Sớm quy hoạch, cấp phép mỏ cát sỏi trên sông Lam
(Baonghean.vn) - Đến nay, những vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trên sông Lam đã được chấn chỉnh. Tuy nhiên, để không tái diễn các vi phạm; ổn định nhu cầu xã hội về vật liệu xây dựng; đảm bảo việc làm thu nhập của người lao động… các cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ thẩm định, quy hoạch cấp phép mỏ, bến thủy nội địa.
Đoàn liên ngành theo Quyết định 5445 của UBND tỉnh thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác, kinh doanh cát sỏi ở khu vực cầu Yên Xuân. |
“Ở thành phố Vinh, hiện cát, sỏi khan hiếm và giá đã tăng khoảng gần gấp rưỡi so với trước đây”, lãnh đạo Công ty TNHH Hòa Hiệp, doanh nghiệp đang thi công gói thầu thuộc hợp phần Kênh Bắc của Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh khẳng định. Theo vị này, giá cát, sỏi tăng bình quân 15.000 đồng/m3; trước đây cát (tùy theo loại) khoảng từ 35.000 - 50.000 đồng/m3, nay là 50.000 - 65.000 đồng/m3.
Để đảm bảo cát phục vụ thi công, Công ty TNHH Hòa Hiệp đã phải thuê bãi chứa cát ở Cảng Nghệ Tĩnh với giá 40 triệu đồng/tháng. “Tôi thấy việc kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trên tuyến sông Lam là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp để ổn định nhu cầu về vật liệu cát sỏi. Với tình hình như hiện nay, rất khó khăn cho người dân và doanh nghiệp...” - lãnh đạo Công ty TNHH Hòa Hiệp trao đổi.
Chủ doanh nghiệp tư nhân Hằng Hải, ông Trần Văn Hợi (người đội mũ) nêu một số vấn đề băn khoăn với Trưởng đoàn liên ngành Chu Minh Tiến. |
Anh N.Đ.C (trú tại xã Hưng Lộc, TP.Vinh) đang xây nhà, anh băn khoăn khi giá cát, sỏi tăng đột biến: “Cách đây 2 tháng, tôi mua cát từ Nam Đàn. Thế nhưng, gần đây, Nam Đàn không còn cát bán. Mấy bến cát ở thành phố Vinh cũng vậy, do các bến đã bị dừng hoạt động. Tôi đành phải mua cát từ Tân Kỳ về. Đường vận chuyển dài gấp 3 lần, nên giá cát tăng cao. Tôi không rõ lắm về nguyên nhân nhưng thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét, đảm bảo bình ổn giá cả thị trường...”.
Các doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cát, sỏi dọc tuyến sông Lam cũng có những băn khoăn. Với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vật liệu xây dựng Hằng Hải, khi đoàn liên ngành thông báo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch 753/KH-UBND-NC về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trên tuyến sông Lam đã dừng kinh doanh, tháo dỡ máy móc, dọn sạch bến cát. Tuy nhiên, vấn đề lao động việc làm và món nợ vay ngân hàng đang là nỗi lo. Chủ doanh nghiệp, ông Trần Văn Hợi, trao đổi: “Để mua sắm máy móc, thiết bị và vốn kinh doanh, tôi đã vay ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó là việc làm, thu nhập của 6 lao động. Chúng tôi chấp hành nghiêm chỉ đạo của tỉnh, nhưng đề nghị các cấp xem xét quy hoạch địa điểm, để chúng tôi tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Kéo dài ngày nào, doanh nghiệp và người lao động sẽ rất khó khăn...”.
Máy móc thiết bị của Công ty TNHH Hải Phú Quân “nằm không” đã hơn 1 tháng. |
Công ty TNHH Hải Phú Quân (khối 8, phường Trường Thi, TP. Vinh) được UBND phường Bến Thủy cho khai hoang lấp bãi bồi ven sông Lam (thuộc khối 13, phường Bến Thủy) để làm bãi tập kết cát, sỏi. Nguồn gốc cát, sỏi ở đây là mua từ HTX Lam Sơn Đại Thành (Nam Đàn), vận chuyển bằng đường thủy về. Quá trình kinh doanh, công ty luôn hoàn thành đầy đủ các khoản thuế cho Nhà nước. Khi đoàn liên ngành kiểm tra, dù vị trí bãi tập kết không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, đường bộ và môi trường; nhưng do bến bãi chưa được cấp thẩm quyền cấp phép nên phải dừng kinh doanh.
Trước yêu cầu của đoàn, Công ty TNHH Hải Phú Quân đã nghiêm túc chấp hành. Ông Lưu Hồng Hải trao đổi: “Chỉ đạo của tỉnh về việc chấn chỉnh khai thác, kinh doanh cát, sỏi là đúng. Tuy nhiên, cần xem xét cho phép doanh nghiệp được thực hiện các thủ tục mở bến để sớm trở lại ổn định sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi đã dừng hơn 1 tháng nay. Máy móc thiết bị đầu tư hơn 2 tỷ đồng phơi giữa mưa gió; bên cạnh đó còn phải chi trả lương cho lao động nên thiệt hại nhiều về kinh tế...”.
Đoàn liên ngành theo Quyết định 5445 làm việc với UBND huyện Hưng Nguyên để đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 753 của UBND tỉnh. |
Thực hiện Kế hoạch số 753/KH-UBND-NC ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh, đến nay, đoàn liên ngành đã bàn giao địa bàn sạch về hoạt động mở bến thủy nội địa tập kết cát, sỏi trái phép cho chính quyền TP.Vinh, huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. Tuy nhiên, để không tái diễn các vi phạm; ổn định nhu cầu xã hội về vật liệu xây dựng; đảm bảo việc làm, thu nhập của một bộ phận hộ kinh doanh, người lao động…, chính quyền của cả 4 địa phương này đều có những kiến nghị khá tương đồng lên UBND tỉnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Vinh, việc thiết lập trật tự các bến bãi kinh doanh cát, sỏi là cần thiết, nhưng song song với đó, cần phải tận dụng lợi thế của giao thông đường thủy, tổ chức khảo sát địa điểm mở lại bến bãi cát, sỏi theo quy hoạch.
Ông Thắng phân tích: “Có rất nhiều bất cập sẽ nảy sinh nếu không mở lại các bến cát dọc tuyến sông Lam. Vận tải đường thủy có giá thành thấp hơn hẳn so với đường bộ, sẽ đảm bảo ổn định về mặt giá thành, không gây ra tình trạng khan hiếm cát, sỏi và gia tăng giá cả đột biến như hiện nay. Nếu dừng đường thủy, cát ở thành phố Vinh sẽ từ các huyện Tân Kỳ, Đô Lương đưa về theo đường bộ. Điều đó sẽ tạo áp lực lên giao thông đường bộ; gia tăng sự mất an toàn giao thông; ảnh hưởng môi trường. Đó là chưa nói đến vấn đề lao động việc làm, thu ngân sách địa phương...”.
Ông Ngô Phú Hàn – Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên nêu một số kiến nghị sau khi Đoàn liên ngành thông báo kết quả thực hiện Kế hoạch 753. |
“Huyện Hưng Nguyên có 18 bến bãi cát, sỏi, năm 2015 đã nộp vào ngân sách khoảng 6 tỷ đồng” - Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Ngô Phú Hàn cho biết. Theo ông Hàn, nếu 18 bến bãi cát, sỏi dừng hoạt động, nguồn ngân sách địa phương vốn đã eo hẹp sẽ lại càng eo hẹp hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu cát, sỏi rất lớn trong xây dựng không được đáp ứng; ảnh hưởng tới việc làm của người lao động… Chính vì vậy, tại buổi làm việc với đoàn liên ngành, UBND huyện đã chỉ đạo các xã có bến cát, sỏi, Công an huyện và Phòng Công Thương thường xuyên kiểm tra không để diễn ra tình trạng tái vi phạm; bên cạnh đó, nêu ý kiến “huyện sẽ lựa chọn bố trí quy hoạch địa điểm để cho các hộ kinh doanh thuê đất mở bến thủy nội địa, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan thẩm định phê duyệt quy hoạch cấp phép mỏ và bến thủy nội địa”.
Ở huyện Thanh Chương, có 23/23 bến bãi đã được giải tỏa. UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp mỏ, tiến độ các thủ tục mở bến bãi (lựa chọn địa điểm, quy hoạch xây dựng, thuê đất, cấp phép bến bãi); không nhất thiết phải có mỏ mới cho mở bến bãi. Đồng thời, chỉ đạo bằng văn bản hướng dẫn thủ tục xử lý văn bản trong quá trình làm thủ tục cấp mỏ, mở bến bãi…
Theo Trưởng đoàn liên ngành - Thượng tá Chu Minh Tiến, dù chỉ đạo của UBND tỉnh trong kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi dọc tuyến sông Lam đã đạt được kết quả tốt, tuy nhiên, cũng qua kiểm tra cho thấy có những vấn đề bất cập, cần phải có giải pháp để tăng cường công tác quản lý.
Đó là thực trạng hoạt động trái phép của các tàu hút công suất lớn trên sông diễn ra vào ban đêm, nên công tác đấu tranh gặp khó khăn; việc chấp hành các quy định về đăng kiểm, đăng ký, người điều khiển không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn phù hợp theo quy định, phương tiện chở quá trọng tải diễn ra phổ biến; phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thuộc các huyện hoạt động khai thác, vận tải cát, sỏi trên sông ngoài tầm kiểm soát của chính quyền; các bến thủy nội địa không có quy hoạch hoạt động tự phát, manh mún, phần lớn UBND cấp xã cho thuê đất trái thẩm quyền, thuê đất sai mục đích nhưng các chủ bến đầu tư lớn và hoạt động trái phép từ nhiều năm nay.
Sau công tác kiểm tra phát hiện xử lý các vi phạm trong khai thác, kinh doanh cát sỏi, cần xem xét quy hoạch cấp phép mỏ, bến thủy nội địa. |
Với thực tế trên, đoàn liên ngành kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố có văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, lực lượng chức năng và Chủ tịch UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc để phát hiện vi phạm, có biện pháp để quản lý sau khi đoàn bàn giao; đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo không đấu thầu thuê đất để cho UBND các huyện, thành phố cho thuê đất hộ cá thể, trên cơ sở ưu tiên chủ bến làm lâu năm, đầu tư lớn…
Bên cạnh đó, kiến nghị các Sở TN&MT, GTVT và Xây dựng tham mưu UBND tỉnh rà soát quy định về quy hoạch cấp phép mỏ, bến thủy nội địa cho các huyện, thành phố theo quy định của pháp luật; đề xuất UBND tỉnh tổ chức họp để giải quyết mọi vướng mắc và đề xuất của các ngành, các địa phương. Xem xét việc quy hoạch, cấp thêm các điểm mỏ, bến thủy nội địa phù hợp từng địa phương, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhật Lân
TIN LIÊN QUAN