Bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên ở huyện Thanh Chương:

Ổn định lâu dài và nâng cao chất lượng giáo dục

(Baonghean.vn) - Nhiều năm nay, Thanh Chương đang phải đối diện với bài toán thừa thiếu giáo viên, dôi dư cục bộ và bất cập trong công tác luân chuyển, điều động. Vì vậy, việc bố trí, sắp xếp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là việc làm cần thiết để vừa giải quyết được tồn đọng, hài hòa giữa các vùng miền, vừa nâng cao chất lượng.

Gỡ  “khó” cho giáo viên và các nhà trường

Thừa - thiếu giáo viên cục bộ và dôi dư giáo viên là thực trạng đã diễn ra nhiều năm ở huyện Thanh Chương. Tại thời điểm năm 2016, toàn huyện thừa 65 giáo viên ở bậc tiểu học, 121 giáo viên ở bậc THCS nhưng lại thiếu 137 giáo viên mầm non.

Học sinh huyện Thanh Chương tham gia Cuộc thi sáng tạo STEM (Khoa học Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học). Ảnh: Huy Thư
Học sinh huyện Thanh Chương tham gia Cuộc thi sáng tạo STEM (Khoa học Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học). Ảnh: Huy Thư

Tuy nhiên, trong số này lại có những bất cập, mất cân đối trong giáo viên như thừa giáo viên tiểu học đa môn, thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật. Ở bậc THCS, sự mất cân đối càng nghiêm trọng hơn khi giáo viên Ngữ văn và Toán thừa hơn 100 người. Trong khi đó lại thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ.

Điều đáng nói, trước khi tình trạng mất cân đối giáo viên diễn ra, hàng năm huyện Thanh Chương cũng đã tiến hành luân chuyển, điều động giáo viên, nhưng giải pháp này chỉ thực hiện được một thời gian ngắn lại nảy sinh bất cập.

Một hoạt động ngoại khóa của giáo viên và học sinh huyện Thanh Chương. Ảnh: PV
Một hoạt động ngoại khóa của giáo viên và học sinh huyện Thanh Chương. Ảnh: PV

Lý do chính vì phải điều chuyển thường xuyên giáo viên từ nơi thuận lợi đến nơi khó và ngược lại nên hàng năm số lượng giáo viên biến động nhiều gây cho giáo viên tư tưởng thiếu an tâm trong công việc, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường.

Bên cạnh đó, do đối tượng giáo viên điều chuyển ngày càng thu hẹp (nhiều giáo viên quá tuổi so với quy chế) dẫn đến nhiều giáo viên dù đã hết nghĩa vụ, nhưng phải tiếp tục luân chuyển lần 2, lần 3 mới đảm bảo mặt bằng tương đối về tỷ lệ và cơ cấu giáo viên bộ môn giữa các trường, gây khó khăn cho việc sắp xếp bố trí trong dạy và học.

Từ thực tế này, ngày 12/8/2016, Huyện ủy Thanh Chương đã ban hành Nghị quyết số 08 về ban hành Đề án “Bố trí sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”.

Mục tiêu của đề án là bố trí, sắp xếp lại toàn bộ đội ngũ giáo viên của các cấp học trên địa bàn huyện, nhằm đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp, giáo viên các bộ môn chính/lớp của cấp THCS tương đối đồng đều giữa các vùng, ổn định nơi công tác cho giáo viên.

Học sinh huyện Thanh Chương tham gia cuộc thi sáng tạo stem. Ảnh: Huy Thư
Học sinh huyện Thanh Chương tham gia cuộc thi sáng tạo stem. Ảnh: Huy Thư

Đề án cũng đặt mục tiêu, cố gắng tối đa để bố trí giáo viên gần nơi cư trú, tránh biến động thường xuyên hàng năm, để tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.

Tại Trường mầm non Thanh Ngọc 2 năm trước thiếu giáo viên trầm trọng vì trường có 10 nhóm lớp nhưng giáo viên chỉ có 14 người (thiếu 6 giáo viên).

Vì thế, ngoài ưu tiên cho nhóm lớp 3 tuổi và nhóm lớp 5 tuổi là 2 giáo viên/lớp thì các nhóm lớp còn lại đa phần chỉ có 1 giáo viên/lớp. Đây thực sự là một áp lực rất lớn cho nhiều giáo viên bởi đặc thù của bậc học mầm non rất nặng nề, vừa dạy nhưng lại vừa chăm cháu, đi sớm về muộn. Hầu hết giáo viên trong trường đều làm việc trong tình trạng quá tải.

Khó khăn này cũng không phải diễn ra trong một năm mà đã tồn tại nhiều năm trước. Vì lẽ đó, khi huyện Thanh Chương thực hiện đề án “Bố trí sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên”, Trường Mầm non Thanh Ngọc đã được điều về thêm khá nhiều giáo viên, nâng tỷ lệ giáo viên trong trường là 1,8 giáo viên/lớp.

Huyện Thanh Chương tuyên dương các giáo viên có thành tích cao trong năm học 2018 - 2019. Ảnh: HT
Huyện Thanh Chương tuyên dương các giáo viên có thành tích cao trong năm học 2018 - 2019. Ảnh: HT

Bên cạnh đó, có 2 giáo viên trong trường tự nguyện xin điều chuyển đến vùng khác để phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nói về quá trình thực hiện, cô giáo Lê Thị Hồng Loan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong số những giáo viên được điều động về trường chúng tôi có cả những giáo viên tiểu học và THCS.

Thời gian đầu, khi mới tiếp nhận công việc họ có những khó khăn nhưng nhà trường đã cố gắng bố trí sắp xếp công việc hợp lý, ghép giáo viên mới vào những giáo viên vững chắc, có kinh nghiệm để họ có điều kiện học hỏi. May mắn cho chúng tôi là dù phải thay đổi bậc học nhưng sau khi điều chuyển các giáo viên này lại được về dạy gần nhà nên họ yên tâm công tác và không ngừng nỗ lực, phấn đấu.

Sau khi điều chuyển các giáo viên này lại được về dạy gần nhà nên họ yên tâm công tác và không ngừng nỗ lực, phấn đấu.

Lê Thị Hồng Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Ngọc

Khách quan, không tạo áp lực

Đến thời điểm này, sau hơn 2 năm thực hiện đề án, huyện Thanh Chương đã cơ bản sắp xếp, bố trí khá hợp lý giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học căn cứ trên số lượng thực tế của huyện nhà.

Cụ thể, ở bậc mầm non, nếu như trước đây, có sự mất cân đối giữa các vùng, nơi cao nhất là 1,7 giáo viên/lớp và nơi thấp nhất là 1,4 giáo viên/lớp, thì nay đã điều hòa lại gần 1,6 giáo viên/lớp.

Thư viện Trường THCS Thanh Yên. Ảnh: MH
Thư viện Trường THCS Thanh Yên. Ảnh: MH

Ở cấp tiểu học, sau khi điều chuyển vị trí của khoảng 180 giáo viên, tâm lý của giáo viên đã ổn định hơn khi giáo viên được bố trí sắp xếp về làm việc gần nhà, thuận lợi trong công tác.

Việc thừa - thiếu giáo viên cục bộ cũng đã có những điều chỉnh để hạn chế ít nhất tình trạng mất cân đối giữa giáo viên bộ môn. Nói thêm về kết quả, cô giáo Nguyễn Thị Thuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh An chia sẻ: Những năm trước, do giáo viên ở xa trường khá nhiều nên khi sắp xếp chuyên môn chúng tôi gặp nhiều khó khăn.Bản thân các cô cũng vất vả vì khi đi lại, đặc biệt là mùa mưa gió.

Hiện tại, 7 giáo viên quá xa trường đã được điều về các trường gần gia đình nên tất cả giáo viên trong trường đều phấn khởi và nhà trường thì thuận lợi hơn trong hoạt động chuyên môn, không còn nhiều xáo trộn như trước kia.

Một tiết học trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Thanh Chi . Ảnh: PV
Một tiết học trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Thanh Chi . Ảnh: PV

Những kết quả bước đầu đã đạt được ở bậc mầm non và tiểu học cũng là cơ sở để năm 2019, huyện Thanh Chương tiến hành bố trí sắp xếp lại đội ngũ giáo viên ở bậc THCS theo lộ trình của Đề án.

Đây cũng là bậc học khó khăn nhất vì hiện tại toàn huyện đang còn dôi dư hơn 100 giáo viên nên ngoài bố trí lại hợp lý theo nguyện vọng của giáo viên thì huyện cũng cần phải cân nhắc để hài hòa giữa các trường, hài hòa giữa các môn học.

Đến thời điểm này, dù các phương án bố trí đang được các phòng, ngành của huyện hết sức cân nhắc (huyện thành lập Hội đồng sắp xếp, bố trí giáo viên nhằm đảo bảo sự chặt chẽ, khách quan), nhưng qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Việc sắp xếp bố trí lại đội ngũ giáo viên bậc THCS năm nay phải đảm bảo theo đúng tinh thần của Nghị quyết 08/2016 của Huyện ủy ban hành kèm theo Đề án 1719.

Trong điều kiện giáo viên thừa thiếu cục bộ và mất cân đối này, chúng tôi xác định đây là một vấn đề rất khó khăn phức tạp, liên quan đến từng con người, từng hoàn cảnh cụ thể. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay của huyện thì việc sắp xếp bố trí lại là cần thiết để khắc phục những tồn tại nhiều năm nay do lịch sử để lại.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng xác định khó khăn nhất là khó có thể đáp ứng được nguyện vọng của tuyệt đại đa số giáo viên nhưng đây là phương án hợp lý nhất. Vì thế, huyện cũng mong nhận được sự chia sẻ và đồng thuận cao của tập thể giáo viên và các nhà trường

 Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng xác định khó khăn nhất là khó có thể đáp ứng được nguyện vọng của tuyệt đại đa số giáo viên nhưng đây là phương án hợp lý nhất. Vì thế, huyện cũng mong nhận được sự chia sẻ và đồng thuận cao của tập thể giáo viên và các nhà trường.

Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương

Về phía huyện cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp từ cơ sở đến huyện để nghe nguyện vọng của các giáo viên, tổ chức cho giáo viên làm đơn theo nguyện vọng, tiến hành rà soát, xác định rõ theo từng tiêu chí. Huyện cũng xác định việc điều động phải đảm bảo khách quan, nghiêm túc, minh bạch bám sát theo hai nguyên tắc là phải sát với đề án, với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc bố trí phải hợp lý theo từng vùng, từng trường, từng đối tượng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên yên tâm công tác...”.

Trước đó, theo đề án đã được phê duyệt, đối tượng sắp xếp là tất cả giáo viên trên địa bàn, trừ những giáo viên có thời gian công tác dưới 24 tháng và có hoàn cảnh thực sự đặc biệt (do Hội đồng xem xét, quyết định). Khi điều động, ưu tiên tối đa giữ nguyên đơn vị công tác đối với những giáo viên đã được bối trí gần nơi cư trú. Những giáo viên điều động sẽ đảm bảo không quá xa 12 km (đối với vùng đồng bằng) và 10 km (đối với miền núi) và 7 km (nếu phải đi đò) tính theo hộ khẩu thường trú.

Tiết học trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Thanh Chi - Thanh Chương. Ảnh: PV
Tiết học trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Thanh Chi - Thanh Chương. Ảnh: PV

Việc sắp xếp bố trí lại đội ngũ giáo viên với khoảng 140 người của bậc THCS cũng là đợt cuối cùng nhằm thực hiện đề án “Bố trí, sắp xếp, nâng cao chất lượng giáo viên của huyện Thanh Chương giai đoạn 2016 - 2020”.

Đây cũng là tiền đề tốt để trong những năm tới, huyện Thanh Chương tập trung bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, từng bước tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể  mới và nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục đào tạo ở tất cả các bậc học.

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.