Tạo nguồn cán bộ nữ ở Kỳ Sơn

14/06/2017 06:35

(Baonghean) - Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ, trong đó có nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra, những năm qua, Huyện ủy Kỳ Sơn đã chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ và bố trí giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở.

Chú trọng tạo nguồn từ cơ sở

Phó Bí thư trực đảng xã Nậm Cắn Hờ Y Nhìa, sinh năm 1985, vốn là cán bộ nữ người Mông trưởng thành từ cơ sở. Việc Y Nhìa từ vị trí Chủ tịch Hội LHPN xã được tín nhiệm bầu vào chức danh Phó Bí thư trực Đảng ủy xã, đồng thời là Ủy viên BCH Đảng bộ huyện Kỳ Sơn, không chỉ thể hiện bước đột phá trong công tác cán bộ ở xã vùng cao Nậm Cắn mà còn là bước chuyển trong nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị thế của phụ nữ vùng cao trong thời kỳ mới.

Điều này cũng minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của Y Nhìa, bởi truyền thống của phụ nữ Mông xưa nay rất ít khi tham gia các hoạt động xã hội, chỉ quanh quẩn từ chái bếp lên nương rẫy. Ở vùng đất còn nhiều khó khăn như Nậm Cắn, trường hợp như Y Nhìa không nhiều; vì vậy, chị trở thành niềm tự hào đối với phụ nữ người Mông nơi đây và bản thân chị cũng đã giúp đỡ chị em đồng bào Mông tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương và đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện nay, Đảng bộ xã Nậm Cắn có 9 đảng viên nữ người Mông, trong đó có 5 người là cán bộ.

Hội LHPN cụm bản Noọng Hét Tấy (Lào) ký kết với Hội LHPN xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Duy Thành
Hội LHPN cụm bản Noọng Hét Tấy (Lào) ký kết với Hội LHPN xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Duy Thành

Ở xã Mỹ Lý, chị Lương Thị Hoa, sinh năm 1985, là một trong những cán bộ nữ trẻ của xã. Tham gia hoạt động đoàn thể khá sớm, trước khi là Chủ tịch Hội Phụ nữ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, chị đã có 2 nhiệm kỳ là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

Chị Hoa chia sẻ: “Việc tham gia các hoạt động đoàn thể không chỉ giúp bản tôi hiểu biết thêm được nhiều điều trong cuộc sống mà còn tự tin khẳng định vai trò của mình trong cộng đồng”.

Ngoài tham gia hoạt động tại địa phương, chị Hoa còn phấn đấu học xong Đại học Luật và hoàn thành lớp trung cấp chính trị. Chia sẻ về những thuận lợi trong công tác, chị Hoa cho biết đó chính là sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của người thân trong gia đình, sự tín nhiệm của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số yếu tố gây khó khăn cho cán bộ nữ vùng cao khi tham gia hoạt động trong hệ thống chính trị như địa bàn rộng đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, dân cư sống rải rác.

Bên cạnh đó, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức người dân còn hạn chế, một số nơi vẫn còn nặng tâm lý trọng nam khinh nữ, tác động không nhỏ đến công tác cán bộ nữ.

Ông Lô Văn Liệu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết: Hiện nay, đội ngũ cán bộ nữ xã Mỹ Lý đa phần có tuổi đời cón khá trẻ, ngoài chị Lương Thị Hoa còn có chị Vi Thị Hồng, cán bộ văn hóa, sinh năm 1985; chị Vi Thị Khăm Lý sinh năm 1984, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ; chị Y Ài, sinh năm 1988, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã…

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ nữ chịu khó, luôn tận tâm, tận lực với công việc được giao, có ý thức khắc phục khó khăn,vươn lên khẳng định mình. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bố trí đúng năng lực, sở trường

Là một huyện vùng cao, biên giới với nhiều thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế, xã hội còn khó khăn về nhiều mặt, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn xác định công tác cán bộ chính là “chìa khóa” để xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững trong đó có vai trò, trách nhiệm của các đồng chí đảng viên, cấp uỷ viên là nữ và là người dân tộc thiểu số.

Để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị ở cơ sở, những năm qua, công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên nữ trong đó có nữ người dân tộc thiểu số cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn quan tâm chăm lo. Hiện, trên địa bàn có 463 cán bộ nữ là đảng viên, trong đó đảng viên nữ người Mông là 45 đồng chí.

Tiết mục văn nghệ của Hội LHPN xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Duy Thành
Tiết mục văn nghệ của Hội LHPN xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Duy Thành

Mới đây, thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ tỉnh gắn với Đề án vị trí việc làm, nhằm giúp đội ngũ cán bộ tránh sức ỳ và phát huy hiệu quả cao hơn trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao, Huyện ủy Kỳ Sơn đã điều động, bổ nhiệm 6 cán bộ trong đó có 2 cán bộ nữ (đồng chí Xã Thị Xí - Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Bí thư Huyện đoàn được điều động giữ chức vụ Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy; đồng chí Phan Thị Hà – Chuyên viên Ban Tổ chức được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy).

Song song với bổ nhiệm, điều động, Kỳ Sơn cũng mạnh dạn thực hiện luân chuyển, kiện toàn 17 vị trí trong đội ngũ cán bộ công chức Huyện ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể trên cơ sở đánh giá khả năng tiếp cận công việc, năng lực chuyên môn, bằng cấp, sở trường, năng khiếu của từng cán bộ và yêu cầu công việc đặt ra… trong đó có 9 cán bộ nữ.

Đặc biệt có cả cán bộ cấp xã được xét tuyển lên huyện là cô Nguyễn Thị Đông - Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường Mầm non Nậm Cắn vào vị trí Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy.

Theo đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, việc sắp xếp lại vị trí việc làm cán bộ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong đó có cán bộ nữ từ huyện đến cơ sở, quan trọng nhất là để bố trí đúng người, đúng việc, đúng sở trường của cán bộ đáp ứng được công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Riêng đối với cán bộ nữ việc điều động, luân chuyển cũng là nhằm tạo điều kiện cho cán bộ được đào tạo một cách toàn diện, được rèn luyện, thử thách, trau dồi trong những môi trường thực tiễn khác nhau nhằm phục vụ tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, trong 37 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thì có 9 đồng chí là nữ, chiếm tỷ lệ 24%, trong đó Thường vụ Huyện ủy có 2/10 đồng chí là chị Cụt Thị Nguyệt - Trưởng ban Tổ chức huyện ủy; chị Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện. Các đồng chí nữ trong quy hoạch Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về chuyên môn đều có trình độ đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

Riêng đối với cấp xã, một số cán bộ nữ người dân tộc thiểu số cũng đã được cấp ủy, chính quyền tin tưởng và mạnh dạn đưa vào những vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó có 4 đồng chí làm Phó Bí thư trực Đảng là Hờ Y Nhìa (xã Nậm Cắn), Pịt Thị Hà (xã Na Loi), Lê Na (xã Hữu Kiệm), Cụt Thị Khánh (xã Bảo Khánh); 3 đồng chí là Phó Chủ tịch HĐND xã là Vừ Y Ca (xã Đoọc Mạy), Lô Thị Hải (xã Hữu Lập), La Thị Huyền (xã Hữu Kiệm).

Đặc biệt, có 1 đồng chí được giao nắm giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Phà Đánh là chị Vi Thị Thanh và 1 đồng chí giữ cương vị Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Xén là chị Lô Thị Khuyên.

“Tuy nhiên, trước thực tế tỷ lệ nữ là cán bộ ở địa phương nhìn chung còn thấp, trình độ, năng lực chưa đồng đều, ngoài việc tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia các lớp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, huyện Kỳ Sơn chủ trương bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý nhà nước, chuyên ngành quản lý, lĩnh vực công tác và chức danh quy hoạch để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, mạnh dạn phát hiện nhân tố mới để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cho cơ sở” - Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn nhấn mạnh.

Gia Khánh

TIN LIÊN QUAN

Tạo nguồn cán bộ nữ ở Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO