hoạch trồng mới trên 1.500 ha, trong đó vụ thu đông 400 ha (Đồng Văn 70ha; Tiên Kỳ 30ha; Tân Hợp 76ha; Tân Xuân 40ha; Giai Xuân 85ha…). Các địa phương đã chú trọng đưa cơ giới hóa vào sản xuất, và trồng các giống chủ lực cho năng suất cao như LK92-11, KK3.

Đồng hành với bà con trồng mía, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con những năm qua đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người trồng mía cũng như bao tiêu nông sản. Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: Công ty vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ bà con trồng mía như hỗ trợ bà con trồng vụ thu đông 3 triệu đồng/ha; Hỗ trợ tối đa 20 tấn bùn mía/ha đối với diện tích trồng mới; Hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng mua giống mía đảm bảo chất lượng; Hỗ trợ cho vay 8 triệu đồng để làm đất và trồng mía bằng máy và hỗ trợ cho vay chăm sóc bằng máy, phun thuốc bằng máy…".

Năm nay, ngay từ đầu vụ thu hoạch mía cũng như trồng niên vụ 2020- 2021, Công ty đã phối hợp đưa vào trình diễn máy thu hoạch mía cũng như máy trồng mía cho bà con Tân Kỳ nhằm giúp bà con thấy hiệu quả rút ngắn thời gian thu hoạch cũng như giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt là đối với những diện tích lưu gốc từ năm thứ 3 trở lên thì thuận lợi thu hoạch nhanh nên phá bỏ kịp thời để làm đất trồng lại.

Chú thích
Trồng mía bằng máy giúp bà con rút ngắn thời gian và giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Cẩm Tú
Việc khuyến khích đưa cơ giới hóa vào sản xuất là chủ trương đúng đắn, được bà con đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên do diện tích đất manh mún, không bằng phẳng, nhiều hốc chọ, khe suối nên gặp nhiều khó khăn trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Toàn huyện Tân Kỳ hiện có 1.135 ha trồng mía tập trung trên các cánh đồng mẫu lớn thuận lợi đưa máy móc vào sản xuất, cho năng suất vượt trội so với các diện tích khác. Năng suất đạt từ 80 tấn/ha trở lên.

Các chính sách hỗ trợ của Công ty cổ phần mía đường Sông Con giúp người trồng mía gắn bó với cây trồng này, có điều kiện đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây mía.

Mới nhất

x
Nông dân Tân Kỳ gắn bó với mía - cây trồng chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO