Tại sao V- League chỉ là 'đất diễn' của ngoại binh
(Baonghean.vn) - Ngoại binh và chất lượng ngoại binh đang là vấn đề được nhiều người quan tâm khi V-League 1-2022 sắp tái diễn vào cuối tuần này. Nhận xét chung là mặt bằng ngoại binh ngày càng đi xuống so với yêu cầu nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong các đội bóng có vẻ đúng với thực tế ở những vòng đầu V-League 1-2022 và những giải đấu tập huấn, đấu bù hay đấu cup gần đây.
Khi bóng đá Việt hội nhập trở lại với khu vực và thế giới, việc các CLB được mua sắm, tuyển chọn ngoại binh theo yêu cầu và quy định của các giải đấu đã khiến cho chất lượng các trận đấu được nâng lên. Khi phải đối đầu với những cầu thủ có thể lực tốt, kỹ, chiến thuật hoàn hảo cũng buộc cầu thủ nội phải cố gắng hơn, tập trung hơn và trở thành những chuyên gia “bắt tây” nổi trội, chủ yếu là các trung vệ gần đây như Ngọc Hải, Đình Trọng, Hữu Tuấn...
Dần dà, những cầu thủ ngoại đáp ứng đủ điều kiện đã lần lượt nhập tịch, trở thành nội binh và những đội bóng nhà giàu thường áp đảo đội khác bằng việc cùng lúc cho ra sân “4 tây”, hiệp 1 phá sức, hiệp 2 ăn bàn kết liễu đối thủ là cách thường thấy. Ngoại binh lần đầu chơi V-League cũng thường ký hợp đồng 1 mùa bóng, để mở ra cơ hội mùa sau đến đội bóng mới có mức lương cao hơn…
SLNA cũng gặp khó về công tác ngoại binh. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Gần đây, dịch Covid-19 khiến cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngoại gặp khó nên các đội bóng dù có tiềm lực cũng không tìm ra người đúng với yêu cầu. Loanh quanh vẫn là những gương mặt đó, chỉ khác tên đội bóng mà thôi. Lynch ngày nào còn thử việc rồi đá dự bị ở SLNA đã nhanh chóng trở thành tiền đạo đáng gờm khi ra Hải Phòng, Quảng Ninh và giờ là T. Bình Định.
Olaha chung thủy nhất bởi gắn bó với đội bóng thành Vinh khá lâu, chuyển đi tìm kiếm cơ hội cao hơn nhưng rốt cuộc lại trở về với sân Vinh quen thuộc. Và rất nhiều gương mặt khác nữa nếu thi đấu thành công thì sẽ tiến dần về Hà Nội cùng Viettel hay Hà Nội FC, nếu sa sút thì tìm về các đội bóng yếu hơn, có khi phải trở lại nơi cũ phù hợp nhất như Gieovani hay Pedro ở Viettel hiện tại.
Ở trận đấu bù vòng 3 mới đây giữa Nam Định và Hà Nội FC, 2 ngoại binh là Marques và Siladi là những người lập công, còn những chân sút nội được kỳ vọng như Tuấn Hải, Xuân Tú… vẫn rất khó để làm nên chuyện.
Cúp tứ hùng trên sân Vinh, trận gặp Đông Á Thanh Hóa, chủ nhà SLNA ghi tới 6 bàn thắng thì riêng Olaha ghi tới 3 bàn, chưa kể trận mở màn gặp Đà Nẵng, ngoại binh này cũng lên tiếng. Các trận thắng giòn giã 5-1 và 5-2 của Viettel tại AFC cup 2022, các ngoại binh Gieovani và Pedro thực sự là cơn ác mộng đối với đội bóng trẻ nước bạn Lào và Singapore với một chân chuyền thượng thặng và một người dứt điểm lạnh lùng ở mọi tư thế, góc độ, thời điểm.
Trong khi đó, ngoại binh HAGL gần đây lại cho thấy nhiều… thảm họa hơn là hy vọng, từ hàng thủ tới hàng công và sự thay máu cần thiết chắc chắn sẽ diễn ra khi thị trường chuyển nhượng mở cửa vào cuối tháng 7 tới, không chỉ riêng đội bóng của bầu Đức…
Điều hay và chưa hay khi sử dụng ngoại binh ở V-League ngày càng thấy rõ, nhất là việc không có chỗ cho các ngôi sao trẻ và bóng đá Việt ngày càng khan hiếm những chân sút tài ba. Những cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng như Tiến Linh, Công Phượng, Văn Đức, Quang Hải… ngày càng gặp khó khi thường chơi xa cầu môn đối phương, ít có cơ hội hơn, nhiệm vụ phòng ngự nặng hơn. Ấy là chưa kể các CLB thường “khoán” trọng trách ghi bàn cho cầu thủ ngoại, chỉ việc đá bóng lên khu cấm địa cho cầu thủ ngoại phát huy sức càn lướt, tỳ đè và tự tìm kiếm cơ hội thì năng lực tác chiến ngày càng bị cùn mòn theo thời gian. V-League vì vậy chỉ là sàn diễn của ngoại binh, vua phá lưới mỗi giải đấu vẫn chỉ là niềm mơ của tiền đạo nội mà thôi.
Hai kỳ SEA Games liên tiếp ông Park Hang-seo đều phải “cậy” Tiến Linh ghi bàn, cậy Hùng Dũng trụ vững và phát động tấn công… vừa là niềm vui khi họ hoàn thành tốt nhiệm vụ như kỳ vọng, nhưng cũng là nỗi lo khi ngoại binh chiếm suất, chiếm thành tích trong hầu hết các trận đấu V-League khiến cho bóng đá Việt liên tiếp gặp khó khi muốn vươn tầm. Đây là điều không dễ để giải quyết nếu tình trạng phổ biến khi sử dụng ngoại binh nói trên vẫn tiếp diễn, khi chưa thực hành quy định về mỗi trận đấu phải có bao nhiêu cầu thủ trẻ tham gia chẳng hạn?