Nuôi tằm làm món ăn “đặc sản” ở Lưu Sơn

Quỳnh Thanh 07/09/2018 18:30

(Baonghean.vn) - Vài năm trở lại đây, khi nhu cầu thị trường dùng thực phẩm sạch tăng cao, tằm thương phẩm dần trở thành món hàng đặc sản được thị trường ưa chuộng thì nghề nuôi tằm lại hồi sinh trên đất Lưu Sơn (Đô Lương).

Dẫn chúng tôi đi qua những cánh đồng trồng dâu ven bãi rộng gần 11ha trên địa bàn xã, ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn cho biết, diện tích này là nguồn cung cấp lá dâu cho hơn 50 hộ nuôi tằm của bà con Lưu Sơn. Dù rằng cái nôi trồng dâu nuôi tằm ở xử Lường là vùng đất Đặng Sơn, nhưng nhờ sự linh hoạt trong làm ăn, bà con Lưu Sơn đã học hỏi và đưa nghề về xã.

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã gắn bó với Lưu Sơn qua nhiều thế hệ, tuy nhiên vào khoảng những năm 1990 đến 1995 thì nghề rơi vào khủng hoảng do thị trường không tìm được đầu ra. Bà con cũng vì thế mà phải bỏ nghề. Cho đến năm 2001, khi xã có chủ trương khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm thì một số bà con bắt đầu quay lại với nghề.

Tuy nhiên, chỉ đến vài năm gần đây, khi hướng đi nuôi tằm làm thực phẩm dần khẳng định được hiệu quả kinh tế thì nghề mới thu hút được nhiều bà con tham gia. Hiện tại toàn xã có hơn 50 hộ tập trung tại 2 xóm Hồng Phong và Phú Thọ gắn bó với công việc nuôi tằm thương phẩm.

tằm Lưu Sơn
Hiện nuôi tằm thương phẩm đang là hướng đi kinh tế mới mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con Lưu Sơn. Ảnh: Quỳnh Thanh

Là một trong những hộ tiên phong khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm, ông Nguyễn Văn Tiên (65 tuổi, xóm Hồng Phong) cho biết, gia đình cũng như nhiều bà con trong xóm lựa chọn giống tằm kén vàng Việt Nam để nuôi. Loại giống này được nhập chủ yếu từ Thái Bình với giá khoảng 70 nghìn đồng mỗi vòng. Tính khoảng thời gian từ lúc ươm vòng trứng cho đến khi tằm chín để bán ra thị trường kéo dài khoảng 20 ngày. Nếu phát triển tốt có thể cho tới 55kg tằm thương phẩm. Với giá bán như hiện nay dao động khoảng từ 70 đến 80 nghìn đồng mỗi kg tằm chín thì thu nhập mang về trên dưới 4 triệu đồng.

tằm Lưu Sơn
Mỗi vòng trứng cho thành phẩm trên dưới 55kg tằm thương phẩm. Ảnh: Quỳnh Thanh

Ông Tiên cho biết, ở Lưu Sơn có lợi thế ở chỗ vùng đất ven bãi ít ngập hơn, và nếu có ngập thì nước cũng rút nhanh hơn nên bà con chủ động hơn về nguồn lá dâu cung cấp cho tằm. Đơn cử như đợt ngập cuối tháng 8 vừa qua, dù nhiều bà con vùng bãi dọc sông Lam phải đổ bỏ tằm khá nhiều do nước ngập không hái được lá dâu, nhưng đa phần người dân ở Lưu Sơn vẫn duy trì được sản phẩm của mình.

Gia đình ông cũng như bà con trong xóm lựa chọn giống tằm kén vàng Việt Nam là bởi giống tằm này có khả năng chống chịu tốt với thời tiết nóng, ẩm và ít bị bệnh. Khi cho ra thành phẩm để làm thức ăn có chất lượng cao hơn nhiều so với giống tằm kén trắng đang phổ biến trên thị trường. Nhờ vị béo, thơm và hàm lượng chất dinh dưỡng cao của tằm khi chín mà thương lái tìm về xã để thu mua sản phẩm ngày càng đông.

tằm lưu sơn
Nhờ lợi thế vùng đất bãi, người dân Lưu Sơn đã chủ động được nguồn lá dâu làm thức ăn cho tằm. Ảnh: Quỳnh Thanh

Việc nuôi tằm thương phẩm không qua giai đoạn chờ tằm lên kén nên đã rút ngắn được thời gian quay vòng sản xuất cũng như giảm thiểu nhiều rủi ro đối với người nuôi. Cùng với đó, nhờ nguồn đầu tư thấp lại tận dụng được lao động dôi dư nên đây đã trở thành một hướng đi kinh tế hộ phù hợp ở địa phương, đem lại nguồn thu nhập khá để ổn định cuộc sống cho bà con Lưu Sơn.

Mới nhất

x
Nuôi tằm làm món ăn “đặc sản” ở Lưu Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO