SLNA có nên dùng cầu thủ địa phương khác?
(Baonghean.vn) - Một đội bóng “thuần chất” Nghệ, gồm cả ban lãnh đạo và ban huấn luyện, cầu thủ nội hầu hết là “sản phẩm” của lò đào tạo SLNA…lâu nay luôn là niềm tự hào được khắc ghi của khán giả hâm mộ cũng như dư luận báo chí, truyền thông địa phương.
Tuy nhiên, trong bước đi mới của CLB thời tái cấu trúc, rất có thể “truyền thống” trên bị, được phá vỡ, nghĩa là trong ban huấn luyện hay trong đội hình đội 1 SLNA, sẽ có thêm những gương mặt mới, không đến mức là đội quân “Liên hợp quốc” nhưng chắc chắn sẽ có những người phải học cách nói: tau, mi, mô, tê, răng, rứa… trong sinh hoạt cũng như tập luyện, thi đấu?
Thực ra thì đã có những lúc, những mùa giải SLNAphải mượn quân, mua quân từ nhiều CLB trong nước và đều thu nhận kết quả tích cực. Đáng nói là khi đầu quân cho SLNA, “chân kính” của các cầu thủ này đều tăng lên đáng kể, có người còn đoạt Quả bóng Vàng Việt Nam 2001 như thủ môn Võ Văn Hạnh. Gần đây, SLNA còn mời về những cầu thủ quê Nghệ từ các lò khác, đội khác và tạo điều kiện để phát huy năng lực, kể cả lên tuyển như thủ môn Văn Hoàng…
Dù chặng đường phía trước của SLNA mùa này còn rất gian nan nhưng với những thay đổi mạnh mẽ từ nhà tài trợ và đội bóng người hâm mộ xứ Nghệ có thể tin tưởng vào một tương lai không xa CLB SLNA sẽ tạo nên những kỳ tích mới. Ảnh tư liệu Đức Anh |
Là để nói rằng, câu chuyện làm mới đội hình, bộ khung SLNA phù hợp với nhu cầu thi đấu là điều không mới. Phải chăng là với tư duy mới, thực lực mới và đặc biệt là tham vọng mới của lãnh đạo và đội ngũ huấn luyện, bản sắc SLNA sẽ được bổ sung, hoàn thiện nhiều điểm mới, tiên tiến và hiện đại hơn bên cạnh những thành tựu đã có?
Phục vụ cho tham vọng mới đòi hỏi phương pháp huấn luyện tiên tiến phải luôn được cập nhật, kỹ, chiến thuật sẽ được trui rèn “chuẩn” hơn, lối chơi của từng người và cả đội bóng sẽ đa dạng hơn, hiệu quả hơn. Một trong những nội dung đó là yêu cầu về mẫu cầu thủ đa năng sẽ được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng bên cạnh việc phát huy những kỹ năng đặc sắc, riêng có của từng cầu thủ.
Trong quá khứ, SLNA không có nhiều cầu thủ đa năng. Khán giả hâm mộ biết việc Trọng Hoàng có thể chơi biên phải hoặc trung tâm hàng tiền vệ, lên tuyển lại đá hậu vệ biên hay mọi nhẽ; biết việc hồi Thường Châu, ông Park Hang-seo có lúc kéo Xuân Mạnh từ biên vào chơi trung vệ của U23 VN, trong khi ở SLNA cầu thủ này có thể đá hậu vệ hoặc tiền vệ biên phải; hoặc phát hiện tình cờ để rồi hoán đổi Nguyên Mạnh từ tiền đạo về thủ môn và Ngọc Hải trung vệ sở trường khi cần có thể xỏ găng đứng trong khung gỗ…
BHL trẻ trung này vực dậy được con tàu đắm SLNA? Ảnh tư liệu CLB SLNA |
Từ các hạt nhân cơ bản, bộ khung cơ bản sẽ xây dựng lối chơi mới, linh hoạt và đỡ “bảo thủ” hơn so với hiện nay. Tất nhiên, sẽ bỏ lại phía sau lối đá “chém đinh, chặt sắt” ngày nào” nhưng không từ bỏ tính nhiệt huyết, không ngại va chạm và cống hiến của “những người đàn ông trên sân cỏ”.
Không chỉ là phá lối chơi của đối thủ mà phải tính đến việc áp đặt lối chơi, cầm giữ nhiều bóng hơn, khai thác tình huống cố định tốt hơn, kỹ năng sút phạt hay hơn… Nghĩa là tùy thực tế sân cỏ chứ không hoàn toàn đóng đinh trong chiến thuật sở trường phòng ngự - phản công như lâu nay.
Nếu đội bóng chơi tốt, kết quả tốt thì đó chính là kết quả của việc xây dựng và hình thành đậm nét bản sắc SLNA từ chính những cá nhân phù hợp và đáp ứng yêu cầu của ban huấn luyện đội bóng. Lối đá tiki-taca của Barcelona được phát triển và hoàn thiện trên cơ sở lò đào tạo của xứ Catalan nhưng nếu thiếu những cầu thủ đến từ Braz hay các cầu thủ Nam Mỹ, những ngôi sao châu Âu khác… thì vẫn không thể có thành công vang dội như chúng ta từng biết.
HLV trưởng Nguyễn Huy Hoàng nhận HLV trưởng SLNA chưa lâu nhưng anh đã đặt mục tiêu cho đội bóng xứ Nghệ là phải trụ hạng thành công, vì thế anh mong muốn các cầu thủ phải tập luyện tích cực, hoàn thành tất cả giáo án trong mỗi buổi tập mà BHL đề ra. Ảnh tư liệu Đức Anh |
Bản sắc SLNA cũng vậy, không thể thiếu những nhân tài sinh ra từ lò đào tạo trẻ nhưng nếu được bổ sung nhân tài từ những lò khác, vùng, miền khác sẽ là những bông hoa đẹp góp hương sắc rực rỡ trong “Công viên số 4- Đào Tấn”. Đó là việc làm giàu bản sắc, chứ không phải là pha loãng, làm phai nhạt bản sắc như ý nghĩ nào đó?
Đó là việc nên làm, phải làm trong xu thế chung của bóng đá chuyên nghiệp. Đội tuyển Việt Nam chẳng đã phải chịu thua UAE từ những đường chuyền chết chóc của cầu thủ nhập tịch chỉ cao 1m65 Fabio Lima, người Brazil đó sao?
Bởi có một thực tế không phải mùa nào, năm nào công tác đào tạo trẻ cũng bội thu. Và ngay cả mùa bội thu thì vẫn có những vị trí kém thua nếu so sánh với lò khác, nơi khác. Vì vậy, muốn đi dài, đi xa, không còn cách nào khác là phải mua sắm, bổ sung lực lượng, phục vụ cho mục tiêu, tham vọng của đội bóng.
Làm công tác huấn luyện ai ai cũng biết chỉ cần đội bóng có một vị trí non thì cả đội tha hồ chịu trận khi đối phương một mực khoét sâu vào “gót asin” để rồi thất bại là không thể tránh khỏi. Và tất nhiên không ai cam chịu cảnh biết bao công sức cuối cùng phải đổ sông, đổ bể vì những khiếm khuyết ở một vị trí nào đó, một lúc nào đó...