Quỳ Châu - Hấp dẫn một rẻo non cao
(Baonghean.vn) - Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh cũng như di tích văn hóa lịch sử, vùng đất Quỳ Châu đang là điểm đến lý tưởng cho những du khách thích tìm hiểu, khám phá giá trị văn hóa các dân tộc cũng như thưởng ngoạn, hòa mình vào thiên nhiên.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng Hoa Tiến
Cách TP. Vinh khoảng 140km về phía Tây Bắc, Quỳ Châu – vùng đất trung tâm Phủ Quỳ xưa vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, rất đỗi thanh bình. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, huyện Quỳ Châu đang tập trung phát triển điểm du lịch cộng đồng Hoa Tiến ngày càng xứng tầm, trở thành một điểm đến hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.
Du khách trải nghiệm ở làng nghề dệt thổ cẩm bản Hoa Tiến, Quỳ Châu. |
Hoa Tiến là bản người Thái cổ có đến 98% đồng bào dân tộc Thái sinh sống hiền hòa bên dòng sông Hiếu thơ mộng. Làng có 386 hộ gia đình với hơn 300 ngôi nhà sàn. Nhà sàn ở Hoa Tiến được duy trì nhà ở theo kiến trúc truyền thống nguyên bản. Trong bản hiện có 10 hộ gia đình được nâng cấp thành nhà nghỉ cộng đồng đủ điều kiện phục vụ du khách ăn, nghỉ và trải nghiệm. Tại các nhà nghỉ cộng đồng homestay, còn bố trí các gian hàng bán sản phẩm truyền thống như thổ cẩm, mâm mây, ghế, chăn ga, gối, nệm Thái, guồng nước. Một số còn có dịch vụ du lịch kèm theo như xe trâu, đi bè trên khe, suối đánh chài…
Chị Nguyễn Hồng Thương, du khách Hà Nội chia sẻ: “Hoa Tiến là một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn dịp cuối tuần với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, chi phí tương đối thấp. Những chuyến đi của tôi đến bản thường cùng gia đình, nhóm bạn bè. Điều tuyệt vời nhất khi đến đây là vãn cảnh vùng hồ, được trải nghiệm văn hóa ngủ nhà sàn, thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân tộc, ngắm cảnh cọn nước, còn được trải nghiệm hoạt động du lịch làng nghề truyền thống…”.
Khác với cách làm du lịch cộng đồng tại nhiều địa phương, ở Hoa Tiến, các sản phẩm du lịch chính còn được lưu giữ như guồng nước (cọn nước). Đây là sản phẩm sáng tạo độc đáo của cư dân vùng cao, chiếm một vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống sản xuất nông nghiệp của đồng bào nơi đây.
Đến với làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến, du khách sẽ có dịp dừng chân ở lại bản làng để thưởng thức văn hóa ẩm thực địa phương gắn với những đặc sản độc đáo và khác biệt của huyện Quỳ Châu như: vịt bầu, thịt bò giàng, họ mọc, măng muối, canh ột, cá nướng, thịt chua, cá chua, dưa muối ống, gà đồi, canh môn, cơm lam, các món chẻo… Những người làm du lịch nơi đây còn xây dựng các tour hướng dẫn chế biến món ăn theo nét văn hóa truyền thống, tạo sự mới lạ cho khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Hoa Tiến. Ảnh: PV |
Năm 2021, điểm du lịch cộng đồng Hoa Tiến được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng đạt hàng 4 sao OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh đó, từ lâu Hoa Tiến nổi tiếng gắn với địa danh Hang Bua kỳ vĩ và đền Chiềng Ngam, đã có lần Vua Bảo Đại từng dừng chân vãn cảnh. Do đó mà có những tour du lịch của du khách Pháp, Bỉ và một số khách lẻ thường xuyên ghé thăm. Đặc biệt, gần đây hoạt động du lịch trên địa bàn tiếp tục đón nhiều đoàn khách tham quan, trải nghiệm và lưu trú đến từ nhiều tỉnh, thành trong nước và quốc tế.
Phát triển du lịch xứng tầm
Về Quỳ Châu, du khách không chỉ được trải nghiệm cuộc sống tại bản Thái cổ Hoa Tiến mà còn được tham quan danh thắng Hang Bua ở xã Châu Tiến. Hang có 2 cửa hang lớn (Thẩm Ồm) nằm ở phía Tây Bắc, hang bé (Thẩm Nọi) nằm ở phía Đông Nam. Trước cửa hang lớn có 2 tảng đá giống như 2 con ếch đang canh cửa hang. Đi sâu vào hang, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các nhũ đá với những hình thù sinh động. Cứ mỗi độ Xuân về, trẻ già trai gái, khắp nơi lại tụ hội về Hang Bua để dự lễ hội và tham gia các hoạt động ném còn, nhảy sạp, bắn nỏ, đi cà kheo, đắm mình trong lời hát nhuôn xuối, thưởng thức những món ăn độc đáo của miệt Phủ Quỳ.
Ngoài tham quan danh thắng Hang Bua, du khách còn được tham quan các danh lam thắng cảnh như đền Chiềng Ngam; hang Thẳm Ồm; Di tích lịch sử cây táo và mộ đốc binh Lang Văn Thiết; thác Khe Bàn; thác Tà Ngoi; leo núi Phá Xăng; thăm Bảo tàng các dân tộc Quỳ Châu…
Đặc biệt, để thuận lợi cho du khách khi đến với các điểm du lịch hấp dẫn trên địa bàn, huyện Quỳ Châu đã hình thành các tour du lịch “Về miền đất cổ Quỳ Châu”. Tour du lịch có thời gian 2 ngày 1 đêm với lịch trình: Vùng đá đỏ Quỳ Châu, thác Khe Bàn (xã Châu Bình) – Bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu (thị trấn Tân Lạc) – Làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến – đền Chiêng Ngam – Hang Bua (Châu Tiến).
Bản Hoa Tiến được mệnh danh là một trong những cái nôi dệt, thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời bậc nhất của người Thái ở Nghệ An. Ảnh tư liệu Thanh Phúc. |
Bên cạnh đó, huyện Quỳ Châu quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm mang tính đặc trưng, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Trong năm 2021, đã đăng ký thương hiệu cho 11 sản phẩm, gồm: Rượu mú từn Pù Huống, rượu nấm lim xanh Pù Huống, trà hoa vàng Pù Huống, mật ong thiên nhiên Pù Huống, măng muối, măng khô, lạp sườn, thịt bò giằng, thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp, thịt chua. Đăng ký thẩm định sản phẩm OCOP cấp tỉnh 04 sản phẩm, gồm: Rượu mú từn, rượu nấm lim xanh, trà hoa vàng, mật ong thiên nhiên Pù Huống.
Ông Lê Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: “Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳ Châu nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhấn mạnh: Công tác du lịch được xác định là một trong “3 khâu đột phá” của huyện.
Một góc Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu). Ảnh: Kế Kiên |
Do vậy để đưa du lịch Quỳ Châu phát triển xứng tầm, thời gian tới huyện sẽ tập trung các nguồn lực để hoàn thiện Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An tại huyện Quỳ Châu; Đầu tư ban đầu hạ tầng một số khu danh thắng trên địa bàn như thác Khe Bàn, thác Khe Mỵ, Làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến để sẵn sàng tiếp đón khách du lịch, qua đó quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư cho du lịch; Đồng thời đầu tư nâng cấp Khu Di tích Cây táo và mộ đốc binh Lang Văn Thiết tại xã Châu Hội; Rà soát quy hoạch tổng thể Di tích Hang Bua và đền Chiêng Ngam để điều chỉnh phù hợp, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư.
Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các cơ quan báo, đài địa phương xây dựng chương trình quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch của huyện; Triển khai mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch trên địa bàn và tiếp tục xây dựng các sản phẩm hàng hóa địa phương phục vụ khách du lịch khi về với Quỳ Châu.