Lễ hội Làng Sen - Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh

Thành Chung (thực hiện) 19/05/2022 08:15

(Baonghean.vn) - Lễ hội Làng Sen là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng. Đặc trưng rõ nhất và đậm nhất của lễ hội là sự bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của mọi tầng lớp nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lễ hội Làng Sen đã và đang được tổ chức vừa dung dị thiêng liêng như những lễ hội cổ truyền, vừa mang tính chất những ngày hội lớn của toàn dân tộc… Dịp này, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh có cuộc trao đổi cùng Báo Nghệ An.

Lễ rước ảnh Bác Hồ từ Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên ra Sân vận động Làng Sen. Ảnh: Đình Tuyên

P.V: Xin đồng chí cho biết rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của việc tổ chức Lễ hội Làng Sen?

Đồng chí Bùi Đình Long: Vào dịp Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1981, tỉnh Nghệ - Tĩnh long trọng tổ chức Liên hoan Ca khúc chính trị hát về Bác Hồ. Thấy đây là một sinh hoạt văn hóa, chính trị giàu ý nghĩa và có triển vọng, được nhiều tầng lớp nhân dân và cán bộ hưởng ứng, sang năm sau, Liên hoan Ca khúc chính trị hát về Bác Hồ được nâng cấp thành Liên hoan Tiếng hát Làng Sen và được tổ chức hàng năm.

Dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Bác (năm 2001), Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với tỉnh Nghệ An tổng kết 20 năm Tiếng hát Làng Sen và quyết định chuyển đổi Liên hoan Tiếng hát Làng Sen thành Lễ hội Làng Sen. Lễ hội Làng Sen được tổ chức ở 2 quy mô: Cấp tỉnh được tổ chức hằng năm và toàn quốc tổ chức 5 năm/lần vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2003, lần đầu tiên Lễ hội Làng Sen được tổ chức với quy mô toàn quốc.

Lễ hội Làng Sen là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng. Lễ hội được tổ chức nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn và sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; tuyên truyền, giáo dục và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; giới thiệu, quảng bá về văn hóa Làng Sen, quê hương Nghệ An tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Trải qua nhiều lần tổ chức, sức lan tỏa của Lễ hội Làng Sen ngày càng mạnh mẽ hơn, trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi dịp kỷ niệm Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) hàng năm. Năm 2022 này, Lễ hội Làng Sen được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, với chủ đề tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các giá trị văn hóa Làng Sen, quê hương Nam Đàn; ca ngợi quê hương Nghệ An đổi mới, hội nhập và phát triển. Lễ hội năm nay được tổ chức từ ngày 14/5 - 28/5/2022 tại huyện Nam Đàn và thành phố Vinh, với chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), trong đó có nhiều nội dung mới, đặc sắc.

P.V: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về các hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hoạt động mới?

Khai mạc Lễ hội Làng Sen 2022. Ảnh: Đức Anh

Đồng chí Bùi Đình Long: Lễ hội Làng Sen năm 2022 gồm 5 hoạt động phần lễ: Lễ dâng hoa trước Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Hồ Chí Minh; Lễ dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và đền Chung Sơn; Lễ rước ảnh Bác Hồ từ Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên ra Sân vận động Làng Sen; Lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen và Liên hoan “Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022”; Tổng kết lễ hội tại Quảng trường Hồ Chí Minh.

Phần hội gồm nhiều hoạt động, sự kiện đặc sắc, phong phú và mang nhiều ý nghĩa được tổ chức, có sự tham gia chủ trì, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân trong cả nước. Trước hết là Chương trình nghệ thuật "Người mẹ Làng Sen" do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức tối 14/5 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình mang ý nghĩa nhằm tôn vinh Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh - người mẹ, người phụ nữ đảm đang, nhân hậu đã góp phần quan trọng hình thành nhân cách Hồ Chí Minh.

Triển lãm Ảnh nghệ thuật "Đời Sen" của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bích (TP. Hồ Chí Minh) diễn ra từ ngày 14-19/5/2022. Có 50 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm.

Tại xã Kim Liên (Nam Đàn), các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Giải bóng chuyền, giải võ cổ truyền; các trò chơi dân gian, hội trại... diễn ra từ ngày 15-19/5/2022.

Tiếp đó là trưng bày các chuyên đề ảnh về Bác Hồ với các chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tại Quảng trường Hồ Chí Minh từ ngày 16/5/2022; "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" tại Khu Di tích Kim Liên từ ngày 16/5/2022. Ngoài ra, từ ngày 16-19/5/2022 còn diễn ra Trưng bày, giới thiệu văn hóa ẩm thực, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Nghệ An tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Khu Di tích Kim Liên và Làng Sen, Kim Liên.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng Tiếng hát Làng Sen. Ảnh: Đức Anh

Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 do Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tổ chức, diễn ra từ ngày 17-28/5/2022 tại Nhà hát Dân ca Nghệ An. Liên hoan có 16 vở diễn với sự tham gia của hơn 250 diễn viên đến từ 11 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước. Sau liên hoan, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn một số vở diễn xuất sắc để công diễn tại một số địa phương trong tỉnh.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng Tiếng hát Làng Sen và Cuộc thi "Sắc Sen xứ Nghệ" diễn ra từ ngày 18-19/5/2022 tại Khu Di tích Kim Liên…

Chương trình nghệ thuật và trình diễn Áo dài Sen do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện diễn ra vào tối 19/5/2022… Cuộc thi Ảnh online "Hello Nam Đàn" do Sở Du lịch chủ trì phối hợp với huyện Nam Đàn tổ chức. Cuộc thi được phát động trong dịp tháng 5/2022 và Tổng kết trao giải vào tháng 7/2022.

P.V: Vừa qua, tỉnh Nghệ An đã có đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc nâng tầm “Lễ hội Làng Sen” thành “Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh”, đồng chí có thể cho biết ý nghĩa của việc nâng tầm lễ hội?

Đồng chí Bùi Đình Long: Như đã nói, Lễ hội Làng Sen là sáng tạo lớn của Nghệ An. Đặc trưng rõ nhất và đậm nhất của lễ hội là sự bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của mọi tầng lớp nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; qua đó, giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng và đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, nhân cách văn hóa của Người cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nhất là với thanh, thiếu niên, nhi đồng… Từ sáng tạo riêng, lễ hội đã trở thành tình cảm, trách nhiệm chung của mỗi thế hệ người Việt Nam. Lễ hội Làng Sen đã trở thành lễ hội của dân, do dân và vì dân.

Chương trình nghệ thuật "Người mẹ Làng Sen" tôn vinh Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Anh

Lễ hội Làng Sen đã được tổ chức vừa dung dị thiêng liêng như những lễ hội cổ truyền, vừa mang tính chất những ngày hội lớn của toàn dân tộc. Từ sự thiêng liêng trong lễ hội, mọi người quan tâm nghiên cứu; hiểu hơn, thấm nhuần sâu sắc hơn lý tưởng và cuộc đời cao đẹp của Người. Từ tâm thức đến nhận thức và hành vi, các hoạt động văn hóa này đã góp phần làm tỏa sáng tình cảm, tư tưởng và những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đời sống đương đại, làm cho định hướng mục tiêu chính trị, các quan điểm cơ bản của Đảng đến được với người dân một cách nhuần nhị và tự nhiên nhất…

Chính vì vậy, Lễ hội Làng Sen đã trở thành một lễ hội có sức cuốn hút và lan tỏa mạnh mẽ trong tâm thức; điểm nhấn không thể thiếu mỗi khi tháng Năm về. Lễ hội Làng Sen thực sự đã trở thành nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của quần chúng nhân dân.

Ở một khía cạnh khác, Lễ hội Làng Sen là một lễ hội văn hóa, không chỉ đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, mà còn góp phần gìn giữ các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, là cái nôi ươm mầm cho những tài năng nghệ thuật ở các địa phương trong tỉnh, phát triển các phong trào nghệ thuật quần chúng cả nước.

Dòng người về thăm quê Bác trong những ngày tháng Năm. Ảnh: Đình Tuyên

Như vậy, Lễ hội Làng Sen có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để trở thành Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh. Việc Lễ hội Làng Sen trở thành Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm cho giá trị Hồ Chí Minh tỏa sáng, thấm sâu và có sức sống trường tồn với tương lai của dân tộc; có sức lan tỏa và tác dụng mạnh mẽ đối với các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo không những ở trong tỉnh, trong nước mà còn vươn ra ngoài khu vực và thế giới. Quy mô lễ hội không chỉ còn diễn ra trên không gian quê hương xứ Nghệ mà trở thành một đợt sinh hoạt văn hóa, văn nghệ rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, kể cả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Là một lễ hội mẫu mực về văn hóa, Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ thay đổi nhận thức, hành động của người dân trên tất cả lĩnh vực… Ngoài ra, lễ hội còn là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với tư cách là trung tâm của lễ hội, chắc chắn vẻ đẹp văn hóa Hồng - Lam, các danh thắng xứ Nghệ sẽ được mọi người biết, tìm về nhiều hơn.

Những năm qua, nhận thức sâu sắc giá trị của lễ hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An đã tập trung cho công tác chỉ đạo phát triển để Lễ hội Làng Sen thực sự là Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh mang đậm tính nhân văn và tính quần chúng, đồng thời trở thành thương hiệu của du lịch Nghệ An. Hiện nay, công tác tổ chức lễ hội đã và đang đi đúng hướng, chọn được những điểm nhấn, phát huy tốt các giá trị chân - thiện - mỹ.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Mới nhất

x
Lễ hội Làng Sen - Lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO