Syria qua cơn bĩ cực?

24/12/2016 06:46

(Baonghean) - Cuộc chiến dai dẳng xấp xỉ 6 năm trời ở Syria - nơi được ví như chảo lửa của Trung Đông vừa ghi nhận một bước ngoặt mới. Hôm 22/12, quân đội Syria tuyên bố đã hoàn toàn giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo sau khi đánh đuổi sạch bóng lực lượng nổi dậy.

Chiến thắng vang dội nhất nhiều năm qua đã về tay Tổng thống Bashar al-Assad, song mối lo về một “Aleppo thứ hai” lại đang lơ lửng…

Những chiếc xe buýt dừng đỗ tại khu vực al-Rashideen trong tay phe nổi dậy Syria hôm 21/12. Ảnh: Reuters.
Những chiếc xe buýt dừng đỗ tại khu vực al-Rashideen trong tay phe nổi dậy Syria hôm 21/12. Ảnh: Reuters.

Chiến thắng mang tính biểu tượng

Quân đội Syria khẳng định, họ đã mang “an toàn và an ninh trao trả cho Aleppo”, chính thức đặt dấu chấm hết 4 năm quân nổi dậy kháng cự ở thành phố miền Bắc nước này.

Không đơn thuần là chiến thắng thông thường, tái chiếm Aleppo còn là một bước ngoặt góp phần xoay chuyển cục diện, là thành quả quan trọng bậc nhất đối với ông Assad trong cuộc xung đột phức tạp đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300.000 người.

Dẫu vậy, khó khăn chưa hẳn đã kết thúc, cuộc chiến vẫn sẽ tiếp diễn ở nhiều khu vực rộng lớn khác của Syria, nơi vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của các băng nhóm nổi dậy và Hồi giáo cực đoan.

Với Tổng thống Syria, toàn thắng ở Aleppo là thành tích có được nhờ sự giúp đỡ từ phía các đồng minh. Thật vậy, không quân Nga đã tiến hành hàng trăm cuộc tấn công chĩa vào các khu vực mà quân nổi dậy chiếm giữ tại Aleppo.

Trong khi đó, lực lượng dân quân dưới sự hậu thuẫn của Iran, do nhóm Hezbollah của Liban dẫn đầu, đã rót hàng nghìn chiến binh vào hỗ trợ thành phố này.

Đêm khải hoàn, ở khu vực phía Tây thành Aleppo, nơi thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Syria trong suốt cuộc chiến, khắp nơi vang tiếng pháo hoa ăn mừng. Những bữa tiệc diễn ra trên đường phố, đám đông reo vui hát hò, nhảy nhót, vẫy cờ và ảnh của ông Assad, hô to những câu khẩu hiệu ca ngợi quân đội và Tổng thống.

Theo truyền hình Nhà nước Syria, nhóm nổi dậy cuối cùng cùng gia quyến bị dồn vào một khu đất nhỏ của Aleppo đã được sơ tán theo thỏa thuận mà theo đó, sẽ trao cho quân đội Syria và các đồng minh quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố.

Liên Hợp quốc ước tính, ít nhất 34.000 dân thường và cả các tay súng đã được đưa ra khỏi miền Đông Aleppo trong chiến dịch kéo dài suốt 1 tuần giữa tiết trời lạnh lẽo mùa đông.

Người dân Syria sơ tán khỏi thành phố Aleppo hôm 22/12. Ảnh: Reuters.
Người dân Syria sơ tán khỏi thành phố Aleppo hôm 22/12. Ảnh: Reuters.

“Aleppo thứ hai”

Trong khi hàng nghìn người tị nạn ùn ùn đổ về Idlib từ Aleppo, đâu đó lại dấy lên không ít nỗi lo sợ rằng thành phố vốn đang nằm trong tay quân nổi dậy ở phía Tây Bắc Syria rồi đây sẽ trở thành một Aleppo khác. Suy nghĩ này dường như càng trở nên có căn cứ hơn khi chính bản thân Assad cũng lên tiếng khẳng định rằng, cuộc chiến tại điểm nóng Trung Đông còn lâu mới đi đến hồi kết và các lực lượng vũ trang của ông sẽ tấn công vào những khu vực khác của phe nổi dậy.

Trong số những tiếng nói bày tỏ sự lo lắng có Đặc phái viên của Liên Hợp quốc Staffan de Mistura: “Nhiều người đã tới Idlib, về lý thuyết nơi đây có thể trở thành Aleppo kế tiếp”.

Vì sao lại là Idlib? Cần phải thấy rằng, từ điểm nhìn mang tính chiến lược, các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria xem Idlib là mục tiêu tiếp theo. Đây là một thành trì lớn của phe nổi dậy, giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ, đóng vai trò là một tuyến đường tiếp tế quan trọng.

Chiếm được quyền kiểm soát Idlib đồng nghĩa với bảo vệ được cao tốc Damascus-Aleppo, nơi mà phe nổi dậy bấy lâu nay xem là trục đường tiếp viện. Không những thế, đây còn là khu vực lân cận với Latakia, quê nhà của Tổng thống Syria Assad đồng thời là thành trì kiên cố của Chính phủ Syria.

Idlib còn giữ vai trò là bệ phóng để phe nổi dậy phát động tấn công nhằm vào Latakia, nơi đặt một số cơ sở và căn cứ có tầm quan trọng chiến lược đối với các hoạt động quân sự của Nga tại Syria, trong đó không thể quên nhắc tới Căn cứ không quân Khmeimim.

Hồi tháng 10, Moskva đã phê chuẩn hiệp ước với ông Assad, đưa căn cứ Khmeimim của Nga trở thành căn cứ không quân thường trú đầu tiên tại Trung Đông. Như vậy, rõ ràng Latakia là nơi để phát động tấn công đánh vào thành trì Idlib.

Tương tự, từ tỉnh láng giềng Aleppo, lực lượng thân Chính phủ Syria có thể khá dễ dàng nhắm vào Idlib. Điều này càng hợp lý khi đặt trong tương quan so sánh với việc điều động quân xuống phía Nam tới Palmyra, nơi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vừa chiếm lại hồi đầu tháng này. Hơn nữa, đây còn là nơi Mỹ đang tiến hành không kích chống IS.

Thành phố Idlib về đêm. Ảnh: Reuters.
Thành phố Idlib về đêm. Ảnh: Reuters.

Siết vòng vây

Với Latakia ở phía Tây, Aleppo ở phía Đông, và phần lớn tỉnh Hama ở phía Nam đã nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ Syria, có thể thấy được viễn cảnh các lực lượng thân Assad sẽ đủ khả năng đưa Idlib vào tầm ngắm của một cuộc tổng tấn công từ nhiều hướng.

Có ý kiến cho rằng, việc “dồn” quân nổi dậy về Idlib về bản chất là một chiến lược có chủ đích, hòng bao vây, dồn lực lượng này vào một địa điểm nhất định, từ đó dễ dàng triển khai tấn công hơn.

Mặt khác, không loại trừ tính toán rằng khi buộc các phe nhóm nổi dậy dị biệt về hệ tư tưởng và nhiều khía cạnh khác tập trung vào một chỗ là phương cách để châm ngòi mâu thuẫn giữa họ. Nếu thành công khơi mào cuộc chiến giữa chính các phe phái nổi dậy ở phía Đông Aleppo nay bị dồn về Idlib, Chính phủ Syria dường như lại bước thêm một bước tới gần chiến thắng.

Cái khó khi tấn công Idlib là không giống với Aleppo ở phía Đông và các khu vực lãnh thổ khác từng nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy, đây lại là nơi Chính phủ Syria không thể vây tứ phía (giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao Moskva-Ankara-Tehran ấm lên có thể sẽ đảm bảo rằng chí ít thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cản đường tấn công Idlib.

Lính Nga đứng gác gần một chiếc xe buýt sơ tán dân thường ở Aleppo. Ảnh Reuters.
Lính Nga đứng gác gần một chiếc xe buýt sơ tán dân thường ở Aleppo. Ảnh Reuters.

Đáng lo ngại là, không chỉ phe nổi dậy mà cả những dân thường vô tội cũng bị đưa tới Idlib, trong khi Jabhat Fatah al-Sham (tiền thân là Mặt trận Nusra) - nhóm nổi dậy hoạt động trên địa bàn đã bị liên minh do Mỹ đứng đầu cùng các lực lượng thân Chính phủ Syria liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Trong trường hợp dồn lực tấn công Idlib, dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố, chỉ sợ rằng ít ai màng đến an nguy của những số phận dân thường kia.

Đấy là chưa nói đến việc vài tuần nữa thôi, khi Tổng thống đắc cử Mỹ chính thức tuyên thệ nhậm chức, biết đâu mối quan hệ tốt đẹp giữa Trump-Putin sẽ là nền tảng để liên minh của Mỹ bắt tay với Nga và Chính phủ Syria cùng không kích các mục tiêu ở Trung Đông.

Và như vậy, khủng hoảng nhân đạo mà dân Syria đang đối diện chỉ tiềm ẩn nguy cơ tồi tệ hơn trong ngắn và trung hạn, “qua cơn bĩ cực” vẫn là giấc mơ ở thì tương lai đối với những mảnh đời khốn khổ này.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Syria qua cơn bĩ cực?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO