Tên lửa siêu thanh Avangard - Lời cảnh báo tới Mỹ sau màn phô diễn vũ khí của Nga
(Baonghean) - Hàng loạt những thông số kỹ thuật vượt trội của tên lửa siêu thanh Avangard vừa được Nga giới thiệu cho các thanh sát viên vũ khí của Mỹ trong chuyến làm việc 3 ngày tại Nga. Việc Nga công bố những thông tin thuộc diện “bí mật chưa từng tiết lộ” của Nga không đơn giản là sự phô diễn sức mạnh với đối thủ, mà còn được nhìn nhận như một “chiêu bài” gây sức ép để Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn Hiệp ước START -3 - hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược giữa hai bên sẽ hết hạn vào năm 2021.
“Giễu võ giương oai”
Tên lửa mà Nga giới thiệu với nhóm thanh sát viên vũ khí của Mỹ là loại tên lửa siêu thanh mới nhất Avangard từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập đến lần đầu tiên hồi tháng 3 năm ngoái, cùng với những loại vũ khí chiến lược mới của Nga gồm hành trình tên lửa hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa, vũ khí laser và tàu ngầm không người lái. Tên lửa này đã được Nga thử nghiệm thành công khi tấn công trúng mục tiêu giả định cách địa điểm phóng 6.000 km từ bãi thử Dombarovsky tại miền nam nước Nga tới bãi thử ở Kura trên bán đảo Kamchatka. Phía Nga còn nhấn mạnh tốc độ của tên lửa Avangard có thể đạt tới 30.000 km/giờ, nghĩa là nhanh gấp 27 lần tốc độ âm thanh. Nga khẳng định rằng, với tốc độ này, Avangard có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào cả ở hiện tại và tương lai. Kể cả Mỹ hiện cũng chưa có hệ thống phòng thủ để chống lại vũ khí siêu thanh và các nước sẽ cần ít nhất 5 năm để bắt kịp Nga trong lĩnh vực này.
Ảnh: Moscow Times |
Phía Nga tuyên bố việc giới thiệu tên lửa mới nhất cho các thanh sát viên Mỹ là nhằm duy trì Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (viết tắt là START-3) được hai vị cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Barack Obama ký kết hồi năm 2010 và có hiệu lực từ năm 2011. Hiệp ước này đóng vai trò tiếp tục cắt giảm và hạn chế toàn bộ phạm vi vũ khí tấn công chiến lược, bao gồm các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền, trên biển và trên không.
Theo quy định của Hiệp ước, để giám sát lẫn nhau, các đoàn thanh sát của hai bên có thể được kiểm tra phần lõi của một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nhưng theo giới phân tích, ngoài việc tuân thủ nghĩa vụ của hiệp ước, việc Nga thoải mái công bố chi tiết các thông số kỹ thuật của tên lửa siêu thanh Avangard với thanh sát Mỹ còn nhằm chứng tỏ rằng các chỉ số kinh tế không ảnh hưởng tới khả năng của Nga trong phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có vũ khí chiến lược. Ngoài ra, đây còn là sự khẳng định về việc Nga đã đạt được mục tiêu rất lớn trong chương trình phát triển vũ khí, không chỉ tập trung vào hiện đại hóa tiềm lực tấn công mà còn vượt qua được các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh.
Các nhà lãnh đạo Nga theo dõi vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh Avangard qua màn hình. Ảnh: Sputnik |
Thông điệp lớn nhất mà Nga muốn gửi tới Mỹ là hãy nhanh chóng xem xét việc gia hạn Hiệp ước START-3 - điều mà Mỹ vẫn từ chối đưa ra tuyên bố chính thức dù Nga nhiều lần kêu gọi. Nga hiện đang cố gắng gây sức ép với Mỹ bằng quan điểm rằng, một khi START-3 sụp đổ, Nga mới là nước ít bị ảnh hưởng khi chiếm ưu thế trước Mỹ trong lĩnh vực vũ khí chiến lược với những vũ khí tối tân và hoàn toàn độc quyền.
Người sốt sắng - Kẻ hững hờ
Đây không phải lần đầu tiên Nga thể hiện mong muốn gia hạn Hiệp ước START-3 - một cách trực tiếp hay gián tiếp. Theo quy định, START-3 sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 và có thể kéo dài thêm 5 năm nữa nếu hai bên tham gia hiệp ước đồng thuận. Trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Nga đang rất lo ngại kịch bản tương tự sẽ xảy ra với START-3.
Không phải tự nhiên Nga lại sốt sắng duy trì Hiệp ước START-3 với Mỹ đến thế. Dù Nga vẫn luôn thể hiện với thế giới rằng các chỉ số kinh tế không ảnh hưởng tới khả năng phát triển vũ khí chiến lược mới, nhưng trên thực tế, bất cứ cuộc chạy đua vũ khí nào cũng đòi hỏi một tiềm lực kinh tế đủ mạnh - điều chắc chắn không phải ưu thế của Nga khi đặt cạnh nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ. Vì thế, việc cùng với Mỹ duy trì các cơ chế kiểm soát vũ khí trong dài hạn sẽ giúp Nga thúc đẩy sự ổn định chiến lược trong nước, tập trung ưu tiên cho các đồng minh ở Trung Đông như Syria, Iran.
Nga - Mỹ có nhiều tính toán khác nhau đối với Hiệp ước START-3. Ảnh: CNN |
Bên cạnh đó, việc kêu gọi duy trì các hiệp ước kiểm soát với Mỹ còn là cách để Tổng thống Nga Vladimir Putin xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo vì hòa bình thế giới, khẳng định vị thế Nga không chỉ là một cường quốc về quân đội mà còn là một cường quốc về ngoại giao. Khi kêu gọi Mỹ gia hạn START-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sự từ chối của Mỹ sẽ mang lại nhiều hiểm họa và bất ổn cho an ninh thế giới.
Trái với sự sốt sắng của Nga, Mỹ cũng có lý do khi đến giờ phút này vẫn còn hờ hững với việc gia hạn START-3.
Theo quan điểm của Mỹ, Hiệp ước này là một thiếu sót lớn khi không bao phủ tất cả các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn của Nga. Mỹ không bác bỏ việc ký kết một hiệp ước vũ khí mới với Nga, nhưng luôn nhấn mạnh đó phải là một hiệp ước tốt hơn với toàn bộ các loại vũ khí chiến lược của Nga phải được đưa vào thỏa thuận.
Tuy nhiên, khi từ chối gia hạn Hiệp ước START-3 với Nga và đề xuất ký kết một hiệp ước mới, Mỹ còn đang nhằm tới một nhân tố khác là Trung Quốc. Mỹ lo ngại rằng trong khi cả Nga và Mỹ đang ra sức kiềm chế sức mạnh lẫn nhau thì kho vũ khí của Trung Quốc đang lớn mạnh không ngừng. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tỏ ra không hài lòng về việc “Nga và Mỹ đang cố gắng tích trữ thêm những loại vũ khí không còn cần đến, trong khi Trung Quốc đang dần bắt kịp cả hai.” Chính vì thế, dù Moscow đã nhiều lần đưa ra các đề nghị nhằm gia hạn thỏa thuận với Mỹ nhưng vẫn không nhận được câu trả lời nào từ phía Washington và luôn né tránh thảo luận những vấn đề cụ thể.
Mỹ lo ngại rằng trong khi cả Nga và Mỹ đang ra sức kiềm chế sức mạnh lẫn nhau thì kho vũ khí của Trung Quốc đang lớn mạnh không ngừng. Trong ảnh: Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc trong lễ duyệt binh ngày 1/10/2019. Ảnh: Politpulzzle |
Dù Nga và Mỹ đều có những tính toán chiến lược đối với việc gia hạn START-3, nhưng có một thực tế rằng khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã sụp đổ, việc duy trì START-3 thực sự có ý nghĩa không chỉ với Nga, Mỹ mà còn với an ninh thế giới. Giới phân tích cho rằng, việc gia hạn START-3 rõ ràng là bước đi hợp lý để duy trì trụ cột duy nhất còn lại nhằm ngăn không cho bối cảnh chiến lược trở nên tồi tệ, kích hoạt những cuộc chạy đua vũ khí không có hồi kết trong lĩnh vực tên lửa - hạt nhân trên thế giới.