Phát huy tinh thần vì nước, vì dân qua công tác tuyển quân

Thành Chung (thực hiện) 29/01/2023 11:50

(Baonghean.vn) - Ngày 7/2 tới đây, Nghệ An có 3.102 công dân nhập ngũ. Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Đại tá Phan Đại Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh về công tác tuyển, giao nhận quân.

P.V: Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, Nghệ An là một hậu phương vững chắc. Từ nơi đây, lớp lớp người con quê hương đã lên đường ra trận… Ngày nay, trong thời bình, nối tiếp truyền thống, hằng năm có hàng ngàn công dân Nghệ An đã tình nguyện vào quân ngũ để bảo vệ chủ quyền biển, trời, tấc đất quê hương. Đồng chí cho biết rõ hơn về tinh thần tình nguyện đó?

Đại tá Phan Đại Nghĩa: Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, cái nôi của nhiều cuộc cách mạng trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Từ xưa đến nay, khi đất nước lâm nguy, lớp lớp người con từ vùng đất "thành đồng ao nóng" này lại hòa mình vào dòng người Việt, anh dũng chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc… Có thể nói, ngọn lửa tinh thần yêu nước của người dân Nghệ An luôn bừng cháy. Chính vì vậy, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, người Nghệ An cũng đã có những đóng góp xứng đáng cho đất nước, cho sự trường tồn của dân tộc.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An tặng hoa cho công dân lên đường nhập ngũ. Ảnh: Đức Anh

Trong thời bình, khí phách kiên cường của các bậc tiền bối vẫn luôn được các thế hệ sau tiếp nối viết thêm những trang sử hào hùng trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc. Những năm qua, đã có hàng trăm ngàn thanh niên Nghệ An đã và đang tham gia khám tuyển vào quân ngũ, bất chấp hiểm nguy và gian khó. Cụ thể, mỗi năm lại có hàng chục ngàn thanh niên trong độ tuổi nhận thức rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ quân sự của mình đã sẵn sàng đăng ký nhập ngũ và Nghệ An luôn là địa phương được giao nguồn lớn trong tuyển chọn công dân nhập ngũ hàng năm.

Và thực tế, khi vào quân ngũ, những chiến sĩ này lại được bồi dưỡng, đào tạo và rèn luyện về phẩm chất đạo đức, chính trị, niềm tin và ý chí vượt qua những khó khăn, thử thách. Qua đó họ được trưởng thành, vững bước hơn cho một hành trình mới của cuộc sống. Tình yêu nước, tình đồng chí, đồng đội tiếp tục được vun đắp, trở thành điều thiêng liêng, những dấu ấn đẹp đẽ… Và cứ thế, mạch nguồn truyền thống vì nước vì dân của Bộ đội Cụ Hồ trên quê hương Người nói riêng được tiếp nối.

P.V: Năm 2023 này, Nghệ An có trên 3.102 thanh niên lên đường nhập ngũ qua tuyển chọn kỹ càng. Quá trình tuyển chọn này diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Phan Đại Nghĩa: Thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2023 này, Nghệ An đã quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc Luật Nghĩa vụ quân sự theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư của Bộ Quốc phòng - Bộ Công an, kế hoạch của Quân khu 4 và Ủy ban nhân dân tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… với nhiều hình thức, cách làm hiệu quả thiết thực.

Với mục tiêu đặt ra là giao quân đủ 100% chỉ tiêu của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân khu giao (3.102 công dân nhập ngũ vào Quân đội). Quá trình thực hiện phải bảo đảm dân chủ, công bằng đúng luật, công khai, chất lượng, không có công dân phải bù đổi, loại trả. Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự các cấp ở Nghệ An đã chủ động xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát nắm nguồn công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, tổ chức đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ theo đúng quy định; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng công dân sẵn sàng nhập ngũ, nhất là số công dân đang đi làm ăn xa, tạo điều kiện cho công dân thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Hàng năm, Nghệ An có trên 3.000 thanh niên lên đường nhập ngũ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Thành Cường

Đồng thời, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự các huyện/thành/thị xã và các phường/xã/thị trấn đã thành lập tổ khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự chất lượng với các bác sĩ có kinh nghiệm cùng các trang thiết bị y tế hiện đại; thực hiện khám bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng tạo được sự đồng thuận cao. Kết quả, đã sơ tuyển 21.999 công dân (227 công dân viết đơn tình nguyện), qua khám có 13.555 công dân đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 61,6%. Khám sức khoẻ cấp huyện cho 12.358 công dân, qua khám có 6.720 công dân đủ điều kiện sức khoẻ, đạt tỷ lệ 54,4%.

Trên cơ sở chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ năm 2023 (3.102 công dân) và kết quả hiệp đồng, chốt quân số của các đơn vị nhận quân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành, thị phát lệnh gọi nhập ngũ là 3.255 công dân, đạt 105% so với chỉ tiêu, trong đó chính thức là 3.102 công dân, dự phòng 153 công dân. Trong các công dân được gọi nhập ngũ có 527 công dân sức khoẻ loại 1; 1.950 công dân sức khoẻ loại 2; 169 công dân có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp; 06 công dân là đảng viên; 3.249 công dân là đoàn viên; 735 công dân thuộc dân tộc ít người; 187 công dân có tôn giáo.

P.V: Trong những ngày tới, Nghệ An sẽ tổ chức việc giao nhận quân giữa các địa phương với các đơn vị. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có những sự chỉ đạo nào để công tác giao nhận quân diễn ra chặt chẽ, đảm bảo an toàn?

Đại tá Phan Đại Nghĩa: Ở thời điểm này, Nghệ An đã hoàn thành việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; Hội nghị hiệp đồng giao nhận quân cấp tỉnh, cấp huyện; thâm nhập, xét duyệt hồ sơ và chốt quân số; phát lệnh gọi công dân nhập ngũ… Theo kế hoạch lễ giao, nhận quân sẽ được tỉnh tổ chức vào ngày 07/02/2023.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tặng hoa cho công dân lên đường nhập ngũ năm 2020. Ảnh: Thành Cường

Tại Hội nghị hiệp đồng giao nhận quân cấp tỉnh được tổ chức vào ngày 16/12/2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã nêu rõ những yêu cầu nhiệm vụ để công tác giao, nhận quân được diễn ra chặt chẽ, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Theo đó, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố, thị xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch giao, nhận quân. Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện công tác tuyển quân; thực hiện quy định giao địa phương tuyển quân “tròn khâu” với phương châm tuyển người nào chắc người đó, tuyển đủ số lượng, nâng cao chất lượng, có giải pháp quản lý công dân sau khi phát lệnh. Ban Chỉ huy Quân sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và đơn vị nhận quân triển khai làm tốt công tác tổ chức lễ giao, nhận quân trang nghiêm, thực sự là ngày hội tòng quân của các địa phương.

Các đơn vị nhận quân hiệp đồng với địa phương giao quân để thống nhất về chỉ tiêu giao quân, thời gian thâm nhập hồ sơ và chốt quân số với địa phương theo quy định của Bộ Quốc phòng; phối hợp với địa phương tổ chức và dự Lễ giao nhận quân; nhận quân về đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Ngoài ra, sau khi nhận quân, các đơn vị cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương giao nguồn nắm tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của từng quân nhân; giáo dục, rèn luyện và quan tâm phát triển đảng viên tạo nguồn dự bị động viên, nguồn cán bộ ở cơ sở của các địa phương; nhất là quân nhân thuộc địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng giáo, vùng đặc thù; ôn thi vào các trường trong Quân đội và phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kết nối Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ sở đào tạo nghề hướng nghiệp, các doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ trước khi về địa phương.

P.V: Thưa đồng chí! Để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, song hành cùng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, thì việc thực hiện các chính sách hậu phương quân đội cũng cần chăm lo, đặc biệt nhất là với những quân nhân xuất ngũ - những người có phẩm chất chính trị, kỷ luật cao, là nguồn lực quan trọng để xây dựng quê hương. Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã quan tâm thực hiện các chính sách này ra sao?

Đại tá Phan Đại Nghĩa: Thời gian qua, công tác chính sách hậu phương quân đội luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở Nghệ An quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức thiết thực. Với công dân chuẩn bị nhập ngũ, đó là các hoạt động gặp mặt, tặng quà các gia đình; triển khai mô hình giúp đỡ, hỗ trợ gia đình có công dân nhập ngũ là hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn để họ yên tâm công tác.

Như năm 2022, Nghệ An đã tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, động viên công dân lên đường nhập ngũ cấp xã từ 500 ngàn đồng đến 5 triệu đồng/công dân. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng 141,5 triệu đồng cho 283 công dân hộ nghèo, khó khăn. Huyện Yên Thành trao 55 sổ tiết kiệm cho gia đình công dân có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/gia đình.

Khi vào quân ngũ, các chiến sĩ được bồi dưỡng, đào tạo và rèn luyện về phẩm chất đạo đức, chính trị, niềm tin và ý chí vượt qua những khó khăn, thử thách. Ảnh: Đức Anh

Với quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, việc tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ góp phần quan trọng thực hiện chính sách hậu phương quân đội, xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Mỗi năm tỉnh có gần 3.000 quân nhân xuất ngũ về địa phương. Đây là những người có phẩm chất chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, nhiều đồng chí có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp; là nguồn nhân lực rất quan trọng mà Nghệ An đang cần để xây dựng và phát triển. Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, thiết thực kết nối với các cơ sở đào tạo, các đơn vị, các doanh nghiệp nhằm tư vấn, đào tạo, giới thiệu việc làm ổn định, phù hợp với bộ đội xuất ngũ.

Trong năm 2022, Nghệ An đã đón 2.955 quân nhân xuất ngũ trở về. Để giúp đỡ các quân nhân sớm ổn định cuộc sống, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam và các doanh nghiệp tư vấn hướng nghiệp, đăng ký cho hơn 2.578 quân nhân xuất ngũ có nhu cầu việc làm và học nghề… Trong đầu tháng 1/2023 này, tỉnh đã tiếp tục đón nhận thêm nhiều quân nhân xuất ngũ trở về và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức hội nghị tư vấn, hướng nghiệp giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ tại tỉnh; chỉ đạo các địa phương tổ chức hội nghị cấp huyện với nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có chính sách hỗ trợ những quân nhân xuất ngũ được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm đảm bảo tốt cuộc sống, cũng như để bảo đảm nguồn sĩ quan dự bị, nguồn huấn luyện dự bị động viên.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Mới nhất

x
Phát huy tinh thần vì nước, vì dân qua công tác tuyển quân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO