Cảnh báo sạt lở núi đe dọa dân cư ở huyện Anh Sơn
(Baonghean.vn) - Địa bàn huyện Anh Sơn hiện có khá nhiều điểm nguy cơ sạt lở núi, đe doạ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Hiện địa phương đang triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro.
Một trong những điểm nguy cơ sạt lở núi ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Văn Trường. |
Có mặt tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn thời điểm này chứng kiến có khá nhiều điểm có nguy cơ sạt lở núi. Một người dân địa phương ở xóm Vĩnh Hương, xã Vĩnh Sơn sinh sống trong ngôi nhà ở sát vách núi chia sẻ: Cứ mỗi khi mưa lớn kéo dài là đất đá từ trên núi rơi xuống ào ào, gia đình lại phải nhanh chóng thu dọn đồ đạc, di dời tạm đến nơi khác lánh nạn vì sợ sạt lở núi nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, Anh Sơn cho biết: Địa bàn xã Vĩnh Sơn hiện có trên 70 điểm nguy cơ sạt lở núi, trong đó có 15 hộ ở xóm Vĩnh Hương có nguy cơ cao bị đe doạ sạt lở ở núi Hóc Tràn. Qua mỗi trận mưa lớn, một số vị trí của ngọn núi này bị lún sụt và có các vết nứt.
Các ngôi nhà ở sát những quả đồi ở Anh Sơn, đối mặt với nguy cơ sạt lở núi. Ảnh: Văn Trường |
Xã đã cảnh báo nguy cơ sạt lở đến các hộ dân để bà con chủ động đề phòng tránh, các lực lượng dân quân tự vệ sẵn sàng giúp đỡ di dời bà con đến nơi an toàn khi có mưa lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Giang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: Địa bàn huyện Anh Sơn hiện trên 200 hộ bị ảnh hưởng nguy cơ sạt lở núi, chủ yếu tập trung ở các xã Đức Sơn, Lạng Sơn, Vĩnh Sơn, Long Sơn… Trong đó nếu mưa lớn cần di dời khẩn cấp khoảng trên 20 hộ dân ở các xã Vĩnh Sơn, Đức Sơn.
Bạt mái taluy để xây dựng nhà ở xã Lạng Sơn, sạt lở núi trong mùa mưa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ảnh: Văn Trường. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở núi ngoài mưa lũ còn do một số hộ dân chủ yếu cải tạo, đào móng làm nhà ngay sát chân núi, mái ta luy cao. Thực tế trong mùa mưa lũ năm 2020, huyện Anh Sơn đã phải hứng chịu nạn lở núi ở các xã Vĩnh Sơn, Đỉnh Sơn, Hoa Sơn, Phúc Sơn… đất đá cây cối tràn xuống làm hư hỏng nhiều ngôi nhà khiến cho 45 hộ dân phải tạm di dời đến nơi an toàn.
Trước tình trạng trên, ngày từ đầu mùa mưa lũ, huyện Anh Sơn đã triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Như đã phân công trách nhiệm, địa bàn cụ thể cho từng thành viên; Rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ, sạt lở đất.
Nhiều hộ dân bạt mái ta luy để xây dựng nhà cửa dưới chân đồi ở Anh Sơn. Ảnh: Văn Trường. |
Chỉ đạo các xã sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” để chủ động giúp dân khi xảy ra sự cố. Thực hiện dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc phòng, chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu tại địa bàn dễ bị chia cắt, cô lập khi xảy ra thiên tai như sạt lở, ngập úng.
Huyện Anh Sơn đang đề xuất UBND tỉnh, có kế hoạch xây dựng khu tái định cư để di dời 20 hộ dân có nguy cơ cao sạt lở núi ở xã Vĩnh Sơn và Đức Sơn đến nơi an toàn.
Huyện tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về nguy sạt lở đất; Thông báo, tuyên truyền người dân tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, khuyến cáo người dân không nên cải tạo xây dựng nhà dưới chân đồi phòng tránh sạt lở núi.
Khắc phục sạt lở núi ở xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn
24/07/2022
Nghệ An: Nhiều hộ dân ở vùng sạt lở núi vẫn chưa được di dời đến nơi an toàn
31/05/2022