Sự kiện “nóng” của thế giới 24h qua

Thái Bình 08/02/2018 06:58

(Baonghean.vn) - Nga bắt đầu trục xuất lao động Triều Tiên; Nhật Bản cam kết ký kết hiệp ước hòa bình với Nga; Triều Tiên cử em gái ông Kim Jong-un dự Thế vận hội PyeongChang; Hàn Quốc thông qua nghị quyết kiềm chế xung đột dịp Olympic;... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Nga bắt đầu trục xuất lao động Triều Tiên

Lao động Triều Tiên tại Nga. Nguồn: mikrofonnews.com
Lao động Triều Tiên tại Nga. Nguồn: mikrofonnews.com

Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho biết giới chức một vài khu vực của Nga đã bắt đầu trục xuất các nhân viên Triều Tiên, phù hợp với nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.

Theo đại sứ này, các công dân Triều Tiên hàng năm được nhận tới 15.000 thị thực Nga, 90% trong số này là những thị thực lao động ngắn hạn. Tổng cộng 35.000 công nhân từ Triều Tiên đã làm việc tại Nga, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng nhà, nông nghiệp, và ngư nghiệp.

2. Nhật Bản cam kết ký kết hiệp ước hòa bình với Nga

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP

Ngày 7/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết sẽ ký kết một hiệp ước hòa bình với Nga.

Thủ tướng Abe nhấn mạnh, ông sẽ cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin sớm giải quyết vấn đề liên quan tới hiệp ước hòa bình giữa hai bên. Nhân dịp này, ông Abe cũng thông báo kế hoạch tới thăm Moscow (Nga) vào tháng 5 tới.

Trong quan hệ giữa Liên bang Nga với Nhật Bản hiện nay, trở ngại lớn nhất là bất đồng về tranh chấp chủ quyền quần đảo Nam Kuril (theo cách gọi của Nga) hay Vùng lãnh thổ phương Bắc (theo cách gọi của Nhật Bản). Đây cũng là nguyên nhân khiến Nhật Bản và Nga chưa thể ký kết Hiệp ước hòa bình kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

3. Triều Tiên cử em gái ông Kim Jong-un dự Thế vận hội PyeongChang

Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có mặt trong đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang. Ảnh:Yonhap
Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có mặt trong đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang. Ảnh:Yonhap

Theo nguồn tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc, bà Kim Yo-Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có mặt trong phái đoàn do ông Kim Yong-nam Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên tới PyeongChang tham dự Thế vận hội mùa Đông.

Đây sẽ là lần đầu tiên một thành viên trong gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Hàn Quốc. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, chính phủ Hàn Quốc đánh giá rằng thành phần của phái đoàn Triều Tiên bao gồm nhiều quan chức của đảng, chính phủ và phụ trách thể thao, mang rất nhiều ý nghĩa.

4. Hàn Quốc thông qua nghị quyết kiềm chế xung đột dịp Olympic

Nguồn: Dragon Hill Lodge
Nguồn: Dragon Hill Lodge

Quốc hội Hàn Quốc ngày 7/2 đã thông qua một nghị quyết cam kết tổ chức thành công Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi các phe phái không gây đối đầu chính trị trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao từ ngày 9-25/2.

Với 160 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 4 phiếu trắng, cơ quan lập pháp của Hàn Quốc đã thông qua văn kiện trên, trong đó nêu bật sự ủng hộ đối với các nỗ lực của chính phủ nhằm biến sự kiện thể thao Olympic này trở thành cơ hội thúc đẩy hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

5. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ “vô hiệu hóa” gần 1.000 phần tử khủng bố

Binh sỹ và xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại khu vực Afrin, Syria ngày 22/1 vừa qua. Ảnh: THX/TTXVN
Binh sỹ và xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại khu vực Afrin, Syria ngày 22/1 vừa qua. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 7/2, Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ít nhất 999 phần tử khủng bố thuộc Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD), Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị “vô hiệu hóa” kể từ khi bắt đầu chiến dịch “Cành ô liu” ở Afrin thuộc Syria.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ thường dùng từ “vô hiệu hóa” trong các tuyên bố với hàm ý rằng những phần tử khủng bố trong trường hợp này đã đầu hàng hoặc bị tiêu diệt hay bị bắt.

6. Tổng thống chống lại Tòa án Tối cao trong khủng hoảng ở Maldives

Tổng thống Maldives Abdulla Yameen Abdul Gayoom. Ảnh: maldiveshighcommission.
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen Abdul Gayoom. Ảnh: maldiveshighcommission.

Tổng thống Maldives Abdulla Yameen Abdul Gayoom đang trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế sau khi từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao trao trả tự do cho các tù nhân chính trị và phục chức cho những nghị sĩ đối lập.

Ông sau đó ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, điều binh sĩ tới Tòa án Tối cao và ra lệnh bắt giữ anh trai cùng cha khác mẹ, Maumoon Abdul Gayoom, người từng giữ chức tổng thống Maldives trong 30 năm.

Yameen bị một số người cáo buộc tham nhũng hàng triệu USD trong quá trình làm chủ tịch Tổ chức Thương mại Nhà nước (STO) giai đoạn 1990-2005, nhưng ông bác bỏ những cáo buộc này.

7. Tòa Hong Kong xóa án tù cho Hoàng Chi Phong

Hoàng Chi Phong bên ngoài tòa án chung thẩm ngày 6/2. Ảnh: REUTERS
Hoàng Chi Phong bên ngoài tòa án chung thẩm ngày 6/2. Ảnh: REUTERS

Một tòa án cấp cao Hong Kong ngày 6/2 đã bác án tù dành cho thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong và hai nhà hoạt động dân chủ khác.

Trước đó vào tháng 8/2017, Tòa phúc thẩm Hong Kong đã tuyên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong, 21 tuổi), Nathan Law (24 tuổi) và Alex Chow (27 tuổi) 6-8 tháng tù, bản án bị các nhóm nhân quyền chỉ trích.

Cáo trạng của tòa nói bộ ba này đã kích động các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong năm 2014.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Mới nhất
x
Sự kiện “nóng” của thế giới 24h qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO