Phát huy 4 giải pháp để du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn

29/12/2017 16:12

(Baonghean) - Năm 2017 ghi nhận bước phát triển vượt bậc của du lịch Nghệ An; Tổng thu ước đạt 6.086 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ các dịch vụ 3.092 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 120,8% kế hoạch - cao nhất từ trước tới nay.

Tập trung 4 nhóm giải pháp

Năm 2017, toàn ngành Du lịch Nghệ An đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Để có kết quả đó, trong năm Sở Du lịch đã tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ và các điểm đến du lịch. Cụ thể, tham mưu UBND ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, tăng cường quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch và Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, chấn chỉnh và tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm và phương tiện vận tải khách du lịch theo tuyến thủy nội địa; phối hợp quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng xe ô tô đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh trên địa bàn.

Du lịch ở đảo chè Cầu Cau, xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh Thành Cường
Du lịch ở đảo chè Cầu Cau, xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh Thành Cường

Thứ hai, tập trung các hoạt động hướng tới doanh nghiệp như: Tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy du lịch trong tỉnh phát triển.

Cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, thông tin về các sản phẩm du lịch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động theo đúng pháp luật. Tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến du lịch, tìm kiếm khai thác mở rộng thị trường khách quốc tế, nội địa.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá và hợp tác liên kết phát triển du lịch, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Cụ thể, năm 2017, Sở đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến du lịch Việt Nam tại 4 thành phố của Trung Quốc; tham gia ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Nghệ An bằng đường bộ và đường hàng không với Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.

Tổ chức in ấn, phát hành ấn phẩm, vật phẩm về quảng bá du lịch Nghệ An bằng song ngữ Anh - Việt, Trung, Nhật; tham gia Hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ JATA Nhật Bản... Đặc biệt, cùng với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất 6 tập phim giới thiệu du lịch các huyện Đô Lương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Yên Thành, Nghi Lộc...

Khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch miền Tây và hợp tác với các doanh nghiệp của tỉnh Xiêng Khoảng - Lào khai thác tuyến du lịch từ Nghệ An đi Xiêng Khoảng - Luang Prabang - Viêng Chăn và ngược lại. Ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch Nghệ An và Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020;

Ký kết Kế hoạch phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch với Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Bình, Khánh Hòa.

Thứ tư, đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; Thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó đã trình phê duyệt Đề án tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa của Sở Du lịch; công bố Danh mục thủ tục hành chính của Sở Du lịch thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; ban hành Nội quy làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả...; xây dựng Cổng thông tin điện tử của Sở Du lịch và đã được tích hợp vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Tăng trưởng đạt mức kỷ lục

Năm 2017, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ giúp đỡ của Tổng cục Du lịch, sự chủ động triển khai sớm các nhiệm vụ kế hoạch được giao, nhất là về công tác xúc tiến quảng bá nên hoạt động du lịch Nghệ An đã có bước chuyển biến tích cực, lượng khách du lịch tăng cao, đặc biệt là vào các dịp lễ 30/4, 1/5, 2/9.

Nhiều điểm du lịch thu hút lượng khách đến tham quan đông như: Khu Di tích Kim Liên; thị xã Cửa Lò… Ngoài ra, các điểm du lịch văn hóa, sinh thái tâm linh trong tỉnh như: Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Đền Hoàng Mười, Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Safari Diễn Lâm, du lịch cộng đồng huyện Con Cuông, khu sinh thái đảo chè Cầu Cau Thanh Chương… đều có lượng khách tăng cao.

Khám phá rừng nguyên sinh Pù Mát. Ảnh: Thành Cường
Khám phá rừng nguyên sinh Pù Mát. Ảnh: Thành Cường

Cơ sở vật chất phục vụ du lịch tiếp tục phát triển mạnh, nhất là cơ sở lưu trú du lịch. Trong năm có thêm 76 khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng được đưa vào hoạt động. Số lượng khách sạn được đầu tư theo phân khúc khách sạn cao cấp 3 - 5 sao ngày càng tăng, đặc biệt là Dự án Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Hội đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với số vốn đầu tư 770 tỷ đồng.

Nhiều khách sạn khác cũng được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đang xúc tiến các thủ tục xin chủ trương đầu tư, trong đó có dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc của Tập đoàn FLC với tổng số vốn 10.500 tỷ đồng.

Năm 2017, tổng lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn Nghệ An ước đạt 5.959 ngàn lượt, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, khách lưu trú ước đạt 3,85 triệu lượt, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 106,9% kế hoạch năm 2017. Khách quốc tế ước đạt 109.000 lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng thu ước đạt 6.086 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các dịch vụ 3.092 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 120,8% kế hoạch năm 2017 - cao nhất từ trước tới nay.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2018, ngành Du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón và phục vụ 4,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 9% so với dự ước thực hiện năm 2017, trong đó có 126 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 16%; tổng thu từ du lịch đạt 6.850 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch đạt 3.530 tỷ đồng, tăng 14,2% so với dự ước thực hiện năm 2017.

Để đạt mục tiêu đó, ngành tiếp tục tăng cường công tác phối hợp tham mưu triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Cụ thể hoá nội dung Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh thành các nhiệm vụ của ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả, theo đúng tiến độ thời gian.

Vui hội miền tây - lễ hội hoa hướng dương. Ảnh: P.V
Vui hội miền tây - lễ hội hoa hướng dương. Ảnh: P.V

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển du lịch. Thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu đón tiếp phục vụ khách. Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, quản lý tài nguyên môi trường.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực gắn với triển khai áp dụng Bộ Tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia VTOS. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Thanh Thủy

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Phát huy 4 giải pháp để du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO