Sinh con thứ 3 trở lên là vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình
(Baonghean)- Bs CKII Lê Thị Hoài Chung - Chi cục trưởng Chi cục DS–KHHGĐ tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An về vấn đề sinh con thứ 3 ở Nghệ An hiện nay.
P.V: Trong những năm vừa qua, công tác Dân số - KHHGĐ tỉnh nghệ An đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, xin đồng chí cho biết những thành quả mà tỉnh ta đã đạt được trong lĩnh vực này?
Bs Lê Thị Hoài Chung: Trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với nỗ lực, cố gắng của ngành dân số, công tác dân số của tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ suất sinh đã giảm từ 18,89 %o (năm 2011) xuống còn 17,15%o (năm 2015) (bình quân mỗi năm giảm 0,4 - 0,5%o); tương tự tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 18,18% xuống còn 16,55%; Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 1,15% xuống còn 1,0%. Tỷ số giới tính khi sinh giảm từ 119 bé trai/100 bé gái (năm 2011) xuống còn 110 bé trai/100 bé gái (năm 2015); Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng BPTT hiện đại hàng năm đạt từ 77% - 78%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ chết mẹ, tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa và nạo phá thai giảm dần.
Ban tổ chức trao thưởng cho các sinh viên xuất sắc tại cuộc thi Rung chuông vàng về sức khỏe sinh sản |
Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của toàn xã hội về công tác Dân số/KHHGĐ đã có bước chuyển biến tích cực. Quy mô gia đình ít con, bình đằng, tiến bộ, hạnh phúc ngày càng phổ biến. Chất lượng dân số ngày càng được nâng lên cả về mặt trí tuệ, thể chất và tinh thần. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân và được Bộ Y tế ghi nhận và tặng Cờ thi đua, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động.
P.V: Nghệ An là tỉnh có dân số đông, với nhiều vùng miền, địa bàn vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, điều này đã gây nên những trở ngại gì trong việc triển khai công tác DS/KHHGĐ thưa đồng chí?
Bs Lê Thị Hoài Chung: Là một tỉnh có quy dân số lớn, (đứng thứ 4 so với cả nước) và thuộc nhóm 10 tỉnh có mức sinh cao nhất. Trong khi đó số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ cao (cứ 1 người bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ thì có 2,5 người bước vào độ tuổi sinh đẻ). Theo dự báo của Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội và Tổng cục thống kê, nếu tiếp tục duy trì mức giảm sinh như hiện nay qua thì phải đến năm 2026, chậm nhất 2029 Nghệ An mới đạt mức sinh thay thế, trong khi đó cả nước đã đạt mức sinh thay thế năm 2005, điều đó đồng nghĩa với việc Nghệ An đi chậm hơn cả nước 20 năm về vấn đề giảm sinh.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình tổ chức các hoạt động truyền thông vùng đặc thù, vùng có mức sinh cao. |
Ngoài ra, vấn đề biến động dân số ngày càng phức tạp; chất lượng dân số được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Đặc biệt một số vấn đề “nóng” hiện nay như: Tình trạng mất cân bằng giới tính ở mức báo động; tỷ lệ già hóa dân số tăng; Bên cạnh đó, Nghệ An là một tỉnh có điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, đa tôn giáo và vùng miền nên quan niệm, tập tục lạc hậu về sinh đẻ vẫn còn nặng nề trong một bộ phận nhân dân. Trong khi đó, một số văn bản của Trung ương ban hành có phần giảm nhẹ việc xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm chính sách dân số (vì cả nước đã đạt mức sinh thay thế), do đó, đã để xảy ra hiện tượng “xé rào, lách luật” sinh con thứ 3 trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và tạo nên dư luận không tốt trong nhân dân, ảnh hưởng tới phong trào vận động thực hiện chính sách dân số. Mặc khác, trong những năm qua, kinh phí đầu tư cho công tác dân số ngày càng cắt giảm đáng kể. Tất cả những vấn đề đó đang trở thành “rào cản” trong việc thực hiện chính sách dân số trên địa bàn tỉnh ta hiện nay.
P.V: Hiện nay, cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ đang còn cao, Nghệ An đã có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa đồng chí?
Bs Lê Thị Hoài Chung: Bên cạnh việc tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ Chăm sóc SKSS - kế hoạch hóa gia đình cho người dân và tổ chức thực hiện các hoạt động theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh; ngành đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các quy định chủ trương, chính sách về công tác Dân số - KHHGĐ, đặc biệt là các hình thức xử lý vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số số 09 - CT/TU ngày 19 tháng 9 năm 2012 về Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới đã quy định việc xử lý tập thể và cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ.
Tư vấn CSSKSS tại Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương). |
Tại Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh và Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh Quy định một số chính sách DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đã quy định xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm chính sách DS-KHHGĐ theo quy định của pháp luật hiện hành và bản cam kết đã ký với cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú.
- Chỉ thị số số 09 - CT/TU ngày 19 tháng 9 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới đã quy định việc xử lý tập thể và cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ như sau: Đối với đảng viên: Xử lý vi phạm theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ngoài ra đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo vi phạm phải kiểm điểm trước cấp ủy cấp trên trực tiếp và làm đơn đề nghị rút tên khỏi chức danh lãnh đạo hoặc xem xét thuyên chuyển vị trí công tác khác. Cấp ủy Đảng không đưa vào xem xét quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong 5 năm đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm; nếu có trong quy hoạch thì xem xét đưa ra khỏi quy hoạch chức danh hiện tại. Đối với cán bộ vi phạm: Xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và theo bản cam kết với cơ quan, đơn vị, thuyên chuyển vị trí công tác.. |
P.V: Vừa qua, có một số dư luận cho rằng, hiện nay Nghệ An đã xóa các quy định về xử phạt người sinh con thứ 3, vậy thực hư vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?
Bs Lê Thị Hoài Chung: Trước hết khẳng định rằng, từ trước đến nay, Nghệ An không ban hành chính sách quy định về xử phạt sinh con thứ 3 trở lên, mà chỉ ban hành chính sách khuyến khích và xử lý vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình trên cơ sở bản tự nguyện ký cam kết thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ của cán bộ, đảng viên với thủ trưởng cơ quan và của người dân với chính quyền địa phương. Đây là chính sách cần thiết, phù hợp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với công tác dân số tỉnh ta trong những năm qua, hiện nay và trong thời gian tới.
-Thứ hai, hiện nay cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng đang thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình theo Pháp lệnh Dân số, trong đó, Điều 10 quy định: Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản là sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
-Thứ ba, hiện nay việc xử lý vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn đang được thực hiện theo các văn bản quy định của Trung ương và Chỉ thị số 09 - CT/TU ngày 19 tháng 9 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh và Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh quy định một số chính sách Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh nghệ An trong đó các nội dung liên quan đến xử lý vi phạm chính sách DS KHHGĐ đã nêu rất cụ thể.
P.V: Để thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ, góp phần vào xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, Ngành Dân số sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa đồng chí?
Bs Lê Thị Hoài Chung: Nhận thức được tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của công tác Dân số - KHHGĐ. Bước sang năm 2006, và những năm tiếp theo để phấn đấu, nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về Dân số - KHHGĐ của Trung ương và tỉnh giao, Ngành Dân số sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ 1. Tập trung thực hiện tốt công tác tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ. Trong đó, tập trung thực hiện tốt các chính sách mới của tỉnh về công tác Dân số - KHHGĐ tại Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh và Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh Quy định một số chính sách Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tổ chức tốt việc ký cam kết thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ giữa cán bộ, đảng viên với cơ quan, đơn vị và nhân dân với chính quyền địa phương.
Thứ 2. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động và giáo dục về chính sách Dân số - KHHGĐ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với nhu cầu, trình độ, nhận thức của các tầng lớp nhân dân nhằm thuyết phục để xã hội và người dân chấp nhận và tự nguyện thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con. Đây vẫn là giải pháp quan trọng và cần được ưu tiên lên đầu. Trong đó phải phát huy cao độ vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách Dân số; gắn việc thực hiện chính sách dân số với việc xây dựng gia đình, làng, bản, khu phố, cụm dân cư, đơn vị văn hóa.
Để thực hiện tốt chính sách dân số cần phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên |
Thứ 3. Tiếp tục củng cố và ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thứ 4. Nâng cao chất lượng đảm bảo hậu cần dịch vụ KHHGĐ, đa dạng các phương tiện tránh thai, hướng tới đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện dịch vụ KHHGĐ có chất lượng cho đối tượng sử dụng nhằm thực hiện chủ yếu các mục tiêu KHHGĐ và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục triển khai các mô hình, đề án đảm bảo tính hiệu quả và nhân rộng mô hình. Đặc biệt là xây dựng và triển khai thực kế hoạch "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An".
- Tại Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh và Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh Quy định một số chính sách DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đã quy định xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm chính sách DS-KHHGĐ theo quy định của pháp luật hiện hành và bản cam kết đã ký với cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú, cụ thể như sau: + Đối với cán bộ, công chức, viên chức (kể cả hợp đồng lao động); cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang; công nhân, người lao động có hưởng lương (bao gồm nhà nước và tư nhân): Sinh con thứ ba trở lên (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) thì bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách; làm đơn rút tên khỏi chức danh lãnh đạo (nếu có chức vụ); thuyên chuyển vị trí công tác khác hoặc thuyên chuyển đến địa bàn công tác khác có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn; không đưa vào xem xét quy hoạch bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong 5 năm kể từ ngày vi phạm, nếu có trong quy hoạch thì xem xét đưa ra khỏi chức danh quy hoạch hiện tại; không xem xét thi nâng ngạch, chuyển ngạch; kéo dài thời gian xét nâng bậc lương trong thời gian 3 - 6 tháng. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật, nếu tiếp tục vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì tiến hành xử lý kỷ luật với các hình thức cao hơn. + Các đối tượng khác vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì bị xử lý theo bản cam kết, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; quy định của hương ước, quy ước nơi cư trú; không được xét danh hiệu Gia đình văn hóa. + Tập thể và cá nhân Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thành viên thuộc cấp quản lý trực tiếp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì không xét danh hiệu thi đua và không xem xét danh hiệu đơn vị văn hoá trong năm có vi phạm.. |
P.V (Thực hiện)