Tân Kỳ - một điểm nhấn du lịch của xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Với nhiều loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, cùng đó là tính cách con người hòa đồng, thân thiện, lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, Tân Kỳ là điểm đến không bỏ qua của du khách mỗi khi về xứ Nghệ.
KM số 0 tại thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An là di tích lịch sử của dân tộc Việt Nam, nơi khởi đầu của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Ảnh: P.V |
Nhiều tiềm năng du lịch
Những ngày này, người dân bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) hồ hởi chuẩn bị sửa soạn các điểm Homestay và tích cực dệt thổ cẩm để cho ra những sản phẩm đẹp nhất, phục vụ nhu cầu người dân trong vùng và khách du lịch.
Bà Vi Thị Đình ở bản Thái Minh, chủ một điểm Homestay cho hay, thời gian qua gia đình đã đón tiếp khá nhiều đoàn du lịch, nên đã quen với cách phục vụ khách từ các món ăn ẩm thực của đồng bào Thái và chốn nghỉ ngơi của khách.
“Dịch Covid - 19 được kiểm soát, du lịch đã được mở cửa trở lại, là cơ hội để người dân ở đây có thể mang lại những nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của địa phương giới thiệu cho du khách gần xa mỗi khi họ có dịp ghé qua mảnh đất Tiên Kỳ”, bà Vi Thị Đình chia sẻ.
Bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ có những điểm Homestay phục vụ du khách. Ảnh: Quang An |
Xã Tiên Kỳ là một trong những địa phương có nhiều điểm du lịch trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng những nét đẹp hoang sơ, kỳ vỹ. Đến đây, du khách có thể đến tham quan hang Mó, trải nghiệm dệt thổ cẩm và dịch vụ homestay của đồng bào Thái, tham gia lễ hội Bươn Xao hay đến thăm di tích đền thờ Nghĩa quân Lê Lợi…
Ông Trương Công Thạch – Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết: Trước thời điểm dịch bệnh, hàng nghìn du khách về với địa phương để tham quan, trải nghiệm các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Với niềm tự hào là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng du lịch về văn hóa lịch sử, thiên nhiên ban tặng, do vậy địa phương xác định du lịch là một trong những ngành mũi nhọn và sẽ chú trọng phát triển để tạo thương hiệu cho địa phương nói riêng và huyện Tân Kỳ nói chung. Với tấm lòng mến khách, sự nhiệt tình của người dân, chắc chắn khách du lịch sẽ hài lòng mỗi khi đến với vùng đất giàu truyền thống văn hóa này.
Du khách về với xã Tiên Kỳ có thể giao lưu, thưởng thức các đặc sản của người dân bản địa. Ảnh: Quang An |
Ông Hoàng Xuân Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tân Kỳ cho biết: Huyện Tân Kỳ có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch di tích lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch dựa vào cộng đồng. Đối với du lịch di tích lịch sử, điểm nhấn là Di tích Quốc gia đặc biệt Km0-đường Hồ Chí Minh; Khu di tích lịch sử thành Lê Lợi, đình Làng Dụng, đình Làng Sen, đền Song Đồng Ngọc Nữ… Đối với du lịch sinh thái, huyện có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú, hấp dẫn như: Hệ thống hang Mó ở Tiên Kỳ, thác Bồn ở Tân Hợp, cụm hang Thung Khiển, khe Xanh ở Nghĩa Phúc, Tân An; hệ thống hồ đập phong phú và dòng sông Con thơ mộng...
Tân Kỳ còn là điểm đến hấp dẫn du khách với các cộng đồng làng gắn với các giá trị bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như Lễ hội Bươn Xao gắn với làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Thái ở Tiên Kỳ; làng nghề đan võng gai của đồng bào Thổ ở xã Giai Xuân; Lễ hội đình Làng Dụng gắn với các tín ngưỡng thờ các vị thần Cao Sơn, Cao Các; các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ (múa cồng chiêng, hát dạ ời, các làn điệu đu đu điềng điềng, tập tình tập tang)...
Từ Khu di tích lịch sử thành Lê Lợi có thể nhìn thấy toàn cảnh vùng đất, đây là điểm được nghĩa quân xây thành lũy chống giặc Minh. Ảnh: Xuân Hoàng |
Theo thống kê của UBND huyện Tân Kỳ, giai đoạn 2017 – 2019, huyện đón tiếp khoảng 12.000 – 15.000 lượt khách/năm. Trong đó, lượt khách lưu trú chiếm khoảng 10-12% lượt khách tham quan hàng năm. Thu nhập liên quan đến du lịch đang chủ yếu từ việc kinh doanh ăn uống, các sản phẩm địa phương và lưu trú.
Đầu tư hạ tầng, nâng tầm du lịch
Mặc dù tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn một số bất cập. Đó là hệ thống giao thông chưa thực sự thuận lợi cho du khách đến với các điểm du lịch bằng xe cơ giới; tại các điểm du lịch chưa được đầu tư đúng mức. Vì vậy, để ngành du lịch huyện Tân Kỳ phát triển mạnh hơn, thu hút được khách du lịch về đây nhiều hơn nữa, huyện đã xác định là không ngừng nâng cấp hạ tầng và từng bước hoàn thiện tại các điểm du lịch.
Du khách tham quan hang Mó tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: P.V |
Tuy nhiên, để hiện thực hóa những mục tiêu trên, bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương có tiềm năng tiếp tục chú trọng vào xây dựng ngành du lịch thì hiện huyện Tân Kỳ cũng đã có kiến nghị lên UBND tỉnh xem xét tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường: Tỉnh lộ 534B, Quốc lộ 40E… Song song với đó, địa phương cũng mong muốn UBND tỉnh ban hành cơ chế quản lý và nguồn lực thực hiện công tác tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp Di tích Quốc gia đặc biệt Km0-đường Hồ Chí Minh… Sở Du lịch tăng cường hỗ trợ công tác giới thiệu, quảng bá về phát triển du lịch của huyện Tân Kỳ; phối hợp với UBND huyện trong việc giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm du lịch của huyện trên các sản phẩm quảng bá du lịch của tỉnh. Tại các hang động tự nhiên, các địa phương sở tại từng bước đầu tư đường vào, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trước cửa hang.
Để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tài nguyên du lịch, tận dụng các cơ hội thuận lợi sẵn có của địa phương, tạo bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch huyện nhà nói riêng trong tương lai, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống, UBND huyện Tân Kỳ ban hành “Đề án phát triển du lịch huyện Tân Kỳ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một trong những đề án quan trọng cần xây dựng để triển khai thực hiện nhiệm vụ đột phá mà Nghị quyết Đảng bộ huyện Tân Kỳ nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Thổ cẩm Tân Kỳ độc đáo, thu hút khách du lịch. Ảnh: Quang An |
Theo đó, Tân Kỳ đã đặt ra những mục tiêu cụ thể để phát triển ngành du lịch xứng tầm với tiềm năng.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện phấn đấu đón tổng lượt khách tham quan, lưu trú là 75.000 – 80.000 lượt, bình quân 15.000-16.000 lượt/năm (trong đó có 3% lượt khách quốc tế, 12-15% lượt khách lưu trú), phát triển 01 khách sạn đạt chuẩn 03 sao, ít nhất 03-05 homestay phục vụ lưu trú đạt chuẩn, tạo ra 100 - 150 việc làm, tạo doanh thu 5 - 7 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2025 - 2030 đón tổng lượt khách tham quan, lưu trú là 100.000 lượt; bình quân 20.000 lượt/năm, tạo doanh thu 7 - 10 tỷ đồng/năm.
Lễ hội Bươn Xao xã Tiên Kỳ thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm. Ảnh: P.V |
Hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Kỳ có 19 cơ sở lưu trú, trong đó gồm 4 khách sạn, 12 nhà trọ, nhà nghỉ và 02 nhà khách với tổng số 270 phòng, 390 giường, có hệ thống nhà sàn có thể cải tạo để tiếp khách (có 03 mô hình Homestay/tổng số 135 nhà sàn tại xã Tiên Kỳ). Toàn huyện có 63 cơ sở phục vụ ăn uống với các món ăn đặc sản địa phương đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách du lịch.