Thảo luận tại hội trường: Đại biểu phản ánh nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
(Baonghean.vn) - Sáng 19/12, bước sang ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.
Tham dự kỳ họp có các đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành, thị xã và các đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021. |
77 lượt ý kiến thảo luận tổ
Bước vào phiên làm việc, Thư ký kỳ họp, ông Phạm Văn Hóa - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến tại phiên thảo luận tổ diễn ra chiều ngày 18/12.
Theo đó, có 77 lượt ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh thảo luận đánh giá tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2017, nhiệm vụ năm 2018; nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra tồn tại, bức xúc; dự thảo các nghị quyết trình kỳ họp.
Vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn về 3 chỉ tiêu quan trọng, như tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đạt được năm 2017 so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020 đang còn quá thấp. Bởi vậy, đại biểu HĐND tỉnh đề nghị cần UBND tỉnh cần có biện pháp, giải pháp để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Các đại biểu tham gia kỳ họp. Ảnh: Đức Anh |
Vấn đề được đại biểu quan tâm về xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp và ban hành chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, đại biểu HĐND tỉnh cũng đề nghị tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ để hợp tác xã phát triển vững chắc; có cơ chế tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ rừng trong công tác phòng, chống cháy rừng. Theo đại biểu HĐND tỉnh, chính sách giao quản lý, bảo vệ rừng không chỉ cho hộ nghèo (vì có một số đối tượng không có khả năng lao động) mà cần mở rộng thêm đối tượng hộ cận nghèo.
Tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp vẫn xảy ra nhưng quy định của cơ quan xử lý vẫn chưa rõ ràng, vì vậy, trong quá trình giám sát, kiểm tra việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Độ giải trình, làm rõ một số giải pháp để đảm bảo đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020. Ảnh: Đức Anh |
Nhiều đại biểu các huyện miền núi cho rằng việc triển khai Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về việc cho vay trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân chưa được thụ hưởng các chính sách, đề nghị tỉnh quan tâm.
Ngoài ra, nhiều ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh cũng đề cập và đề nghị UBND tỉnh, các ngành chấn chỉnh tình trạng xây dựng NTM thiếu bền vững; xử lý quyết liệt đối với các dự án không triển khai, dự án triển khai chậm tiến độ, phát huy hiệu quả sử dụng đất; tình trạng xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông; tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã vẫn còn nhiều làm hư hỏng các tuyến đường; một số công trình thủy lợi xuống cấp, hiệu quả tưới tiêu hạn chế…
Tình trạng hệ thống điện xuống cấp, cột điện tạm bợ, không an toàn và hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn; tình trạng tranh chấp đất đai, tranh chấp địa giới hành chính giữa các huyện chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhiều đại biểu cho rằng cải cách hành chính vẫn chưa đồng bộ và toàn diện; việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm, nhũng nhiễu chưa nghiêm; khiếu nại, tố cáo liên quan đến tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng vẫn diễn ra nhiều, đề nghị HĐND tỉnh cần tăng cường giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Đại biểu Cao Thị Thúy (Diễn Châu) cho rằng, việc sáp nhập trường phải đảm bảo yếu tố lâu dài. Ảnh: Đức Anh |
Thảo luận trọng tâm nhiều vấn đề
Phiên thảo luận tại hội trường đã có đại biểu nêu nhiều ý kiến trọng tâm. Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Bành Hồng Hiển - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An giải trình trực tiếp 4 nội dung mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tỉnh nhà quan tâm liên quan đến việc tiếp nhận và hoàn trả lưới điện nông thôn; cải tạo hệ thống lưới điện sau tiếp nhận; công tác thu tiền điện; xử lý cột điện nằm giữa đường sau xây dựng nông thôn mới.
Tiếp đó, trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố và khẳng định trước HĐND tỉnh yên tâm sẽ đạt các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020, đại biểu Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, một trong các giải pháp trong năm 2018 được tỉnh triển khai là rà soát chỉ tiêu kế hoạch 5 năm và chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, thông qua đó đề ra các giải pháp cho từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
Gắn với đó là giải pháp tạo môi trường đầu tư, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp; giải pháp chỉ đạo, đốc thúc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành, khắc phục tư tưởng cầm chừng.
Quan tâm đến các dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, đại biểu Cao Thị Thúy (Diễn Châu), nêu thực tiễn xã Diễn Phú hiện nay, bậc tiểu học có hơn 400 học sinh và mầm non hơn 500 cháu; trong vòng 5 năm tới, bình quân mỗi lớp học 45 học sinh thì Trường THCS Diễn Phú sẽ có quy mô 11 - 12 lớp. Thực tiễn này đặt ra cho HĐND tỉnh cần xem xét đảm bảo tính lâu dài việc sáp nhập 2 Trường THCS Diễn Phú và Diễn Lợi, tránh tình trạng đầu nhiệm kỳ xin chủ trương sáp nhập, cuối nhiệm kỳ xin chia tách trường.
Thu hoạch lúa xuân ở Yên Thành. Ảnh tư liệu |
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết chính sách nông nghiệp, đại biểu Trần Văn Hường (Nam Đàn) đề nghị tỉnh đưa ra chính sách cần chú trọng đến nguồn lực đảm bảo thực hiện chính sách, bởi thực tế thời gian qua một số chính sách nông nghiệp thực hiện chưa đầy đủ, như chính sách hỗ trợ nông dân mua máy cày, máy cấy, một số nông dân mua rồi nhưng chưa có nguồn lực bố trí hỗ trợ.
Đại biểu Trần Văn Hường cũng quan tâm đề nghị có giải pháp cụ thể để thực hiện 2 chỉ tiêu trong năm 2018, gồm chỉ tiêu giảm sinh và lao động được đào tạo trên 60%.
Cũng quan tâm đến chính sách nông nghiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thành cho rằng, không nên chi tiết hóa đối tượng cây, con, quy trình công nghệ, bởi các đối tượng này có thể thay đổi liên tục trong từng thời điểm, dẫn đến hạn chế về tính lâu dài của chính sách và khó thực hiện; cho nên cần quy định về mức độ hỗ trợ, còn đối tượng hỗ trợ thì giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở KHCN lựa chọn hàng năm.
Tương tự cũng không nên xác định rõ cây, con mang tính đặc sản, bản địa cho từng địa phương mà phải xuất phát từ thực tiễn trên cơ sở nghiên cứu của Sở KHCN và các địa phương lựa chọn..
Một số đại biểu cũng quan tâm kiến nghị liên quan đến chính sách đối với các xã có công trình thủy điện; có chính sách đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…
Cũng tại phiên thảo luận tại hội trường, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình về chính sách hỗ trợ nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo giải trình về quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh./.
Mai Hoa
TIN LIÊN QUAN |
---|