Sẽ có nhiều đổi mới tại các kỳ họp Quốc hội

28/10/2015 07:58

Sau khi Nội quy kỳ họp Quốc hội (QH) được thông qua, chắc chắn sẽ có nhiều nội dung mới theo hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp QH.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đọc tờ trình của Quốc hội về Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đọc tờ trình của Quốc hội về Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Nội quy kỳ họp QH hiện hành đã được thực hiện từ năm 2002 đến nay. Sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy kỳ họp QH đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của QH nói chung và nâng cao chất lượng các kỳ họp QH nói riêng, tạo cơ sở pháp lý để QH thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp.

Số lượng nội dung quan trọng được thảo luận, xem xét, quyết định tại mỗi kỳ họp ngày càng tăng, chất lượng các quyết định của QH được nâng lên.

Tuy nhiên, Nội quy kỳ họp QH hiện hành sau nhiều năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được khắc phục như còn thiếu quy định về trình tự, thủ tục QH quyết định một số vấn đề quan trọng; nguyên tắc, cách thức tiến hành các phiên họp tổ đại biểu QH, đoàn đại biểu QH, phiên họp do Hội đồng Dân tộc, các ủy ban tổ chức tại kỳ họp QH; xem xét, quyết định và điều chỉnh chương trình kỳ họp QH; thực hiện quyền ứng cử và đề cử; việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tại kỳ họp...

Chẳng hạn, Nội quy hiện hành chỉ quy định QH họp thường lệ mỗi năm hai kỳ, kỳ họp giữa năm và kỳ họp cuối năm. Trong thực tế, từ cuối nhiệm kỳ QH khóa 11 đến nay, QH luôn khai mạc kỳ họp đầu năm vào ngày 20/5, kỳ họp cuối năm vào ngày 20/10. Đây là cơ sở để dự thảo Nội quy bổ sung quy định cụ thể thời điểm khai mạc các kỳ họp thường lệ của QH (Điều 3). Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí và thực hiện chương trình.

Dự thảo Nội quy kỳ họp mới cũng quy định rõ trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu QH gửi văn bản nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt đến trưởng đoàn đại biểu QH, đồng thời gửi văn bản đến Tổng Thư ký QH để báo cáo Chủ tịch QH.

Trường hợp vắng mặt từ 3 ngày làm việc tại mỗi kỳ họp trở lên thì gửi trưởng đoàn đại biểu QH, đồng thời gửi Tổng Thư ký để báo cáo Chủ tịch QH quyết định.

Danh sách đại biểu QH không thể dự kỳ họp QH được ghi vào Biên bản kỳ họp QH, danh sách các đại biểu QH vắng mặt phiên họp được ghi vào Biên bản phiên họp.

Một quy định mới nữa là việc công dân có thể được dự thính các phiên họp toàn thể công khai của QH. Tổng Thư ký QH sẽ tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của QH để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn kỳ họp QH, không ảnh hưởng đến hoạt động của QH, đại biểu QH.

Dự thảo Nội quy kỳ họp QH cũng đã quy định cụ thể trong trường hợp nào sử dụng tài liệu bản điện tử, trường hợp nào sử dụng bản giấy. Cụ thể, trừ trường hợp thuộc bí mật Nhà nước thì các tài liệu chính thức đều được lưu hành bằng hình thức bản điện tử.

Theo chương trình, QH sẽ thông qua Nội quy kỳ họp QH vào cuối kỳ họp này.

Theo chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN

Sẽ có nhiều đổi mới tại các kỳ họp Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO