'Pháp muốn gửi thông điệp cùng xây dựng tương lai với Việt Nam'
Cố vấn của Tổng thống Pháp, bà Alice Rufo nhấn mạnh điều này khi nói về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande.
"Nước Pháp cũng muốn làm mới mẻ quan hệ hợp tác, đối thoại với một Việt Nam ngày nay đang trên con đường phát triển và muốn gửi thông điệp chúng tôi ở đây để cùng xây dựng tương lai với Việt Nam" - Đó là lời khẳng định của bà Alice Rufo, Cố vấn của Tổng thống Pháp về các Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về châu Mỹ và châu Á trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Pháp trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp.
Bà Alice Rufo, Cố vấn của Tổng thống Pháp về các Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về châu Mỹ và châu Á trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV |
PV: Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ 5-7/9/2016. Xin bà cho biết bối cảnh của chuyến thăm lần này ?
Bà Alice Rufo: Tổng thống Francois Hollande từ lâu đã bày tỏ mong muốn thực hiện một chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, bởi ông coi trọng Việt Nam là một đối tác lớn của nước Pháp tại Đông Nam Á nói riêng và trong khu vực nói chung.
Chuyến thăm của Tổng thống đã thông báo từ trước và chuyến đi châu Á của ông nhân dịp tham dự Hội nghị G20 đã tạo điều kiện để ông hiện thực hóa chuyến thăm quan trọng đến Việt Nam từ ngày 5-7/9/2016.
Đầu tiên tại Hà nội với các cuộc gặp với tất cả các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và sau đó là tại TPHCM, Tổng thống Francois Hollande sẽ gặp gỡ cộng đồng Pháp, các lãnh đạo địa phương cũng như nhiều doanh nghiệp Pháp làm ăn kinh doanh tại TPHCM.
PV: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp nhằm những mục tiêu quan trọng nào, thưa bà?
Bà Alice Rufo : Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Francois Hollande có 3 mục tiêu chính.
Thứ nhất, đó là củng cố quan hệ Đối tác chiến lược mà Pháp và Việt Nam đã ký vào năm 2013. Các bạn cũng biết rằng, thỏa thuận Đối tác chiến lược đáp ứng mong muốn của cả Pháp và Việt Nam củng cố quan hệ đối tác trong đối thoại chính trị, trong tất cả các vấn đề ổn định, an ninh khu vực, cho phép các lãnh đạo cấp cao nhất của Pháp và Việt Nam gặp gỡ thường xuyên và trao đổi quan điểm về những thách thức lớn nhất của thế giới.
Ngoài những vấn đề về hòa bình và ổn định thì còn có cả những thách thức như biến đổi khí hậu. Việt Nam luôn sát cánh cùng chúng tôi trong Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu COP 21 và chúng tôi biết rằng Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Mê Kông.
Mục tiêu thứ hai, là thổi luồng gió mới vào quan hệ kinh tế giữa hai nước. Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á với những mức tăng trưởng rất ấn tượng. Các doanh nghiệp Pháp có mặt đông đảo tại Việt Nam với hơn 300 doanh nghiệp, lượng vốn đầu tư quan trọng và tuyển dụng nhiều nhân công tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi có thể đi xa hơn bởi năng lực và sự hiểu biết của các doanh nghiệp Pháp phù hợp với các nhu cầu phát triển hiện nay của Việt Nam.
Ví dụ, trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông… các thành phố tại Việt Nam đang phát triển một cách đẩy ấn tượng. Hay trong lĩnh vực giải pháp cho tăng trưởng xanh, để đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu. Nói tóm lại là thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ hơn phù hợp với những kỳ vọng của cả hai nước.
Và mục tiêu thứ ba, củng cố những khía cạnh khác luôn có mặt trong mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, đó là trao đổi giữa nhân dân hai nước và hợp tác trong giáo dục đại học.
Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy có rất nhiều sinh viên Việt Nam đến Pháp học tập, nhưng giờ là lúc cũng có nhiều sinh viên Pháp đến Việt Nam học tập, nghiên cứu, do đó, chúng ta cần củng cố các hoạt động trao đổi sinh viên. Việt Nam là một trong những nước thành viên lớn của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và có hơn 40.000 người học tiếng Pháp tại đất nước các bạn.
Chúng tôi muốn nhân rộng các lớp song ngữ, thúc đẩy việc đào tạo các khoa tiếng Pháp tại Việt Nam và dĩ nhiên, cùng thảo luận với Việt Nam việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Tổ chức Pháp ngữ tại Madagascar.
Ngoài ra, dĩ nhiên, cần nói đến trao đổi văn hóa giữa hai nước, tiếp theo Năm chéo Pháp – Việt 2013-2014, vào dịp kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (40 năm). Và tiếp đó, có thể thúc đẩy trong lĩnh vực du lịch, giao lưu giữa nhân dân hai nước luôn đóng vai trò quan trọng trong tình hữu nghị Pháp -Việt.
Tổng kết lại, mục đích của chuyến thăm là để khẳng định lại chúng tôi có một tình hữu nghị, một mối quan hệ lịch sử rất dài và giàu có với Việt Nam, đồng thời nước Pháp cũng muốn làm mới mối quan hệ đó, đối thoại với một Việt Nam ngày nay đang trên con đường phát triển. Pháp muốn gửi thông điệp rằng chúng tôi ở đây để cùng xây dựng tương lai với Việt Nam.
PV: Cụ thể lịch trình và nội dung các hoạt động trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp tại Việt Nam như thế nào, thưa bà ?
Bà Alice Rufo : Tổng thống Pháp sẽ đi thẳng từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc đến Việt Nam vào tối 5/9 và bắt đầu chuyến thăm chính thức tại Hà nội vào sáng 6/9.
Tổng thống sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam …, với tất cả các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam.
Tổng thống Pháp sẽ có bài phát biểu tại Đại học Hà nội với giới trẻ Việt Nam, cụ thể nhắc lại quá khứ chung giữa hai nước nhưng quan trọng hơn là để khẳng định chúng ta sẽ cùng xây dựng tương lai. Tiếp đó, Tổng thống sẽ đi dạo trong trung tâm Hà nội vì ông muốn tìm hiểu văn hóa và gặp gỡ người dân Việt Nam.
Sau đó, Tổng thống Hollande sẽ đến TPHCM và gặp gỡ cộng đồng người Pháp ở đó, gặp gỡ nhiều nhân vật văn hóa, Pháp và Việt Nam – những người tháp tùng Tổng thống trong chuyến thăm này.
Ngày hôm sau tại TPHCM, Tổng thống sẽ tham dự buổi chiêu đãi chính thức và hai chuyến thăm trong thành phố. Đầu tiên là tại Viện Tim, nơi được xem là hình mẫu trong hợp tác y tế Pháp – Việt rất thành công với việc đào tạo bác sỹ, đối phó với các dịch bệnh lớn…
Thông qua chuyến thăm tại đây, chúng tôi cũng muốn chỉ ra rằng chúng ta có thể làm mới quan hệ hợp tác lâu đời, để làm sao các bác sỹ của hai nước có thể áp dụng những phác đồ điều trị sáng tạo và mới nhất.
Tiếp đó, Tổng thống sẽ đến thăm một doanh nghiệp khởi nghiệp Pháp – Việt, cũng để minh chứng cho mong muốn của chúng tôi mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số. Và khi chúng tôi biết rằng người Việt Nam gắn bó chặt chẽ với khoa học và tri thức đến mức nào, chúng tôi tin chắc các bạn sẽ rất nhanh chóng thành công trong lĩnh vực mà nước Pháp cũng rất có thế mạnh và sẵn sàng hợp tác này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà./.
Theo VOV