SLNA vẫn phải 'thân lo thân'

An Thanh 29/07/2020 11:50

(Baonghean.vn) - Không khó để biết 4 đội SLNA, Hải Phòng, Nam Định và Quảng Nam đề xuất dừng giải đấu vì những lo ngại về dịch Covid-19 đều đang nằm ở đáy BXH, thuộc nhóm “nguy cơ”. Khi đề xuất bị bác bỏ thì SLNA không còn cách nào khác phải tự lo lấy thân.

Đề xuất trao cúp vô địch cho đội đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Sài Gòn FC, đồng thời lịch sử V-League 2020 không có đội xuống hạng, thay vào đó có 2 đội từ V-League thăng hạng vào mùa tới, nâng tổng số đội lên 16 ở mùa giải 2021 đã bị bác bỏ. Đơn giản là tại V.League 4 đội thuộc nhóm “nguy cơ” chỉ là số ít, các đội còn lại đều hiểu nếu dừng giải đấu thì thiệt hại cho BTC và cho chính các CLB không hề nhỏ.

Chưa thể dừng đá

Chưa kể, nếu mùa sau có 16 đội đá V.League thì đã rất nhiều năm, chúng ta mới có cơ hội xóa "kim tự tháp ngược" các giải đấu do VFF tổ chức. Với thực tế công tác đào tạo trẻ như hiện nay, nếu V.League mùa sau có tới 16 đội tham gia thì chất lượng giải đấu sẽ bị giảm sút đáng kể. Ngoài ra, về cơ sở vật chất, người ta đã vừa chứng kiến tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trầy trật mãi mới có sân bãi tạm đủ điều kiện thi đấu.

Mặt khác, ngay cả Sài Gòn nếu được trao cúp vô địch như đề xuất thì đây vẫn là chức vô địch không trọn vẹn nhất trong 2 thập kỷ qua của bóng đá Việt Nam. Tất nhiên, theo chiều ngược lại sẽ không có đội xuống hạng và “cuộc đào tẩu ngoạn mục” này sẽ được sử sách ghi lại theo chiều hướng đàm tếu. Ngay cả Premier League, nhưng nhóm có nguy cơ xuống hạng cũng đã từng đề xuất như thế và UEFA khuyến cáo, chỉ khi nào bất khả kháng mới thực hiện phương án này.

Ngoại binh SLNA được đánh giá kém nhất V.League 2020. Ảnh VPF
Ngoại binh SLNA được đánh giá kém nhất V.League 2020. Ảnh VPF
Theo điều lệ giải, V.League 2020 còn 9 vòng đấu, nghĩa là quỹ thời gian cần độ 45-50 ngày để hoàn thành giải đấu. Chưa kể nếu AFF Cup dời vào sang năm tới thì mọi việc đều đơn giản hơn nhiều. Điều trở ngại duy nhất là vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á có bị thay đổi nữa hay không.

Diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang phát triển mạnh trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ lây lan khó lường ở vùng Đông Nam Á. Sân chơi này từng phải đổi lịch thi đấu từ tháng 6 đến tháng 9 sang tháng 10 đến tháng 11, trong đó Đội tuyển Việt Nam còn 3 trận cuối cùng đá sân khách Malaysia, tiếp Indonesia và tiếp tục làm khách UAE. Nếu dừng V.League thì ông Park chắc chắn gặp khó khăn trong việc tuyển chọn nhân sự cho đội tuyển khi các tuyển thủ không được thi đấu.

Thực ra, những đề xuất của 4 CLB không phải không có lý vì dừng giải đấu sẽ thiệt hại cho CLB, ngoài ra SLNA và vài đội bóng không có điều kiện tăng cường ngoại binh do Việt Nam đang cấm nhập cảnh. Nhưng điều này chưa đủ để thuyết phục số đông dừng cuộc chơi.

Vì nền bóng đá Việt

Nhưng rõ ràng, bóng đá là thuộc về công chúng, thuộc về xã hội nên quyết định dừng hay không của VFF ảnh hưởng rất nhiều đến dư luận xã hội. Dịch Covid-19 là khách quan nên rõ ràng VFF cần phải có nhiều kịch bản khác nhau để đối phó với tình hình này, tránh tình trạng “nhân Covid-19” để đưa ra các tính toán cục bộ. Là sân chơi chung, nên rõ ràng quyền lợi CLB không thể đặt trên uy tín, hình ảnh của một giải đấu mà đã nhiều thế hệ tạo dựng nên.

Đến giờ thì mọi vấn đề vẫn đang bỏ ngõ, nhưng 14 đội V.League đều nhận được thông điệp “Giải đấu chỉ dừng trong trường hợp bất khả kháng, hoặc khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không cho phép”. Một quyết định được cho là hợp tình, hợp lý của VFF tại thời điểm này và rất được dư luận ủng hộ.

Đội bóng xứ Nghệ khó thoát khỏi cảnh đi đá “chung kết ngược”. Ảnh VPF
Đội bóng xứ Nghệ khó thoát khỏi cảnh đi đá “chung kết ngược”. Ảnh VPF
Với SLNA, mặc dù mùa giải này chỉ có 1 đội rớt hạng nhưng phong độ 5 trận thua, 1 trận hòa, trong đó có những thất bại trước các đội đang nằm “chiếu dưới” đã thực sự gióng lên hồi chuông báo động. Nhìn lỗi trong những tình huống tham gia phòng ngự dẫn đến bàn thua đầu tiên hay cú đánh đầu mất phương hướng trong tình huống ngon ăn trên sân Cẩm Phả của tân binh Felipe Martins cho thấy nỗi lo đó của SLNA không phải không có cơ sở.

Mới nhất

x
SLNA vẫn phải 'thân lo thân'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO