Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

05/03/2017 15:07

(Baonghean.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu phát biểu trước Quốc hội; Malaysia xét xử hai nữ nghi phạm vụ Kim Jong-nam; 5 lãnh đạo tập đoàn Samsung sẽ bị kết tội hối lộ và tham ô; Trung Quốc: Khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc;... là những sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần qua.

1. Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu phát biểu trước Quốc hội

Sáng 1/3 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội đề cập nhiều vấn đề về đối nội, đối ngoại của Mỹ. Ảnh: Reuters.
Sáng 1/3 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội đề cập nhiều vấn đề về đối nội, đối ngoại của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Sáng 1/3, hơn một tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên có bài phát biểu trước Quốc hội nước này.

Mặc dù đây không phải là một bản thông điệp liên bang chính thức nhưng bài phát biểu đầu tiên của ông Trump trước Quốc hội Mỹ đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông thế giới.

Trong bài phát biểu, ông Trump đã nhấn mạnh tới những mục tiêu, chính sách cần hoàn thành trong năm tới bao gồm các chính sách về kinh tế, nhập cư, an ninh quốc phòng và ngoại giao.

Trong phần đầu bài diễn văn, ông Trump gửi một thông điệp đầy tự hào tới người dân Mỹ: “Những thế hệ người dân Mỹ đi trước đã truyền đi ngọn đuốc của sự ngay thẳng, tinh thần tự do và công bằng tới thế hệ ngày nay. Và đến giờ, ngọn đuốc đó đang nằm trong tay chúng ta. Chúng ta sẽ dùng ngọn đuốc này để thắp sáng thế giới”.

2. Malaysia xét xử hai nữ nghi phạm vụ Kim Jong-nam

Nghi phạm Đoàn Thị Hương. (Ảnh: New Straits Times)
Nghi phạm Đoàn Thị Hương. (Ảnh: New Straits Times)

Tòa án Malaysia sáng 1/3 đã bắt đầu xét xử hai nữ nghi phạm Đoàn Thị Hương, quốc tịch Việt Nam và Siti Aisyah, quốc tịch Indonesia, liên quan đến vụ sát hại công dân Triều Tiên.

Theo The Star, an ninh được thắt chặt khoảng 10 phút trước khi phiên tòa xét xử hai nữ nghi phạm vụ Kim Jong-nam diễn ra. Cảnh sát Malaysia huy động 199 sỹ quan và nhân viên ổn tình hình trong khu vực.

Một số phóng viên đã có mặt ở khu vực diễn ra phiên tòa từ 5 giờ sáng, nhưng không được phép vào trong.

Các phóng viên đến phiên tòa đều phải đăng ký thông tin, nộp tài sản cá nhân như điện thoại, máy tính xách tay và thiết bị ghi âm. Các túi xách cũng bị kiểm tra gắt gao trước khi được mang vào khu vực.

3.Tổng thống Park Geun-hye bị xác định là nghi phạm tham nhũng

Tổng thống Park Geun-hye.
Tổng thống Park Geun-hye.

Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Park Geun-hye đã bị xác định là một nghi phạm tham nhũng. Đây là tuyên bố do các công tố viên đặc biệt Hàn Quốc đưa ra ngày 28/2.

Tuyên bố này khép lại cuộc điều tra kéo dài suốt 4 tháng qua về vụ bê bối liên quan đến nhà lãnh đạo này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn của nhóm công tố viên đặc biệt Lee Kyu-chul cho biết, các công tố viên xác định bà Park đã cấu kết với người bạn thân lâu năm là bà Choi Soon-sil để nhận hối lộ từ Samsung - Tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc - nhằm đổi lấy những ưu đãi đối với hoạt động của mình.

Tuy nhiên, bà Park, người hiện đang chờ đợi phán quyết của Tòa án Hiến pháp về vụ Quốc hội luận tội bà tháng 12/2016, sẽ không phải đối mặt ngay lập tức với các lời buộc tội nhờ những quy định về việc Tổng thống đương nhiệm được miễn trừ truy tố.

4. Trung Quốc: Khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc

Hội nghị chính hiệp toàn quốc của Trung Quốc khai mạc kỳ họp lần thứ 5 khóa 12.
Hội nghị chính hiệp toàn quốc của Trung Quốc khai mạc kỳ họp lần thứ 5 khóa 12.

Chiều 3/3, tại thủ đô Bắc Kinh, Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc gọi tắt là Chính hiệp toàn quốc - cơ quan hiệp thương và cố vấn chính trị cao nhất của Trung Quốc, đã khai mạc kỳ họp toàn thể thường niên lần thứ 5 khoá 12.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Trung Quốc đã tham dự lễ khai mạc.

Tại phiên khai mạc, thay mặt Ủy ban toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc khoá 12, ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Chính hiệp đã báo cáo tình hình công tác trong năm 2016 trước hội nghị.

Về những nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2017, ông Du Chính Thanh nhấn mạnh: "Năm 2017 là năm quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 13, năm đi sâu đẩy mạnh cải cách kết cấu và là năm diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 3, 4, 5 và Hội nghị Trung ương 6; quán triệt những chỉ đạo quan trọng và những quan điểm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới trong quản lý đất nước của Tổng Bí thư Tập Cận Bình; Công tác chính hiệp cần phải: tập trung định hướng tư tưởng, huy động các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, xã hộ hài hoà, ổn định lập thành tích chào mừng thắng lợi của Đại hội 19".

5. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ sẽ phải từ chức vì có liên hệ với Đại sứ Nga?


Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sessions. Ảnh: AP
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sessions. Ảnh: AP

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đang phải đối mặt với nguy cơ từ chức và bị điều tra vì không trung thực trong mối liên hệ với Đại sứ Nga. Nếu điều này xảy ra, ông Sessions sẽ trở thành quan chức chủ chốt thứ hai trong Nội các Chính phủ Mỹ phải từ chức chỉ chưa đầy 2 tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức.

Rắc rối nảy sinh với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sessions kề từ khi tờ Washington Postngày 2/3 tiết lộ ông Sessions từng có 2 cuộc nói chuyện với Đại sứ Nga vào tháng 7 và tháng 9/2016 khi còn là Thượng nghị sĩ nhưng ông không đề cập việc này trong phiên điều trần hồi tháng 1 vừa qua tại Thượng viện trước khi được phê chuẩn làm Bộ trưởng Tư pháp.

Tại phiên điều trần, khi được hỏi về Nga, ông Sessions trả lời rằng ông “không có bất cứ mối liên hệ nào với người Nga”. Bài báo này cũng cho biết tại thời điểm ông Trump vận động tranh cử, ông Sessions là một Thượng nghị sỹ, cố vấn chính thức về chính sách đối ngoại và các vấn đề khác cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Ngay sau khi bài báo được công bố, Đảng Dân chủ đã có phản ứng rất gay gắt. Trong một tuyên bố, Hạ Nghị sỹ Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện đã nói rằng, việc ông Sessions nói dối sau lời thề trước quốc hội là hành động không thể chấp nhận được và kêu gọi ông từ chức ngay lập tức.

6. Thượng viện Anh yêu cầu Chính phủ sửa đổi dự luật Brexit

Tiến trình Brexit được đánh giá là không hề dễ dàng. (Ảnh: AP)
Tiến trình Brexit được đánh giá là không hề dễ dàng. (Ảnh: AP)

Thượng viện Anh ngày 1/3 đã thông qua yêu cầu Chính phủ Anh sửa đổi dự luật Anh rời khỏi liên minh châu Âu (Brexit) với 358 phiếu thuận và 256 phiếu chống.

Các nghị sĩ Thượng viện yêu cầu Thủ tướng Theresa May đưa vào trong dự luật điều khoản đảm bảo các công dân Liên minh châu Âu (EU) đang sinh sống tại Anh được quyền sinh sống và làm việc tiếp ở Anh sau Brexit.

Dự luật Brexit là dự luật cho phép Thủ tướng Theresa May quyền kích hoạt Brexit theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon và bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với Liên minh châu Âu.

Trước khi tiến hành bỏ phiếu thông qua tại Thượng viện, Chính phủ Anh đã rất nỗ lực thuyết phục các nghị sĩ không đề nghị thay đổi bản dự thảo luật Brexit của Chính phủ.

Với kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện, Thủ tướng Theresa May sẽ lại phải cố gắng thuyết phục Hạ viện vào tuần tới. Điều này có nghĩa điều khoản 50 không thể kích hoạt trong 2 tuần tới mặc dù Thủ tướng Anh sẽ vẫn thực hiện được kế hoạch kích hoạt điều 50 vào cuối tháng 3 như đã từng nói với lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu.

7. Trung Quốc - Hàn Quốc: Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến kinh tế vì THAAD?

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). (Ảnh: Yonhap)
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). (Ảnh: Yonhap)

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc lại đang đứng trước nấc thang căng thẳng mới giữa lúc xuất hiện thông tin về việc Trung Quốc hạn chế người dân du lịch đến Hàn Quốc nhằm trả đũa việc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc.

Lệnh hạn chế du lịch này sẽ là tin buồn cho ngành công nghiệp không khói của xứ sở Kim Chi, nơi đón tới 8 triệu lượt du khách Trung Quốc đến thăm trong năm 2016.

Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh dẫn lời quan chức Bộ Văn hóa Hàn Quốc, ông Wang Ki-young hôm 3/3 cho biết, các công ty lữ hành tại Bắc Kinh được lệnh ngừng bán tour đến Hàn Quốc từ giữa tháng 3 tới và động thái này sẽ được mở rộng sang các địa phương khác của Trung Quốc. Nếu được thực thi, đây có thể sẽ là tổn thất không nhỏ cho ngành du lịch Hàn Quốc.

Ngay lập tức phản ứng trước thông tin này, trong một tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng sẽ “vô cùng đáng tiếc” nếu Trung Quốc cấm công dân tới Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ hành động nào gây trở ngại cho sự giao lưu giữa người dân 2 nước - cơ sở cho quan hệ song phương – đều là “điều không nên làm”.

Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-Ahn, khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục giám sát mọi động thái sắp tới của Trung Quốc.

8. Quân chính phủ tái chiếm Palmyra: Đột phá trên chiến trường Syria

Xe tăng quân đội Syria tiến vào giải phóng Palmyra. Ảnh: Reuters
Xe tăng quân đội Syria tiến vào giải phóng Palmyra. Ảnh: Reuters

Quân đội Syria ngày 2/3 tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra từ tay IS lần thứ 2 trong vòng 1 năm qua. Đây được xem là bước tiến lớn của quân đội Syria nhằm đẩy lui IS ra khỏi lãnh thổ nước này, đồng thời góp phần cổ vũ cuộc đàm phán hòa bình tại Syria sớm mang lại kết quả, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua ở nước này.

Trong một thông cáo cho biết, dưới sự hỗ trợ từ lực lượng Không quân Nga cùng với sự hợp tác của các đồng minh, quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra. Quân đội Syria và các lực lượng đồng minh đã tiến sâu vào bên trong thành phố sau khi IS rút các tay súng của nhóm này khỏi đây.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn quân đội Syria nhấn mạnh: “Với sự hỗ trợ của các lực lượng không quân Syria và Nga, các đơn vị vũ trang và các lực lượng đồng minh đã lấy lại quyền kiểm soát thành phố Palmyra và các khu vực lân cận sau khi đẩy lui IS, đang bị tổn thất nặng nề trên chiến trường Syria”.

Trước đó, Điện Kremlin cũng xác nhận thông tin quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn bởi máy bay chiến đấu Nga đã hoàn tất việc giành lại thành phố cổ Palmyra từ tay IS. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo thông tin này với Tổng thống Vladimir Putin.

Việc tái chiếm thành phố cổ Palmyra được xem là bước tiến lớn trong việc đẩy lui IS ra khỏi lãnh thổ Syria. Theo đánh giá của giới phân tích, thành cổ Palmyra được ví như chiếc chìa khóa nhằm mở đường cho quân đội Syria có thể tiến đánh thành phố Raqqa, khu vực được coi là thủ phủ của IS tự xưng ở miền Đông Syria.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO