SLNA và việc cần làm ngay!

An Thanh 25/06/2021 10:28

(Baonghean.vn) - Với lịch đi đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã được ấn định thì VFF chỉ còn biết xây dựng phương án theo kiểu “đồng hồ đếm ngược”. BHL và cầu thủ SLNA đang đứng trước thử thách lớn của cuộc đua trụ hạng V.League.

Việc phải thi đấu 8 trận đấu từ ngày 31/7 đến 22/8/2021, với mật độ 3 ngày/trận thực sự là một thử thách lớn đối với SLNA lúc này. Cả 14 đội V.League đều gặp khó khăn khi phải thi đấu dưới thời tiết nắng nóng, tiêu hao nhiều thể lực của cầu thủ. Nhưng SLNA gặp bất lợi hơn khi có khoảng cách nhất định giữa cầu thủ chính thức và dự bị, trong bối cảnh các ngoại binh đang là “ẩn số bí mật”.

Vài bất lợi

SLNA sẽ mất đi điểm tựa tinh thần nếu vòng 2 phải thi đấu không khán giả. Ảnh: Đức Anh

Bất lợi tiếp theo là dù gấp rút sửa chữa sân Vinh nhưng VFF và VPF khó lòng thi đấu theo phương án sân nhà - sân khách vì lịch thi đấu không ủng hộ việc các CLB di chuyển nhiều. VPF đã đề xuất giai đoạn 2 của V.League tổ chức theo phương thức tập trung và không có khán giả. SLNA có vẻ như không ủng hộ phương án này nhưng phương án được thi đấu sân Vinh rất khó được thực hiện.

Có thể vài điều chỉnh về các sân được tổ chức giai đoạn tiếp theo của mùa giải như HAGL, Bình Định mong muốn, khác với phương án của VPF đề xuất 9 sân thi đấu gồm: Hàng Đẫy, Cẩm Phả, Lạch Tray, Thiên Trường, Thanh Hóa, Việt Trì, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ (Hà Nội), PVF, Thanh Trì. Nhưng việc thi đấu tập trung là đảm bảo kế hoạch công tác tổ chức của mùa giải 2021 dường như là điều không thể thay đổi.

Đây là điều đáng tiếc cho SLNA, bởi không được đá trên sân Vinh, SLNA sẽ mất đi điểm tựa tinh thần, là một thiệt thòi lớn cho SLNA, nhất là khi ban lãnh đạo mới đã có nỗ lực đáng kể với cổ động viên và báo chí.

Thể lực và bản lĩnh

Để có phương án chính thức cần phải được VFF, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép và ý kiến của các CLB nhưng có lẽ ngay từ bây giờ BHL SLNA cần phải tính toán chuẩn bị cho một lịch thi đấu dày đặc như vậy. Rõ ràng “át chủ bài” trong cuộc đua trụ hạng Văn Đức khó lòng đá đủ 5 trận trong thời gian 22 ngày như thế? Ngay sau khi có kết quả bốc thăm thì BHL phải cân nhắc, tính toán Văn Đức đánh chính trận nào? Nghỉ trận nào?

Các cầu thủ SLNA thường chóng “cạn pin”. Ảnh: Đức Anh

Cuộc đua trụ hạng là màn tra tấn thể lực và bản lĩnh thi đấu của các cầu thủ. Với mật độ thi đấu như thế dù thắng hay thua, BHL và cầu thủ SLNA cũng phải nhanh chóng bỏ lại kết quả sau lưng để tập trung cho chặng đường kế tiếp. Có thể thấy cường độ tập luyện khá nặng, thậm chí là nặng nhất V.League nên các cầu thủ SLNA thường chóng “cạn pin”. Hai chiếc thẻ đỏ đầu mùa giải, ngoài việc hậu vệ đứng sai vị trí còn do thiếu sức rướn trong cuộc đua tốc độ với đối thủ.

Hiện nay, CLB Hải Phòng, Sài Gòn, TP.HCM những đối thủ trực tiếp trong cuộc đua trụ hạng V.League đang có sự bổ sung lực lượng đáng kể. Điều này khiến cho ban lãnh đạo CLB và BHL SLNA phải có những giải pháp bổ sung nhân sự, luyện tập các phương án chiến thuật mới. Đã hơn 10 năm nay, việc chỉ đơn phương với 2 sơ đồ thi đấu 4-4-2, 4-5-1 đã khiến cho lối đá của đội bóng xứ Nghệ thiếu đi sự sáng tạo, đột phá cần thiết.

Đơn cử như Phạm Xuân Mạnh là cầu thủ có thể thi đấu cả 2 cánh, ở vị trí hậu vệ lẫn tiền vệ, nhưng việc định vị cựu tuyển thủ quốc gia này ở vị trí hậu vệ cánh phải có phải là giải pháp tối ưu hay không. Việc lắp ghép của các ngoại binh mới như thế nào để sớm có được bàn thắng trong cuộc đua nước rút cũng là một vấn đề không hề đơn giản...

Mới nhất
x
SLNA và việc cần làm ngay!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO