Tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân trên môi trường số

Trần Đăng Quang - Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông 08/11/2022 17:18

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số mạnh mẽ ở Việt Nam, bên cạnh hình thức tương tác trực tiếp vốn được sử dụng từ lâu, các địa phương đã và đang mở rộng các hình thức, phương tiện tương tác giữa chính quyền và người dân khác trên môi trường số, thông qua các nền tảng ứng dụng thông minh, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử (sau đây gọi là “Cổng TTĐT”) nhằm nâng cao tốc độ và hiệu quả của quá trình này.

Trên thực tế, 100% các địa phương đã xây dựng và vận hành các cổng TTĐT cấp tỉnh; tuy nhiên, chỉ có 50/63 địa phương triển khai ứng dụng thông minh để phục vụ việc cung cấp thông tin, đầu mối phản ánh kiến nghị cho người dân. Bên cạnh đó, hiệu quả mà các kênh giao tiếp này đem lại đối với quá trình tương tác giữa chính quyền và người dân còn nhiều hạn chế. Ví dụ, có đến 27/63 địa phương không có chuyên mục dành riêng cho công dân trên cổng TTĐT, điều này phần nào ảnh hưởng đến tính dễ tiếp cận của người dân khi tìm kiếm thông tin liên quan trực tiếp đến bản thân. Về ứng dụng thông minh, có tình trạng ứng dụng của một số địa phương đã ngừng cập nhật thông tin nhưng vẫn hiển thị trong danh sách kết quả tìm kiếm của các kho ứng dụng. Thậm chí, có ứng dụng còn trong tình trạng thử nghiệm hoặc lỗi hệ thống khiến người dân không sử dụng được. Việc tương tác kém hiệu quả trên có thể dẫn đến việc lãng phí nguồn lực và thông tin cung cấp đến người dân bị phân tán, rời rạc. Hơn nữa, khi người dân có nhu cầu cài đặt ứng dụng thông minh cũng dễ xảy ra tình trạng nhầm lẫn, không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An. Ảnh minh hoạ.

Với trường hợp của Nghệ An, mặc dù địa phương chưa triển khai ứng dụng thông minh phục vụ việc cung cấp thông tin, nhận và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, nhưng trong tháng vừa qua, địa phương đã bắt đầu triển khai ứng dụng dành cho doanh nghiệp. Đây có thể coi là một trong những nỗ lực của địa phương trong quá trình chuyển đổi số khu vực công, đưa chính quyền địa phương đến gần hơn và nhanh hơn tới các doanh nghiệp. Về cổng TTĐT, theo đánh giá ban đầu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), ưu điểm của địa phương là đã đăng tải tương đối đầy đủ các thông tin cần công khai đến người dân trên cổng TTĐT cấp tỉnh, cũng như mức độ tương tác trên kênh tương tác này tương đối đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, địa phương có thiết kế mục “Người dân” giúp nâng cao hiệu quả và trải nghiệm của người dân khi tiếp cận Cổng TTĐT của địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế mà địa phương có thể hoàn thiện trong thời gian tới. Cụ thể, theo đánh giá của Viện IPS, địa phương chưa công khai một số quy chế như quy chế cung cấp thông tin cho người dân, quy chế tiếp công dân, chỉ định và công khai đầu mối phụ trách tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin của địa phương trên cổng TTĐT. Ngoài ra, theo chỉ số đánh giá PAPI 2021 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện, điểm số đánh giá của Nghệ An về tiêu chí quản trị điện tử còn thấp, đạt 0.51/3.33 điểm. Trong đó, tiêu chí đánh giá về mức độ sử dụng cổng TTĐT để phục vụ các nhu cầu của người dân còn hạn chế. Như vậy, địa phương cần tiếp tục khuyến khích người dân nâng cao sử dụng các công cụ giao tiếp để nâng cao quá trình tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số để quá trình chuyển đổi số ở địa phương đem lại hiệu quả tích cực.

Để giải quyết vấn đề này, trong ngắn hạn, địa phương nên tiếp tục phát huy những điểm mạnh đã có, tiếp tục chuẩn hóa cổng TTĐT đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, hoạt động tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, cũng như tuyên truyền, phổ biến về sử dụng các công cụ tương tác đến với người dân vẫn cần được thực hiện để mỗi người dân dần dần hình thành thói quen sử dụng công cụ tương tác chính thống. Ngoài ra, địa phương có thể xem xét xây dựng ứng dụng của địa phương phục vụ trực tiếp cho người dân với mục đích công khai thông tin, tiếp nhận và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân.

Ứng dụng Hue-S của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Một ví dụ điển hình cho trường hợp địa phương có xây dựng và triển khai ứng dụng thông minh và đem lại hiệu quả tích cực là tỉnh Thừa Thiên Huế với ứng dụng Hue-S. Ứng dụng này đã chính thức hoạt động từ năm 2019, trước giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 gần 1 năm. Bởi vậy, khi đại dịch bùng phát, địa phương đã tích hợp 17 chức năng phòng, chống dịch như khai báo y tế trực tuyến, thông báo, cảnh báo các ca nhiễm, đăng ký lưu trú, theo dõi lịch trình cá nhân,… Cho đến nay, ứng dụng vẫn được người dân sử dụng thường xuyên để cập nhật tin tức về chính sách của địa phương, trực tiếp gửi phản ánh kiến nghị đến cơ quan chức năng có thẩm quyền; đặc biệt là có chức năng theo dõi camera trực tuyến tại các khu vực trọng điểm của thành phố./.

Mới nhất
x
Tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân trên môi trường số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO