Tăng viện phí và nguy cơ 'vỡ' quỹ Bảo hiểm y tế
(Baonghean) - Theo lộ trình, từ cuối tháng 8/2016 đến cuối năm 2017, việc đưa lương nhân viên y tế vào giá viện phí sẽ được thực hiện tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và dự kiến chia thành 5 đợt.
Đợt đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 8/2016 tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%. Đợt 2 được thực hiện tháng 10/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp. Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85% dân số. Đợt 4 thực hiện vào tháng 12/2016 ở các tỉnh có tỷ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 vào tháng 1/2017 tại các tỉnh còn lại. Như vậy, với hơn 80,3% dân số tham gia BHYT, Nghệ An sẽ thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ tháng 12/2016.
Ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH Nghệ An cho biết: Về cơ bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn. Như các đối tượng đồng bào dân tộc, người sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi... khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí thay vì thanh toán 95%, đồng chi trả 5% như trước đây. Người cận nghèo cũng được giảm đồng chi trả từ 20% trước năm 2015 xuống còn 5% từ năm 2015.
Khám, chữa bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. |
Đối với khoảng 24% dân số cả nước chưa tham gia BHYT, trong giai đoạn đầu sẽ chưa phải chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo lộ trình giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ áp dụng cho người không có thẻ BHYT, do đó, để không phải nặng gánh chi trả thêm, giảm chi từ tiền túi khi thực hiện khám, chữa bệnh, người dân nên tích cực tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, việc tăng giá dịch vụ y tế thống nhất trên toàn quốc sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển các kỹ thuật y tế mà trước đây do mức thu thấp nên không có kinh phí để triển khai, giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Khi đã tính cả tiền lương, tiền phụ cấp vào giá dịch vụ y tế, phần ngân sách Nhà nước trước vẫn cấp cho các cơ sở y tế để trả lương, trả chi phí thường xuyên... sẽ được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, trong đó chú ý đến các nhóm người yếu thế trong xã hội. Mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật sẽ thống nhất tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh cùng hạng trên cả nước, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả cơ sở khám, chữa bệnh, không phân biệt vùng miền.
Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, nhất là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu, bảo dưỡng... từng bước được kết cấu vào giá dịch vụ y tế theo lộ trình và được Quỹ BHYT chi trả. Do đó, người bệnh sẽ không bị thu thêm những chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế.
Tuy vậy, việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ kéo phát sinh thêm những khoản chi tương ứng từ quỹ BHYT. Minh chứng là từ ngày 1/3, hơn 1.700 dịch vụ y tế tăng giá đã kéo theo việc tăng chi từ quỹ BHYT. Qua 6 tháng đầu năm 2016, tổng chi phí khám, chữa bệnh đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng hơn 8.500 tỷ đồng. Có tới 37/63 tỉnh, thành chi vượt quỹ khám, chữa bệnh được giao, trong đó riêng Nghệ An vượt hơn 344 tỷ đồng. Việc tăng giá dịch vụ y tế được xem là nguyên nhân làm tăng những dịch vụ kỹ thuật không cần thiết. Chẳng hạn, trước đây một ngày bệnh viện chỉ định 30% người bệnh đến khám làm siêu âm thì nay con số đó có thể tăng lên 50% để tăng nguồn thu cho bệnh viện.
Do vậy, để tránh nguy cơ “vỡ” quỹ BHYT trên toàn quốc, cơ quan BHXH phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám định. Về phía ngành Y tế, cần ban hành quy chuẩn KCB, chẳng hạn, quy định cao nhất số lượt khám mỗi ngày đối với một bàn khám, số lượt siêu âm đối với một máy siêu âm, tình trạng bệnh để được điều trị nội trú... nhằm vừa tăng chất lượng khám, vừa thuận lợi cho cơ quan bảo hiểm khi thanh toán. Bên cạnh đó, mỗi người dân phải có ý thức tham gia BHYT đầy đủ, đúng quy định, biết cách tự phòng bệnh, đi khám bệnh, sử dụng dịch vụ y tế khi cần thiết...
Đề xuất mới đây của Bộ Y tế về tăng mức đóng BHYT nhằm tránh nguy cơ thâm hụt quỹ BHYT trong vài năm tới: Phương án 1: Điều chỉnh tăng mức đóng BHYT thêm 0,3% lương cơ sở/năm. Theo đó lộ trình tăng mức đóng dự kiến năm 2019 là 4,8% lương cơ sở; năm 2020 là 5,1%; 2022 là 5,4%; 2023 là 5,7%; 2024 là 6%. Phương án 2: Điều chỉnh tăng với mức 0,5% lương cơ sở/năm. Theo đó, dự kiến mức đóng BHYT năm 2019 là 5% lương; năm 2020 là 5,5% và năm 2021 là 6%. Hiện mức đóng BHYT là 4,5% lương cơ sở. |
Mai Anh (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN