Phòng chống tham nhũng: Lửa càng đượm, than càng hồng

Uông Ngọc Dậu 10/02/2019 16:36

Duyên kỳ ngộ, phúc trùng lai. Lửa càng đượm, than càng hồng, không chỉ trên mặt trận phòng chống tha hóa, tiêu cực, tham nhũng...

Như là một quy luật, mỗi giai đoạn lịch sử, khi đất nước gặp phải những thách thức tưởng không thể vượt qua, lại xuất hiện con người trí lực, yêu nước thương dân, đứng mũi chịu sào, cùng dân tộc hóa giải thách thức.

Duyên kỳ ngộ, phúc trùng lai

Năm 2018, Việt Nam nên duyên với bóng đá.

Đầu năm, trong khuôn khổ giải bóng đá U23 châu Á, đội tuyển U23 Việt Nam tự tin, lừng lững bước vào trận chung kết, tạo nên cơn địa chấn dưới trận mưa tuyết giữa xứ Thường Châu, Trung Quốc.

Vào buổi tối giữa tháng 12, trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình, đội tuyển quốc gia nâng cao chiếc cúp vô địch giải bóng đá khu vực Đông Nam Á -AFF Cup sau 10 năm mong đợi.

Duyên kỳ ngộ, thành công tưởng như không ngờ của bóng đá Việt Nam quả là “phúc trùng lai”.

Năm 2018, cuộc chiến chống tiêu cực tham nhũng đang vào độ lửa đượm than hồng; công cuộc sàng lọc, tuyển chọn cán bộ chiến lược, cải tổ bộ máy, hoàn thiện thể chế đạt những kết quả thực chất bước đầu; kinh tế nước nhà tiếp tục đà tăng trưởng với mức tăng GDP kỷ lục, 7,08% và có dấu hiệu hưng phát... Bằng ấy điểm nhấn, niềm vui tột đỉnh mà bóng đá mang lại làm ấm nóng thêm niềm tin về tương lai đất nước ngày một ổn định và hưng thịnh.

Vượt lên định mệnh

Định mệnh trớ trêu, dân tộc Việt Nam từng bao phen bị thời cuộc đặt vào tình thế buộc phải lựa chọn, hoặc vùng lên để tồn tại, hoặc buông xuôi, thúc thủ đồng nghĩa với thất bại, suy vong. Thành một tất yếu lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn chấp nhận thách thức, xoay chuyển tình thế, vượt lên định mệnh. Như là một quy luật, mỗi giai đoạn lịch sử, khi đất nước gặp phải những thách thức tưởng không thể vượt qua, lại xuất hiện con người trí lự, yêu nước thương dân, đứng mũi chịu sào cùng dân tộc hóa giải thách thức.

Như đất nước ta trong mấy năm qua...

Có người nhận định, với nguồn tài nguyên “rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu”, với khối tài sản công bao thế hệ dành dụm để lại, chỉ cần quản lý, khai thác, sử dụng khoa học, hài hòa, tuân thủ luật pháp, thì đất nước này đã nhiều phần phồn vinh, nhân dân nhiều phần hạnh phúc!

Cũng có người nhận xét, cách lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng cầm quyền và chế độ nhanh nhất, bền vững nhất vào lúc này, là diệt trừ cho được giặc nội xâm. Chỉ cần phát hiện, diệt trừ một phần lớn tệ nạn tham nhũng, lãng phí, dọn sạch chủ nghĩa cá nhân, thân hữu, lợi ích nhóm và ngăn ngừa không cho nó tái diễn, thì lòng dân đã an, nền kinh tế đất nước đã không lâm vào cảnh thua chị kém em với nợ công tăng cao và thu nhập bình quân trên mỗi người dân còn ở mức thấp!

Nạn tiêu cực, tham nhũng - giặc nội xâm quả là một thế lực nguy hiểm hơn cả thế lực thù địch. Không chỉ ngáng trở con đường đi tới hùng cường của dân tộc, nó còn làm méo mó hình ảnh thể chế, làm suy yếu Đảng, mọt ruỗng chế độ. Đó chính là thách thức - định mệnh đặt Đảng và nhân dân vào tình thế sống còn.

Những thông điệp hành động

Chỉ mấy năm trước đây thôi, không mấy ai nghĩ có thể “sờ gáy” lũ giặc nội xâm, chứ chưa dám nói diệt trừ, khi chúng, như cách ví von của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là “một bầy sâu” kéo bè kết mảng, từ trung ương tới địa phương, thành một thế lực - thế lực đen - có cơ bàn tay che lấp mặt trời!

Cũng vài năm trước, không ít người còn tỏ ra hoài nghi, không mấy tin tưởng vào cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng do Đảng phát động. Có ai đó còn cho rằng, Đảng chỉ là làm lấy lệ, cùng lắm chỉ “diệt ruồi trừ muỗi”, "tắm từ vai xuống”!

Nhưng giờ, thì đã rõ.

Bắt đầu là phê và tự phê, là soi gương, rửa mặt, là tự soi tự sửa. “Ai đã trót nhúng chàm thì tự giác gột rửa” - người đứng đầu của Đảng khuyến cáo như thế.

Đó là giải pháp nhân trị vậy.

Bước tiếp theo là hành động, bằng pháp luật nhà nước và kỷ cương, kỷ luật Đảng. “Chống tham nhũng tiêu cực, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí đứng sang một bên cho người khác làm”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát đi thông điệp không mấy “êm dịu”. Ai đó dè bỉu chủ trương “đánh chuột không để vỡ bình”, thì đây, “phải nhốt quyền lực vào cái lồng pháp chế”. Lần lượt chuột lớn chuột bé, kể cả thứ chuột dường như hóa thành tinh vẫn không thoát được “cái lồng pháp chế”. Thực tế, lò lửa chống tiêu cực, tham nhũng lửa càng đượm, than càng hồng thì thêm động lực cải cách thể chế, giúp chính trị thêm ổn định, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, củng cố lòng dân.

Khi Tổng Bí thư quả quyết: Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “không có vùng cấm”, “không phải lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản”, thì trên thực tế, đã diễn ra như thế. Những “ông lớn” một thời gắn “kim bài miễn trừ”; những “ông kẹ” tướng này, tá nọ, có khi là một dây, ở những cơ quan, bộ, ngành một thời cho là nhạy cảm, lần lượt bị tổ chức Đảng xử lý kỷ luật, nhiều người bị cơ quan pháp luật điều tra, xử lý, truy tố.

Trong gần 3 năm, kể từ đầu nhiệm kỳ đại hội lần thứ XII của Đảng, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, truy tố, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương đương nhiệm, trong số đó có 3 trường hợp bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Trong phát biểu gần đây nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục truyền tải thông điệp mạnh mẽ: “Việc kỷ luật là thật đau lòng, song, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”.

Chống để xây, xây để chống

Vào 2 ngày cuối tháng 12/2018, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhóm họp, bàn bạc, quyết định hai vấn đề hệ trọng: Thông qua quy hoạch nhân sự cho Trung ương nhiệm kỳ khóa XIII và xem xét kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh vì đã có những vi phạm “rất nghiêm trọng”.

Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII

Dường như từ hội nghị này, Trung ương và Tổng Bí thư của Đảng một lần nữa phát đi thông điệp sáng rõ, xuyên suốt: Chống tha hóa, tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ Đảng phải đi liền với đổi mới bộ máy, sàng lọc đội ngũ, đào tạo nhân tố mới; chiều ngược lại, trong quá trình tuyển chọn, đào tạo nhân tố mới, phải tiếp tục công cuộc đấu tranh phòng chống tha hóa, tiêu cực, tham nhũng.

Hơn ai hết, người đứng đầu Đảng, Nhà nước - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận thức ở chiều sâu mối quan hệ biện chứng giữa chống và xây, xây và chống; xây để chống và chống để xây. Thành bại tại nhân. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (Hồ Chủ tịch). Tương lai của dân tộc, vận mệnh của Đảng phụ thuộc vào kết quả công cuộc đấu tranh phòng chống tha hóa, tiêu cực, tham nhũng, nhưng đồng thời trông chờ vào lớp cán bộ kế cận đủ tầm, với bàn tay sạch, có tài lương đống, thực sự yêu nước thương dân, thay thế, gánh vác vị trí rường cột nước nhà.

Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9, khóa XII, sau khi Trung ương quyết định kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Tất Thành Cang, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thêm một lần nhắc nhở những người đồng chí: “Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên”.

Duyên kỳ ngộ, phúc trùng lai. Lửa càng đượm, than càng hồng, không chỉ trên mặt trận phòng chống tha hóa, tiêu cực, tham nhũng.../.

Theo vov.vn
Copy Link
Phòng chống tham nhũng: Lửa càng đượm, than càng hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO