Phan Bội Châu - bậc anh hùng, vị thiên sứ của dân tộc

26/12/2017 16:03

(Baonghean) - Những năm cuối thế kỷ XIX, ngọn cờ Cần Vương bị giặc Pháp đàn áp và đi đến thất bại hoàn toàn. Lịch sử đặt ra một yêu cầu mới hết sức bức thiết cho những nhà yêu nước lúc bấy giờ là phải tìm ra một con đường cứu nước mới, phù hợp để tiếp tục hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phan Bội Châu xuất hiện trong thời khắc đó. Hình ảnh ông chói sáng như vì sao tinh tú nhất và được triệu triệu người Việt Nam gửi gắm niềm tin.

Phan Bội Châu tên thật là Phan Văn San, hiệu Sào Nam, sinh năm 1867, ở thôn Sào Nam, làng Đan Nhiệm - nay là xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Lớn lên trên một vùng quê giàu truyền thống hiếu học và yêu nước, chỉ 3 ngày cậu bé San đã đọc thuộc cuốn "Tam Tự Kinh" dày hàng trăm trang. Say mê học và thông minh kỳ lạ, 16 tuổi Phan đã 3 lần đỗ đầu xứ; 17 tuổi, chong đèn viết hịch “Bình Tây thu Bắc”.

Nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Năm 1898, sau khi bị mắc oan tội “hoài hiệp văn tự” (mang văn tự trong áo) và bị kết án “Chung thân bất đắc ứng thi” (tức là suốt đời không được đi thi nữa), Phan khăn gói vào Huế với vai trò là một thầy đồ nhưng thực chất là muốn tiếp xúc với các bậc danh sĩ, đại khoa đang giữ chức vụ quan trọng ở kinh đô để bắt mối đồng tâm.

Tại trường Quốc Tử Giám, Phan cùng làm bài phú với các học trò của trường: "Bái thạch vi huynh". Bài Phú đã gây một tiếng vang lớn cho giới văn thân, quan trường thời đó:

“Kẻ trượng phu đâu khuất chí, bậc thái thượng chẳng nao lòng!

Cột chống lưng trời, nêu gương cương thường muôn thuở

Tiếng vang mặt đất, dậy văn bút hai vùng!…”.

Bài phú đã khiến Khiếu Năng Tỉnh cảm phục và can thiệp với triều đình xoá án “hoài hiệp văn tự” cho Phan Văn San.

Năm 1900, Phan trở về quê hương xứ Nghệ để dự kỳ thi hương và đỗ giải nguyên với lời ngợi ca “Bảng một tên, lừng lẫy tiếng làng văn”. Từ đây, ông chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng với tên gọi Phan Bội Châu.

Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam có một đôi mắt đã hướng thẳng ra đại dương để đến với một chân trời mới, một lý tưởng cứu nước mới. Phan Bội Châu phất cao ngọn cờ Duy Tân với chủ trương vũ trang bạo động và tạo dựng khối đoàn kết toàn dân: “Nướng nhiệt tình có thể làm khô bể/Cậy đoàn thể có thể vá được trời”.

Thực hiện tinh thần đó, một ngày đầu năm 1905, Phan cùng 2 người bạn của mình là Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ ra đi, mở đầu cho 20 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Phan đã đến với Nhật Bản xứ sở hoa anh đào - một đất nước phồn thịnh bậc nhất châu Á lúc bấy giờ. Mục đích của Duy Tân hội chuyển từ cầu viện sang cầu học, từ đó đã đánh dấu cho sự hình thành một phong trào mới trên đất Nhật: phong trào Đông Du.

Công cuộc Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng đã dấy lên một phong trào xuất dương yêu nước mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử lúc bấy giờ. Hàng trăm thanh niên đã “Vứt hết sách vở văn chương... lìa bỏ làng mạc, vợ con băng ngàn lội suối, bất chấp mọi thiếu thốn nguy hiểm để qua Nhật, qua Xiêm mà du học, mà trù liệu việc đánh Tây”.

Tại Nhật Bản, nhà chí sỹ yêu nước của Việt Nam đã gặp một số nhân vật quan trọng, sẵn sàng hỗ trợ Phan Bội Châu trên chặng đường ái quốc của mình, Có thể kể đến những người như: Okumura, Kashiwabara Buntaro, đặc biệt là bác sỹ Asaba Sakitaro. Khi thực dân Pháp ép buộc Nhật trục xuất hết các du học sinh Đông Du, họ gần như rơi vào bước đường cùng. Chính lúc ấy, bác sỹ ASaba đã cứu giúp Phan và những người đồng chí. Ơn nghĩa ấy, khiến Phan Bội Châu cảm kích vô cùng. 9 năm sau, khi Phan Bội Châu trở lại Nhật để nói lời cảm tạ bác sỹ thì ông đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Quá đau buồn và tiếc nuối, Phan Bội Châu đến quê hương của ông và dựng bia báo ân người bạn lớn của mình. Văn bia viết: “Chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới đất Phù Tang, ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn khắp cả trong ngoài, ngài ban thời như trời lớn, tôi nhận thời như biển đầy...” .

Trước những ảnh hưởng to lớn của Phan Bội Châu, thực dân Pháp đã quyết tâm tiêu diệt vị lãnh tụ này bằng mọi cách. Tháng 6/1925, khi đang trên đường đi từ Hàng Châu về Quảng Châu (Trung Quốc) thì ông bị địch bắt. Nhưng âm mưu sát hại Phan Bội Châu của thực dân Pháp bị bại lộ. Toàn dân Việt Nam lúc đó mà đặc biệt là giới thanh niên trí thức đã dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử, đòi trả tự do cho Phan. Trước sức ép đó, thực dân Pháp phải xoá bỏ án chung thân nhưng chúng buộc cụ Phan phải bị quản thúc ở Huế mà không được trở về quê hương.

Toàn cảnh Khu di tích lưu niệm Cụ Phan Bội Châu (Nam Đàn). Ảnh: Đức Anh
Toàn cảnh Khu di tích lưu niệm Cụ Phan Bội Châu (Nam Đàn). Ảnh: Đức Anh

Dù sống trong cảnh "chim lồng cá chậu" của một ông già Bến Ngự, trên mảnh đất cố đô, nhưng không sức mạnh nào có thể làm Cụ nhụt ý chí cứu nước. Không trực tiếp bôn ba để hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu đã tiếp tục sự nghiệp bằng sự chắt lọc tinh tuý và sức lay chuyển sấm chớp của ngòi bút qua những vần thơ, hay trong những lời giảng của một nhà nho có kiến thức uyên thâm. Cụ Phan tham gia diễn thuyết ở nhiều nơi, truyền bầu nhiệt huyết cứu nước vào tầng lớp thanh niên học sinh thời bấy giờ. Lời giảng của cụ có sức cuốn hút kỳ lạ, khiến họ thấy có cái gì náo nức, như thúc giục họ vùng dậy, xông lên làm điều gì cho Tổ quốc.

Mười lăm năm ở Huế, trong mái tranh nghèo của ông già Bến Ngự, cụ Phan đã cho ra đời nhiều công trình học thuật có giá trị với nhiều thể loại khác nhau. Những tác phẩm đó gây được tiếng vang lớn và là món quà vô giá để lại cho hậu thế. Đặc biệt cuốn “Chủ nghĩa xã hội” được cụ Phan hoàn thành năm 1937 thể hiện rõ tư tưởng tiến bộ của cụ Phan khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin.

Để rồi khi sức đã cùng, lực đã kiệt cụ run run đề vào bức "di tượng" của mình: “Lo cứu nước bảo tồn nòi giống, tôi có chí nhưng không có tài. Nay tôi xin từ biệt quốc dân mãi mãi. Tội tôi rất lớn, mong quốc dân tha thứ cho”. Cái day dứt băn khoăn của một tâm hồn chứa chan tinh thần trách nhiệm với vận mệnh dân tộc thật cao quý và cảm động. Ngày 29/10/1940 Phan Bội Châu trút hơi thở cuối cùng.

Trong lịch sử dân tộc, bóng dáng Phan Bội Châu vươn lên sáng chói trên chân trời đầy giông bão những năm đầu thế kỷ XX. Đúng như lời nhận xét đầy tôn kính của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phan Bội Châu- bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng".

Khánh Như

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Phan Bội Châu - bậc anh hùng, vị thiên sứ của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO