Sức sống một vùng quê

(Baonghean) - Tôi lấy vợ xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) bên Sông Con đã gần 40 năm nay, là nhà văn, nhà báo viết chuyện khắp nước, lại không viết được bài nào về đất Nghĩa Đồng cật ruột này cả, ngoài bài thơ “Người kéo cáp Phà Sen” viết từ thời lần đầu về quê vợ. Tệ thật. Có lẽ  vì thân quen quá, năm nào cũng về, có khi một năm về hai, ba lần, nên quen mắt, không cảm xúc mới nào chăng? 

1. Rồi cũng có ngày những dâng tràn xúc cảm đã buộc mình cầm bút mà viết. Câu chuyện bắt đầu từ Trần Văn Thắng, Câu lạc bộ Dân ca Nghĩa Đồng đến nhà bà chơi, hát cho chúng tôi nghe những bài ví, giặm mà anh sáng tác về quê hương. Làng Sẻ quê tôi bên dòng sông Con uốn lượn /Dưới chân núi Bắc cho, bên vực Voi sâu thẳm/ Dân quê tôi nghĩa tình nồng thắm/ Ngày xưa cùng săn bắn, trồng dâu dệt lụa, nuôi tằm… Giọng lính thuốc lào U60 mà Trần Thắng hát lôi cuốn đáo để. Ở Nghĩa Đồng có một câu lạc bộ dân ca, có người trong đội được chọn vào Đoàn Dân ca Nghệ An đi liên hoan dân ca toàn quốc ở Huế năm 2014, thật đáng đồng tiền bát gạo. 
 
Vợ tôi có 1 người họ hàng là Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Hải Quyền. Anh đã nghỉ hưu lâu rồi, bỗng dưng mấy năm nay làm thơ, viết dân ca hăng hái lắm. Anh tặng tôi tập thơ Hương sen Nghĩa Đồng, do Câu lạc bộ thơ Nghĩa Đồng xuất bản vào dịp Tết Ất Mùi 2015 mà anh là người tham gia biên tập. Tập thơ này cho biết nhiều chuyện vui ở Nghĩa Đồng mà từ trước đến nay chưa có bao giờ. CLB thơ ca Nghĩa Đồng có tới 30 hội viên, có một Ban chủ nhiệm 4 người. Các “nhà thơ nghiệp dư” này đều là nông dân, giáo chức, cựu chiến binh…
Họ lao động xây dựng nông thôn mới và cảm thức trước những đổi thay của quê hương mình. Ngoài câu lạc bộ thơ, ở Nghĩa Đồng còn có rất nhiều cựu chiến binh làm thơ nữa. Điều làm tôi bất ngờ hơn là trong tập thơ này còn có sự góp mặt của các ông lãnh đạo xã như Trịnh Hữu Minh, Bí thư Đảng ủy, Ngô Xuân Nghĩa, Chủ tịch (đã nghỉ hưu năm 2015). Thật quý hóa. Trong bài tựa tập thơ Hương sen Nghĩa Đồng, anh Trịnh Hữu Minh viết rất hay rằng: ”Thơ là tiếng nói đầu tiên của tâm hồn”. “Thơ không chỉ Nồng mà còn phải Hậu”. Đúng! Thơ phải nồng hậu. Cái nồng hậu của cuộc sống Nghĩa Đồng hôm nay đang dội vào thơ.
Nông dân Nghĩa Đồng làm thủy lợi nội đồng
Nông dân Nghĩa Đồng làm giao thông nội đồng
Điều gì đã làm cho người Nghĩa Đồng làm thơ sôi nổi vậy? Thơ là tâm tình. Khi cái tâm, cái tình nồng đượm thì ai cũng muốn bày tỏ nỗi niềm. Điều làm cho mọi người dân vui là xã Nghĩa Đồng đã được tỉnh Nghệ An công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cái đó không phải nói trên giấy, mà dễ dàng nhận ra ngày trên thực địa. Nói bằng đường bê tông thôn, xóm. Nói bằng trạm xá, trường học. Nói bằng hệ thống loa truyền thông, nói bằng chợ đông, điện sáng... Chỉ đi một vòng Nghĩa Đồng từ làng Sen, qua làng Sẻ, Sa Nam, vào chợ…, tôi nhận ra từng nét đổi thay: Nông thôn mà ban đêm có đèn đường; hệ thống loa cứ 5 giờ sáng là phát đi tin tức của xóm thôn. Là đường bê tông rộng lan tỏa khắp các thôn xóm, xe ô tô con vào tận từng nhà…
Cả xã bây giờ không có nhà tranh vách đất nữa, mà xây nhà ngói khang trang. Chỉ riêng chuyện một xã mà có câu lạc bộ dân ca, câu lạc bộ thơ đủ nói lên cuộc sống văn hóa đã được bà con vun đắp như thế nào. Chí thú lắm. Công lao lắm. Không phải ngày một ngày hai, mà nhiều năm, rất nhiều năm chăm chút… mới có cơ ngơi thôn xóm như hôm nay.
2. Đi trên đất làng Sen, làng Sẻ Nghĩa Đồng, tôi cứ miên man nghĩ về sự sâu, dày của đất. Năm 1977, lần đầu tiên về Nghĩa Đồng quê vợ, qua Phà Sen, nhìn những người kéo cáp đưa phà qua sông tôi xúc động, làm được bài thơ Người kéo cáp Phà Sen:  Bên bến sông Con em đi lấy chồng/ riêng các anh những người kéo cáp /một thời trai neo giữa lòng đường…/ những chuyến phà xuyên năm lửa bom/ xe gạo đạn và trai làng ra trận.../ không ca-nô tim anh làm máy nổ/  tay cuộn gân nắm sợi lửa nóng bừng… Trong những người kéo cáp đưa phà qua sông Con trên hai bàn tay hàng chục năm trường ấy, nhất định có những chàng trai Nghĩa Đồng. Trên con phà đi trên tay người ấy, có hàng trăm chàng trai làng Sen, làng Sẻ đã ra trận. Ở xóm 3 làng Sẻ, đã có hàng chục cựu chiến binh chống Pháp, chống Mỹ. Có rất nhiều người Nghĩa Đồng ra trận đã không về… Trong chiến tranh, người Nghĩa Đồng không chỉ lo “gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mà còn lo nơi ở ăn, lo đất sản xuất cho hàng ngàn bà con từ tuyến đầu Vĩnh Linh sơ tán. 
Lịch sử Nghĩa Đồng xa hơn nữa là chuyện hưởng ứng Chiếu Cần Vương chống Pháp của Vua Hàm Nghi từ 130 năm trước. Vua xuống chiếu, dân làng Sen, làng Sẻ đã hò nhau xây làng kháng chiến. Ví, giặm xưa kể rằng: ”Làng Sen ta đó…/ Đắp thành đắp lũy/Lũy trong lũy ngoài/ Chừa chỗ hỏa mai/ Cứ năm thước một/ Đã làm cho tốt/ Đừng tưởng công lênh/ Xây hai bức thành/ Cũng gần một tháng...”.
Thời chống Pháp,  bên dòng sông Con, ở làng Sẻ, dưới chân núi Vực Lồ, xã Nghĩa Đồng có một xưởng quân giới rất lớn gọi là “Xưởng Huỳnh Thúc Kháng” thành lập từ năm 1947, thời của Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn làm Tư lệnh Liên khu IV, xưởng chuyên sản xuất các loại vũ khí như móc-chê (súng cối) 60 ly, đạn móc-chê 60 ly, súng Bazoka, lựu đạn, mìn... để cung cấp cho Việt Minh trên địa bàn miền Trung, Thượng Lào và chi viện cho miền Nam. Xưởng quân giới đó đông tới 300 công nhân.  
Đình làng Sen ở Nghĩa Đồng  được Chính phủ công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa tháng 9/2003. Ở đình Sen này, năm 1930, tiếng trống Xô viết dậy vang. Người dân làng Sen, Sẻ bền gan chiến đấu. Năm 1931, giặc Pháp đã bắt và bắn 3 chiến sỹ cộng sản tại sân đình Sen. Mãi đến 15/3/1946, các anh mới được làm lễ truy điệu. Người Nghĩa Đồng còn giữ mãi bài Điếu văn truy điệu các anh năm xưa, tuy muộn màng nhưng xúc cảm đó tới tận bây giờ. ”Gạt đi nước mắt thương người chiến sỹ/ Vì đồng bào mà hiến cả tâm can/…/Ba tấc đất chôn vùi hào kiệt/ Giang sơn luống những ngậm ngùi thay…”.
Trụ sở xã Nghĩa Đồng
Trụ sở UBND xã Nghĩa Đồng
3. Lần nào về quê, buổi sáng nào tôi cũng thường ra chợ Sen dạo một vòng rồi mua mấy cái bánh gói về ăn sáng. Bánh gói Nghĩa Đồng bột mịn, nhân thịt, nhân đậu làm rất nhuyễn và có mộc nhĩ thái nhỏ rất thơm ngon, giá lại quá rẻ. Chỉ hai, ba ngàn một cái. Một cái là đủ điểm tâm sáng. Ăn hai cái thì quá no. Có lần tôi mua hết mẹt bánh gói của bà già bán ở chợ Sen mang vào Huế làm quà. Tôi đã đi chợ Sen 38 năm nay. Ngày xưa chợ họp giữa trời, quán xá lợp tranh lèo tèo, nửa buổi sáng đã tan chợ. Trời mưa, người bán mua nhếch nhác. Hơn 10 năm nay, chợ Sen đã có đình chợ xây khang trang, phân lô dành cho tiểu thương bán tạp hóa, vải vóc, quần áo…
Chợ còn có những dãy nhà bán thịt, cá, gà… Rồi  dãy bán bún, cháo, xôi… buổi sáng, người ăn đông nghẹt. Chỉ có hàng rau, củ quả và các dụng cụ đồ rèn nông nghiệp như liềm hái, lưỡi cuốc, xẻng, dao rựa… thì bán ở khu chợ ngoài trời, được sắp xếp ngăn nắp từng loại hàng một thành dãy. Tôi thấy chợ Sen bây giờ đã thành một trung tâm thương mại của cả khu vực, không riêng gì Nghĩa Đồng, mà bà con các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hợp, Nghĩa Bình, Nghĩa Dũng, Tân Phú… rồi cả Lạt, Thái Hòa cũng về đây buôn bán. Nhiều thứ hàng như cá trích, cá nục nướng ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu lên, mây tre mang từ Phủ Quỳ xuống, làm cho hàng hóa chợ thêm phong phú. Có một thứ thực phẩm mà vợ tôi, cũng như ông cậu ruột của vợ là Võ Công Giai ở Đồng Hới, hai người xa xứ bao giờ cũng nhớ, cũng thèm là cá trích, cá nục nướng chợ Sen.
Một lần về quê, cậu Giai đã U80 vẫn ra chợ Sen mua cá nướng về ăn “một bữa cho đã thèm, cho đỡ nhớ”. Cá nướng đã thành một đặc sản chợ Sen! Mẹ tôi kể ở vùng biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu có những lò nướng cá. Cá đánh về đang tươi họ nướng ngay để đưa lên miền Tây, nên rất thơm, rất ngọt. Tôi có đứa em tên Lộc, vợ của cậu ruột các cháu, sống ở Thái Hòa, sáng nào cũng về chợ Sen và các làng Sen, Sẻ, Sa Nam mua thóc, gạo, ngô, gà… lên Nghĩa Đàn bán. Gần trưa em chở hai bao tải nặng cả tạ ngô hoặc gạo trên cái xe 86 cà tàng lên Nghĩa Đàn. Hàng chục năm nay, bằng việc buôn bán “đường dài” như thế, em nuôi hai đứa con ăn học, rồi thành cán bộ Nhà nước. 
Từ ngày cầu Sen bắc qua sông Con thay cho phà, người buôn bán dưới xuôi về chợ Sen đông hơn. Một cái chợ xã mà có tới 30 sạp bán thịt lợn, thịt bò, 4 - 5 quầy ẩm thực. Cả dãy hơn chục người bán bánh xèo, bánh gói, bánh rán đủ loại. Chứng tỏ sức tiêu thụ ở chợ này rất lớn. Ăn theo chợ là xe tải, xe ca về Vinh, lên Thái Hóa, ra Hà Nội, rồi quán cắt tóc, cửa hàng bán ti vi,  quán nhậu, quán may đo, quán bán đồ tang, quán internet… Hàng trăm các biển  hiệu, biển quảng cáo mọc lên rất bắt mắt. Thương mại đã xâm nhập vào đời sống từng gia đình. Ai cũng suy nghĩ nuôi con gì, trồng cây gì, làm ra cái gì để bán, để lấy tiền mua gạo, mua thực phẩm. Nghĩa là tính toán “đầu vào”, “đầu ra” đã trở thành nếp sống của người dân Nghĩa Đồng. Ngã ba Sa Nam bây giờ đã thành phố, thành một thị tứ sầm uất, mua bán rộn ràng suốt ngày. 
***
Trong tập thơ Hương sen Nghĩa Đồng có hai bài thơ viết về chợ Sen: Chợ ngày xưa nói làm gì/ Chợ nay ngang dọc bạn đi không cùng (Chợ Sen - Nguyễn Khắc Bá); Vẫn hàng hóa tự ngày xưa/ Chè xanh ngồn ngộn, rau dưa chất chồng/ Mê o bán ruốc má hồng/ Phiên nào cũng có cậu trồng cây si…” (Chợ làng -  Phương Thanh). Người mới đến Nghĩa Đồng, chỉ cần đi chợ Sen một buổi cũng hiểu được sức sống mới của vùng đất này.
Một chiều thu, trong sân nhà mẹ vợ tôi, bà Vũ Thị Trọng, 86 tuổi đời, 65 tuổi đảng, Trần Văn Thắng gõ bát hát giặm, giọng vang lên ngọn cây: Ta về lại từ ngàn xưa /Tìm cội nguồn câu đò đưa ví, giặm /Ơi câu ca chắt từ chua mặn / Tự hai sương một nắng mà nên lời… Mẹ tôi cũng hát theo, giọng già ngắt quãng. Tôi nghe giọng bà hát mà tưởng như câu ví, giặm từ đất vọng lên, âm vang da diết…
Ngô Minh

tin mới

Khí thế mới trên quê hương Diễn Châu

Khí thế mới trên quê hương Diễn Châu

(Baonghean.vn) -Tháng 8, chúng tôi tìm về những vùng đất, di tích mang dấu ấn lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện Diễn Châu; chứng kiến khí thế chào mừng Lễ Quốc khánh 2/9/2023, hiểu thêm về mảnh đất giàu truyền thống yêu nước đang từng ngày thay da đổi thịt này...

Tết Độc lập về thăm Quê Bác

Tết Độc lập về thăm Quê Bác

(Baonghean.vn) - 78 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Khu Di tích Kim Liên đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trên bản đồ du lịch Nghệ An, đặc biệt trong ngày lễ Quốc khánh 2/9.

Thức quà quê 'ăn chơi' thành đặc sản ở Đô Lương

Thức quà quê 'ăn chơi' thành đặc sản ở Đô Lương

(Baonghean.vn) - Bánh gai Đông Sơn có từ lâu đời, trở thành đặc sản của người dân Đô Lương, thường được dùng vào các dịp ăn hỏi, lễ, Tết và làm quà biếu. Bắt đầu từ những năm 1980 của thế kỷ trước thì bánh gai Đông Sơn trở thành hàng hoá, được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh… 

Bản làng ngân vang điệu xuối, lăm

Bản làng ngân vang điệu xuối, lăm

(Baonghean.vn) - Mảnh đất Quỳ Châu được coi là một trong những cái nôi của văn hóa dân tộc Thái ở Nghệ An. Nơi đây có nhiều loại hình di sản văn hóa giàu bản sắc. Những năm gần đây việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên vùng đất Tây Bắc Nghệ An được quan tâm chú trọng.

Chị em bản Na mặn mà giữ nghề dệt thổ cẩm

Chị em bản Na mặn mà giữ nghề dệt thổ cẩm

(Baonghean.vn) - Nhiều sản phẩm thổ cẩm tinh xảo với sắc màu hấp dẫn, hoa văn đa dạng được chị em phụ nữ bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn dệt nên bằng đam mê làm "sống lại" nghề truyền thống của đồng bào Thái ở vùng biên Nghệ An. 

Tổ đổi công - mô hình giải bài toán thiếu lao động ở các xã miền núi Nghệ An

Tổ đổi công - mô hình giải bài toán thiếu lao động ở các xã miền núi Nghệ An

(Baonghean.vn) - Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, giải quyết bài toán thiếu lao động làm nông, các tổ đổi công được thành lập. Nhà này hỗ trợ nhà kia, xoay vòng vậy cho đến hết mùa, vừa tạo nét đẹp văn hóa trong lao động, vừa thắt chặt tình đoàn kết, tạo động lực thúc đẩy sản xuất…

Tự do trong tình yêu và hôn nhân ở người Mông

Tự do trong tình yêu và hôn nhân ở người Mông

(Baonghean.vn) - L.T.S: Liệu có phải lúc nào hôn nhân và tình yêu cũng phải song hành? Liệu có phải hôn nhân là nấm mồ chôn vùi tình yêu? Thực tế cho thấy ở người Mông, đôi khi có một sự tồn tại độc lập giữa khái niệm hôn nhân và tình yêu...

Cây quế Quỳ ở Quế Phong. Ảnh: Nhật Lân

Cây quế Quỳ cần được quan tâm bảo hộ chỉ dẫn địa lý

(Baonghean.vn) - “Nhất quế Quỳ, nhì quế Thanh”, từ ngàn năm trước, cùng với ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, trầm hương,... quế Quỳ là một sản vật được cung tiến, xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều nước. Vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản này cần được quan tâm.

Tiếp mạch nguồn truyền thống, bứt phá vươn lên

Tiếp mạch nguồn truyền thống, bứt phá vươn lên

(Baonghean.vn) - Với truyền thống Lộc Đa, Đức Thịnh – nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của phủ Hưng Nguyên, là nơi khởi đầu cho cuộc biểu tình Xô viết 1930-1931, mảnh đất mà mỗi địa danh đều thắm đỏ niềm tự hào cách mạng: Đền Trìa, nhà thờ họ Hoàng, nhà thờ họ Uông… 

Vui chuyện mới ở Thạch Ngàn...

Vui chuyện mới ở Thạch Ngàn...

(Baonghean.vn) - Xã Thạch Ngàn là nơi đón 80 hộ đồng bào Đan Lai về sinh sống tại các bản Thạch Sơn, Bá Hạ, đời sống hết sức khó khăn. Vài năm nay huyện Con Cuông đang đẩy mạnh Chương trình Ngân hàng bò giúp đỡ hộ nghèo, ở xã Thạch Ngàn có 10 hộ tham gia...

Nghề 'bế' gừng thuê ở Na Ngoi

Nghề 'bế' gừng thuê ở Na Ngoi

(Baonghean.vn) - Gừng là một trong những loại cây trồng chủ lực ở Na Ngoi (Kỳ Sơn). Trong mùa thu hoạch gừng, lao động trên địa bàn chủ yếu đi làm ăn xa, nhiều hộ đồng bào Mông đã thuê người Thái, Khơ Mú ở các địa bàn lân cận để "bế" (thồ - PV) gừng từ nương rẫy, vận chuyển về bãi tập kết.

 Khát vọng lan tỏa dân ca ví, giặm

Khát vọng lan tỏa dân ca ví, giặm

(Baonghean.vn) - Nằm trong số những nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh được Nhà nước vinh danh, Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân và Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Cẩm Vân luôn đau đáu, trăn trở với việc gìn giữ, phát huy giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Mây trắng

Ngắm mây trên bản biên giới Phà Chiếng

(Baonghean.vn) - Phà Chiếng là bản biên giới thuộc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Nơi đây đường đi hiểm trở, điều kiện sống của đồng bào gặp vô vàn khó khăn. Bù lại, thiên nhiên đã ban tặng cho bản Phà Chiếng cảnh sắc nên thơ, hữu tình, không khí mát lành, đặc biệt là có mây phủ quanh năm.

Phấn đấu xây dựng Anh Sơn phát triển nhanh và bền vững, khẳng định vị thế tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh

Phấn đấu xây dựng Anh Sơn phát triển nhanh và bền vững, khẳng định vị thế tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh

(Baonghean.vn) - Với điều kiện địa lý, thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú, đất Anh Sơn sớm đi vào thi phú của tiền nhân với những áng văn trác tuyệt; đây cũng là vùng “địa linh” dày dặn truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, góp một dấu son vào pho sử vàng đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Ngát hương sen tháng 5 trên quê hương Bác Hồ

Ngát hương sen tháng 5 trên quê hương Bác Hồ

(Baonghean.vn) - Mỗi dịp tháng 5 về, những hồ sen ở quê Bác, xã Kim Liên (Nam Đàn) lại nở hoa, tỏa hương thơm ngát. Hoa sen không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.
Một đời đắm say với tiếng sáo quê hương

Một đời đắm say với tiếng sáo quê hương

(Baonghean.vn) - Minh An không đến với sáo bằng sự tình cờ mà đó là sự lựa chọn của chính em từ thuở thiếu thời, là con đường bền bỉ, nhẫn nại dù gặp không ít gian khó. Em dành cho cây sáo nhỏ bé ấy cả tuổi xuân tươi đẹp nhất của mình, và ngược lại, sáo cũng hồi đáp em một sự nghiệp đáng tự hào.
Hướng tới Lễ hội Làng Sen cấp quốc gia

Hướng tới Lễ hội Làng Sen cấp quốc gia

(Baonghean.vn) - Hơn 40 năm qua, Lễ hội Làng Sen được tổ chức hàng năm là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của Nhân dân, là dịp để người dân cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu.
Câu chuyện nghề rèn ở Kim Liên (Nam Đàn)

Câu chuyện nghề rèn ở Kim Liên (Nam Đàn)

(Baonghean.vn) - Tuy không còn nhộn nhịp như trước, nhưng nghề rèn truyền thống ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn vẫn đang được duy trì, gìn giữ bởi những người thợ yêu nghề. Cùng với sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, họ đã tạo ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn xứ Nghệ

Lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, hàng chục trang báo và cả mạng xã hội phản ánh, chia sẻ khá nhiều về việc Hội đồng hương Nghệ An sẽ tổ chức đêm nhạc Mạch nguồn ví, giặm, vinh danh 5 nhạc sĩ tiêu biểu của quê hương.
Ai về chợ Ú Đại Sơn...

Ai về chợ Ú Đại Sơn...

(Baonghean.vn) - Chợ Ú (xã Đại Sơn, Đô Lương) không chỉ được biết đến là chợ trâu bò lớn nhất Đông Nam Á, mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng quê xứ Nghệ.