Phòng dịch tả lợn châu Phi: Người “không phận sự” cấm vào khu vực chăn nuôi

Xuân Hoàng 15/04/2019 12:06

(Baonghean.vn) - Trong số các giải pháp cần thiết phòng dịch tả lợn châu Phi, chủ trại lợn cần lưu ý phun hóa chất khử trùng lên bao bì thức ăn công nghiệp trước khi vận chuyển vào trại, cấm tuyệt đối người lạ vào trại. Đó là khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi đang khó kiểm soát.

Nhận định nguyên nhân

Nhìn lại các ổ dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, trong số đó có 4 ổ dịch tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, 2 ổ dịch tại gia trại. Qua tìm hiểu được biết, những gia đình này chưa đề cao công tác phòng dịch.

Khi có người ngoài vào khu vực chăn nuôi, bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ và khử trùng dày dép. Ảnh: Xuân Hoàng

Khi có người ngoài vào khu vực chăn nuôi, bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ và khử trùng giày dép. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Quang Ngân, chủ gia trại lợn bị dịch tả lợn châu Phi ở xóm 10, xã Nam Nghĩa (Nam Đàn) là ví dụ. Sau khi đàn lợn bị dịch bệnh tả châu Phi, ông Ngân cho biết, nguyên nhân khiến đàn lợn của ông bị dịch có thể là do lây lan qua nguồn thức ăn. Bởi thời gian trước đó, ông Ngân có xuống TP. Vinh thu gom thức ăn dư thừa tại một số nhà hàng, đưa về cho lợn ăn.

Hay như trường hợp tại ổ dịch trên đàn lợn của bà Nguyễn Thị Thủy ở xóm 8, xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu). Theo anh Hồ Văn Thường, con trai của bà Thủy cho biết, trước đó anh có mua một số bao thức ăn công nghiệp ngoài cửa hàng về cho lợn ăn. Bên cạnh đó, qua thực tế cho thấy, công tác vệ sinh chuồng trại không được đảm bảo.

Hoặc ổ dịch tại hộ anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm 1, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) qua tìm hiểu được biết, cách đó hơn 1 tháng, vợ chồng anh có ra tỉnh Ninh Bình chơi, khi đó dịch tả lợn châu Phi đang lây lan tại một số tỉnh phía Bắc. Vì vậy, theo nhận định của vợ chồng anh Dũng, có thể đàn lợn của anh bị dịch từ nguyên nhân đó.

Mới đây nhất là ổ dịch tại gia trại chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Long Minh, xã Minh Sơn (Đô Lương). Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân có thể do cách đây khoảng 15 ngày, có 2 thương lái chuyên đi mua lợn thịt vào khu vực chuồng trại của anh; bên cạnh đó, những ngày qua anh Hòa có nhập thức ăn công nghiệp cho lợn ăn. Thế nên, có khả năng dịch tả lợn châu Phi lây lan từ 2 người đi mua lợn, hoặc lây lan từ thức ăn công nghiệp.

Phòng dịch nghiêm ngặt đầu vào trại lợn

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Đầu tư chăn nuôi lợn theo hình thức trang trại, gia trại, bắt buộc gia đình phải đầu tư nhiều để mua con giống, thức ăn... nếu để xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi sẽ thiệt hại rất lớn đến kinh tế của chủ trang trại, không những vậy, rất dễ bùng phát dịch trong khu vực.

Bởi vậy, trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, những hộ chăn nuôi lợn hạn chế giao du với bên ngoài, tránh mầm bệnh lây lan qua quần áo, giày dép; cũng không nên đến ổ dịch vừa xảy ra.

Đối với chủ trang trại, gia trại, cần thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh như: làm hố khử trùng trước cổng chuồng trại, mặc bảo hộ trước khi vào chuồng trại; tuyệt đối không giao du, những người "không phận sự" tuyệt đối không cho bước chân vào khu vực chăn nuôi. Khi cần thiết có người ngoài vào khu vực chuồng trại, bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ, đi ủng và thực hiện các bước khử trùng.

Phun hóa chất khử trùng đúng quy định sẽ phòng được dịch bệnh cho đàn lợn. Ảnh: Xuân Hoàng

Phun hóa chất khử trùng đúng định kỳ sẽ phòng được dịch bệnh cho đàn lợn. Ảnh: Xuân Hoàng

"Thức ăn công nghiệp trước khi vận chuyển vào trang trại cần phun hóa chất lên bao bì. Bởi xe ô tô lưu hành qua nhiều địa phương, nhiều trang trại lợn, rất dễ bị dịch tả lợn châu Phi lây lan qua đây. Đồng thời tiêm phòng vắc xin các loại dịch bệnh khác lên đàn lợn để con lợn khỏe mạnh, có sức đề kháng cao; bên cạnh đó thường xuyên vệ sinh sạch chuồng trại, kết hợp phun hóa chất khử trùng đúng định kỳ".

Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Mới nhất
x
Phòng dịch tả lợn châu Phi: Người “không phận sự” cấm vào khu vực chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO