Nuôi hàu trái phép, lấn chiếm cả lòng sông tại vùng ven biển Quỳnh Lưu

Tân Bảo 20/06/2023 09:50

(Baonghean.vn) - Nuôi hàu góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân vùng ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), thế nhưng, việc này đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan, cản trở dòng chảy và gây ô nhiễm môi trường...

Hàng trăm bè hàu được người dân xã An Hòa (Quỳnh Lưu) nuôi chiếm diện tích lòng sông. Ảnh: Tân Bảo

Về thôn Tân An, xã An Hòa (Quỳnh Lưu), đứng từ trên cầu Quỳnh Nghĩa nhìn xuống sông Mai Giang có thể quan sát hàng trăm bè mảng nuôi hàu được đặt dày đặc trên mặt nước.

Ông Nguyễn Văn Tùng - người dân xã An Hòa cho biết, nghề nuôi hàu có từ rất lâu. Thời gian đầu, người dân nuôi với quy mô nhỏ lẻ, khoảng 5 – 10 hộ nuôi, nhưng từ khoảng năm 2010 đến nay, quy mô và số hộ nuôi tăng lên rất nhiều.

Việc nuôi hàu trong những năm qua đã giúp bà con ở vùng này có thêm nguồn thu nhập, nhưng vô tình các hộ đã lấn chiếm luồng lạch, cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt gây khó khăn cho các phương tiện tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân khi ra, vào cảng neo đậu.

Hàu được người dân thả nuôi cả trên mặt nước và dưới lòng sông. Ảnh: Tân Bảo

Quan sát dọc các con sông giáp ranh cửa biển khu vực thôn Tân An (xã An Hòa) cho thấy, người dân sử dụng rất nhiều vật dụng để làm bè, cắm cọc nuôi hàu. Ngoài ra, vỏ hàu khi thu hoạch xong thì tiếp tục được người dân xâu thành từng chuỗi rồi thả xuống lòng sông với mật độ dày đặc.

Ông Tô Duy Hiền – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa cho biết, toàn xã hiện có khoảng trên 90 phương tiện tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Vào mùa mưa bão, không chỉ tàu, thuyền của địa phương mà còn rất nhiều phương tiện của ngư dân các xã lân cận cũng tìm về nơi tránh trú. Do bị cản trở từ các bè mảng nuôi hàu trên sông nên rất nhiều tàu, thuyền di chuyển khó khăn. Thời gian qua, cử tri cũng như chính quyền địa phương đã kiến nghị lên cấp trên để có giải pháp chỉ đạo xử lý, nhưng tình trạng nuôi hàu trên sông vẫn xảy ra.

Không chỉ gây cản trở dòng chảy, việc tăng nhanh diện tích nuôi hàu sẽ làm ô nhiễm nguồn nước đối với vùng nuôi tôm thâm canh. Ảnh: Tân Bảo

Theo tìm hiểu, toàn xã An Hòa hiện có khoảng 51 hộ nuôi hàu trên các dòng sông, trong đó, tập trung nuôi nhiều nhất ở thôn Tân An. Nuôi hàu giúp người dân có thêm nguồn thu nhập nên nhiều hộ khác đã đem cọc ra khu vực lòng sông để khoanh vùng, lâu dần chiếm luôn cả lòng sông.

Để xử lý vấn đề này, thời gian qua, xã An Hòa đã chỉ đạo các lực lượng tập trung kiểm tra, tuyên truyền, tổ chức ký cam kết và yêu cầu các hộ vi phạm tự giác tháo dỡ bè, cọc nuôi hàu. Tuy nhiên, sau một thời gian ra quân xử lý thì các hộ lại tiếp tục tái diễn.

Ông Hồ Anh Dũng – Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: Trước nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp liên quan đến vấn đề này, địa phương đang tích cực thông tin tuyên truyền đến các hộ dân nuôi hàu giảm bớt diện tích trên các dòng sông; điều chuyển, giãn bớt ra những vùng nuôi khác để thông thoáng dòng chảy, không gây cản trở tàu, thuyền ra, vào bờ neo đậu, tránh trú bão; chỉ đạo bà con chuyển đổi ngành nghề phù hợp để ổn định sản xuất.

Nuôi hàu gây ảnh hưởng lớn đến việc khai thác thủy sản và việc di chuyển của thuyền bè, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Ảnh: Tân Bảo

Theo Điều 8, Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, hành vi tự phát giăng cọc tre và trụ bê tông giữa lòng sông trên đây của người dân có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền, tùy trường hợp có thể lên tới 10 triệu đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản không đúng theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa. Đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ, di dời phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản.

Mới nhất

x
Nuôi hàu trái phép, lấn chiếm cả lòng sông tại vùng ven biển Quỳnh Lưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO