Sai lầm vì đánh giá thấp Nga, châu Âu nhận trái đắng trong cuộc chiến trừng phạt
Dù là bên áp trừng phạt nhưng cái giá mà các nước EU phải trả dường như còn lớn hơn Nga - quốc gia mà họ cố gắng cô lập.
Châu Âu nhận trái đắng trong cuộc chiến trừng phạt
Phương Tây cho rằng những thành quả quan trọng của họ trong cuộc đối đầu với Nga là nhanh chóng tập hợp được sự đoàn kết trong cuộc chiến ở Ukraine, răn đe Nga bằng những biện pháp trừng phạt nặng nề nhất và cung cấp hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Trong khi các chính trị gia khẳng định phương Tây sẽ tiếp tục duy trì điều này thì các chuyên gia cho rằng những vấn đề kinh tế sẽ làm xói mòn sự đoàn kết đó.
Ảnh minh họa: Financial Times |
Châu Âu đang bị rung chuyển bởi hàng loạt khó khăn từ giá năng lượng tăng cao, quyết định áp chế độ phân phối khí đốt, cắt giảm hỗ trợ cho người nghèo và nguy cơ kinh tế lao dốc. Những bất đồng về các khoản hỗ trợ cho Ukraine đã phần nào gây ra sự sụp đổ của chính phủ liên minh Italy. Sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương mà các nhà ngoại giao vất vả xây dựng cũng có nguy cơ sớm sụp đổ.
Những dấu hiệu bi quan này đã khiến nhiều người Mỹ ngạc nhiên, những người vẫn cho rằng chi phí chiến tranh chỉ ở mức tối thiểu và truyền thông vẫn lạc quan về triển vọng chiến thắng của Ukraine. Hầu hết các bài phân tích đều tập trung vào điểm yếu của Nga như khủng hoảng kinh tế, những bước lùi về quân sự hay sự cô lập về chính trị. Tuy nhiên, việc cho rằng Nga sẽ chịu thất bại chiến lược ngày càng trở nên thiếu thực tế bởi cán cân kinh tế và sự ủng hộ chính trị đang nghiêng về hướng có lợi cho Moscow. Mặc dù tên lửa Javelin và hệ thống pháo phản lực HIMARS đã phát huy hiệu quả nhưng chúng không thể thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine.
Phương Tây cho rằng Nga - nền kinh tế nhỏ hơn cả Italy sẽ không chịu được sức ép trừng phạt nhưng Moscow không cạnh tranh để bắt kịp nền kinh tế phương Tây mà tập trung vào sản xuất đủ vũ khí và huy động lực lượng để đối phó với lực lượng Ukraine được phương Tây hỗ trợ.
Trong khi phương Tây dự đoán lệnh trừng phạt sẽ làm sụp đổ đồng nội tệ của Nga thì đồng rúp hiện nay còn mạnh hơn cả trước đây. Nền kinh tế Nga có thể sụt giảm 6% hoặc hơn vào năm 2022 nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với con số 45% của Ukraine. Khả năng Nga có thể chịu đựng tăng trưởng âm 6% thậm chí còn lớn hơn nhiều quốc gia châu Âu chịu đựng tăng trưởng âm 3%.
Những gì châu Âu đang đối mặt hiện nay từ sự thiếu hụt khí đốt cho tới giá hàng hóa tăng vọt khiến người ta nhớ lại những gì châu lục này đã trải qua trong đại dịch Covid-19 năm 2020 - 2021 hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008- 2009. Vấn đề ở đây không phải là sự đo lường về sức mạnh kinh tế hay quân sự mà là khả năng của Nga, Ukraine và phương Tây trong việc sẵn sàng trả giá cho chiến tranh. Và Moscow đã cho thấy sự linh hoạt và sức chịu đựng lớn hơn so với dự đoán.
Phương Tây đã đánh giá thấp Nga
Một số nhà quan sát cho rằng phương Tây đã đánh giá thấp Nga và đánh giá quá cao ảnh hưởng của mình. Năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin đã tăng lên hơn 80% bất chấp những lệnh trừng phạt khắc nghiệt mà Nga phải đối mặt sau quyết định này. Khi đó, các nhà quan sát phương Tây cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga, đặc biệt là ngành dầu mỏ, vốn đóng góp phần lớn cho ngân sách Nga. Tuy nhiên, Nga đã nhanh chóng hoàn thành các đường ống dẫn khí tới Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, xây dựng trạm khí tự nhiên hóa lỏng mới ở Serbia và nhanh chóng xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt quan trọng tới Crimea.
Phương Tây cũng đã đánh giá thấp sức chịu đựng của Nga. Nói một cách công bằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp lên Nga vì cuộc chiến ở Ukraine là những biện pháp cứng rắn chưa từng có. Hơn 1.000 người và tài sản của họ bị trừng phạt. Việc xuất khẩu nhiều hàng hóa, từ hàng công nghệ cao đến hàng hóa xa xỉ tới Nga đều bị dừng lại trong khi hàng trăm công ty dừng hoạt động ở nước này. Nghiêm trọng hơn, các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và khoản dự trữ hơn 600 tỷ USD của Nga bị đóng băng.
Phương Tây cho rằng họ đã bóp nghẹt thương mại Nga nhưng thực tế thì Moscow đã chuẩn bị cho điều đó từ trước. Một hệ thống thanh toán xuất khẩu mới và nguồn dự trữ tiền mặt khổng lồ đã giúp Nga sống sót qua làn sóng trừng phạt dễ dàng hơn so với dự đoán. Sau một thời gian rớt giá, đồng rúp đã nhanh chóng khôi phục nhờ việc điều chỉnh khéo léo tỷ lệ lãi suất và kiểm soát vốn.
Đồng rúp cũng được hưởng lợi từ giá dầu mỏ tăng và việc Moscow yêu cầu các khách hàng thanh toán bằng đồng rúp. Mặc dù một số khách hàng từ chối nhưng những nhà nhập khẩu lớn như Đức và Italy đã nhanh chóng thực hiện. Trong khi châu Âu định dùng "cây gậy" với Nga thì sự phụ thuộc của các nước này vào dầu mỏ và khí đốt Nga đã cho thấy, trên thực tế Moscow mới là bên "nắm đằng chuôi".
Hiện nay, khi thời tiết ngày càng nắng nóng, nhu cầu khí đốt ở châu Âu đang tăng lên, vừa để sản xuất điện, vừa để sử dụng cho điều hòa, đồng thời thay thế cho nguồn năng lượng từ thủy điện sụt giảm do hạn hán. Một cú đánh nữa vào kinh tế vào châu Âu là lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, tỷ lệ nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu tăng khoảng 80% so với năm ngoái. Châu Âu cũng ước tính chi phí tái thiết Ukraine là ít nhất 1.000 tỷ USD và gánh nặng của Ukraine lên châu Âu có thể bằng 10% GDP hàng năm của toàn EU.
Quan điểm của đa số công chúng châu Âu về cuộc chiến ở Ukraine đã có sự thay đổi khi ngày càng nhiều người không tán thành với chính sách cung cấp vũ khí cho Ukraine của chính phủ thay vì hối thúc Kiev đàm phán lệnh ngừng bắn.
Đến nay, các quan chức EU và NATO chủ yếu phớt lờ những ý kiến trên và kêu gọi kiên nhẫn trong nỗ lực đánh bại Nga.
Chia rẽ trong việc ủng hộ Ukraine
Căng thẳng trở nên nghiêm trọng hơn bởi dòng người nhập cư, chủ nghĩa dân tộc gia tăng, những tranh cãi trong việc chia sẻ gánh nặng chiến tranh có thể phá hủy sự đoàn kết của châu Âu, làm suy yếu mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng như sự ủng hộ cho Ukraine.
Trước đó theo một tổ chức theo dõi sự ủng hộ cho Ukraine, những cam kết quốc tế mới cho nước này đã "cạn dần trong tháng 7", làm dấy lên mối lo ngại về cam kết tiếp tục hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine. Theo đó, Ukraine chỉ nhận được khoảng 1,5 tỷ euro (1,51 tỷ USD) từ 2/7 - 3/8. Trong suốt thời gian này "không có nước EU lớn nào đưa ra những cam kết mới đáng kể", bất chấp những cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Nga và Ukraine.
Theo ông András Kosztur, học giả nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Thế kỷ 21 nhận định, "trò chơi thử thách sự kiên nhẫn" sẽ tiếp tục trên thế giới khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài. Theo chuyên gia này, mùa đông sẽ là thời điểm quyết định liệu EU có thể chịu đựng gánh nặng chiến tranh và trừng phạt trong bao lâu.
Chuyên gia này cho rằng Nga có thể bước vào mùa Đông với vị trí thuận lợi hơn. Trong khi đó, Ukraine tiếp tục phải phụ thuộc vào phương Tây về quân sự và tài chính. Hệ thống năng lượng của Ukraine rất dễ tổn thương trước các cuộc tấn công của Nga và nước này đã mất quyền kiểm soát các nhà máy điện lớn nhất cũng như một phần đáng kể các nguồn tài nguyên năng lượng.
"EU phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga, vốn không thể thay thế, và nếu thay thế, EU sẽ phải trả một cái giá đáng kể".
Chuyên gia này cũng cho rằng: "Cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát, nguy cơ suy thoái và những cuộc khủng hoảng chính trị sau đó đã làm rung chuyển lập trường vốn đã dễ lung lay của các nước châu Âu trong khi Mỹ dường như không muốn chịu toàn bộ chi phí cho cuộc chiến ở Ukraine một mình".
Hiện nay, châu Âu đã nhận ra rằng trong khi tập trung vào điểm yếu của Nga thì họ cũng cần đánh giá những điểm dễ tổn thương và các mối đe dọa của mình. Cung cấp ngày càng nhiều vũ khí cho Ukraine có thể giúp nước này chiến thắng nhưng cũng có thể gây ra nhiều sự phá hủy hơn và gánh nặng của sự phá hủy đó không chỉ đặt lên Ukraine mà còn cả EU./.