Tạo đột phá trong nông nghiệp ở huyện Anh Sơn
(Baonghean.vn) - Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
P.V: Mặc dù sản xuất nông nghiệp nói chung gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... nhưng lĩnh vực nông nghiệp ở huyện Anh Sơn vẫn đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật?.
Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng: Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành và vận dụng các chính sách hỗ trợ, đầu tư phù hợp trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng sự nỗ lực vươn lên của nông dân huyện nhà, ngành Nông nghiệp huyện Anh Sơn đã đạt được kết quả nổi bật, tốc độ tăng trưởng luôn đạt khá cao (4-5%/năm), nhờ vậy, quy mô sản xuất nông nghiệp tăng liên tục, giá trị sản xuất trong lĩnh vực này tiếp tục tăng, năm 2015 đạt 1.087 tỷ đồng, năm 2020 đạt 1.529 tỷ đồng và năm 2021 ước đạt 1.638 tỷ đồng; cơ cấu trong nội ngành Nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chăn nuôi tăng nhanh và theo hướng sản xuất hàng hóa (tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 35% năm 2015 lên 44% năm 2020).
Lãnh đạo huyện Anh Sơn thăm mô hình trồng chè chất lượng cao ở xã Hùng Sơn. Ảnh tư liệu Hoàng Vĩnh. |
Phát triển chăn nuôi đã theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, hợp tác liên kết với đầu ra sản phẩm; chủ động nguồn giống tại chỗ. Nuôi trồng thủy sản đã đa dạng phương thức, phù hợp với mặt nước, giá trị tăng thêm bình quân hàng năm về thủy sản đạt 6,1%.
Mô hình sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP tại Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Anh Sơn. Ảnh tư liệu Hoàng Vĩnh |
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thực hiện tốt, nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất VAC có giá trị kinh tế cao.
P.V: Mục tiêu của Anh Sơn là phát triển bền vững nông nghiệp trên cơ sở tăng giá trị sản xuất, nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Huyện sẽ thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu đó, thưa đồng chí?.
Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng: Trong định hướng phát triển ngành Nông nghiệp của huyện đã xác định rõ: Phải kết hợp đa dạng hóa với chuyên canh cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; hướng sản xuất gắn với chế biến nông sản; quan tâm thị trường đầu ra sản phẩm thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm; tìm đầu ra sản phẩm; tiêu chuẩn hóa sản phẩm; hợp tác liên kết chuỗi giá trị...
Lãnh đạo huyện Anh Sơn kiểm tra dự án chế biến đường gluco của Công ty CP Á châu Hoa Sơn. Ảnh tư liệu Hoàng Vĩnh |
Cùng với đó, huyện tiếp tục tập trung thực hiện “Dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất”, để thuận lợi ứng dụng khoa học, công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí đầu tư và tăng giá trị thu nhập trong nông nghiệp. Quan tâm phát triển hạ tầng một số vùng còn khó khăn; đào tạo nhân lực ngành Nông nghiệp, tăng cường tập huấn, chuyển giao KHKT, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Vận dụng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, các nguồn lực để phát triển sản xuất nông nghiệp và tiếp tục thu hút đầu tư mới để tạo ra những đột phá trong ngành Nông nghiệp.
Nhờ thực hiện tốt việc “Dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất”, để thuận lợi ứng dụng khoa học, công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Để thực hiện định hướng trên, huyện đang tập trung chỉ đạo việc thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 – 2025, như: Đề án Dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển cây chè, mía, sắn giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát và có giải pháp mở rộng phát triển trồng rừng gỗ lớn, nâng cao hiệu quả cây lâm nghiệp. Rà soát xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2022.
Đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn phát triển sản phẩm có lợi thế địa phương đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình OCOP năm 2021. Phát triển kinh tế tập thể, trong đó, nâng cao chất lượng hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp, Tổ hợp tác, liên kết, hội quán nông dân... nhằm đảm bảo thông suốt dòng chảy kết nối cung - cầu. Mở rộng sản xuất lương thực, thực phẩm đặc biệt là trong bối cảnh con em đi làm ăn xa trở về địa phương nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Trang trại trồng chè chất lượng cao ở Anh Sơn. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Để ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo định hướng, nhiệm vụ như trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Anh Sơn xác định thường xuyên tăng cường lãnh đạo chính quyền, Ủy ban MTTQ, đoàn thể và hệ thống chính trị cấp huyện cùng cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Anh Sơn, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với lĩnh vực nông nghiệp.