Thấp thỏm giấc mơ Hàn Quốc
(Baonghean)- Trong số 2.500 lao động Nghệ An vượt qua kỳ thi tiếng Hàn năm 2011, hiện còn có hơn 500 người đang chờ được gọi tên, 200 lao động khác đã bỏ cuộc. Nhiều người xem đây như một canh bạc.
Tháng 9/2011, Hàn Quốc dừng các đợt thi tuyển tiếng Hàn đối với lao động Việt Nam và đến tháng 8/2012, phía nước bạn tạm dừng chương trình tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo chương trình EPS. Khi đó, Nghệ An có gần 2.500 lao động đã vượt qua kỳ thi khốc liệt này.
Đến hết tháng 9/2014, khi chương trình EPS được nối lại, có 1.757 người đã được xuất cảnh, có hơn 200 người tự nguyện rút hồ sơ hoặc không đủ điều kiện, và còn 520 người đang chờ được xuất cảnh.
Đăng ký làm thủ tục đi XKLĐ tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. |
Vượt qua kỳ thi tiếng Hàn từ tháng 8/2011, anh Nguyễn Văn Lộc (SN 1987) ở Khối 13 phường Cửa Nam (TP Vinh) tràn trề hy vọng được làm việc ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, chờ suốt gần 1 năm anh Lộc vẫn không nhận được thông báo tuyển dụng nào từ phía Trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An (nay có tên mới là Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An).
Mấy lần lên Trung tâm để hỏi thì Lộc được các cán bộ ở đây khuyên là kiên nhẫn chờ. Tháng 9/2012, anh Lộc nhận được thông báo từ phía Trung tâm là Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động việc làm và đề nghị lên Trung tâm để nhận lại hộ chiếu và các giấy tờ liên quan khác.
Từ tháng 1/2014, khi Hàn Quốc tiếp nhận lại lao động Việt Nam sang làm việc, vẫn nuôi hy vọng “đổi đời”, anh Lộc lại lên Trung tâm dịch vụ việc làm nộp hộ chiếu, giấy tờ. Nhưng rồi, đã hơn 1 năm 9 tháng đợi chờ thấp thỏm, vẫn không được gọi. Đầu tháng 10/2015, sau khi trao đổi, bàn bạc với gia đình, bạn bè, anh Lộc quyết định từ bỏ giấc mơ Hàn Quốc.
Lao động Việt Nam tham gia lễ hội tại Hàn Quốc. Ảnh: Phùng Quang Trọng. |
Còn anh Hoàng Văn Tiến (SN 1995) ở xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) đã hoàn thành các thủ tục và nhận được thông báo đã được phía Hàn Quốc tuyển dụng. Sau khi ra Hà Nội học định hướng xong, đến lúc làm thủ tục xuất cảnh thì Tiến bất ngờ nhận được thông báo là hộ chiếu của anh không hợp lệ nên anh không đủ điều kiện xuất cảnh. Tiến đã làm đơn “kêu cứu” lên Trung tâm lao động ngoài nước, Cục quản lý Lao động nước ngoài và nhận được hồi âm là… tiếp tục chờ.
Ở xã Nghi Xuân, chị Nguyễn Thị Thúy Linh (SN 1990) cũng gặp tình huống tương tự. Sau một thời gian dài chờ đợi mà không thấy hồi âm, Linh nghĩ đã hết hy vọng và lập gia đình, hài lòng với việc chạy chợ ở nhà.
Tình cảnh của các anh Lộc, Tiến hay chị Linh cũng là thực trạng chung của nhiều lao động đang chờ sang Hàn Quốc làm việc trong những năm qua. Một số người nóng vội và đã bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Lao động Nghệ An ở Hàn Quốc thành lập câu lạc bộ bóng đá SLNA - Korea. |
Ông Hồ Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Hiện chương trình EPS đang được nối lại theo bản ghi nhớ đặc biệt giữa 2 nước trong năm 2015 cho 3 nhóm lao động Việt Nam tiếp tục được sang Hàn Quốc làm việc gồm: Lao động về nước đúng hạn, lao động đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn năm 2011 và lao động nông nghiệp huyện nghèo. Hiện nay nhu cầu tiếp nhận lao động ngoài nước của Hàn Quốc là khá lớn.
Tuy nhiên, để chương trình EPS không bị gián đoạn, lao động Việt Nam nói chung và lao động Nghệ An nói riêng tiếp tục được sang làm việc tại Hàn Quốc thì chúng ta phải giải quyết được một vấn đề tồn tại những năm qua, đó là tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại nước bạn sau khi hết hạn hợp đồng lao động.
Đến hết ngày 31/8/2015, toàn tỉnh vẫn còn 1.216 lao động cư trú bất hợp pháp trong tổng số hơn 5.400 lao động hết hạn hợp đồng, chiếm tỷ lệ 46,6%. Trong khi đó, tỉ lệ này của cả nước hiện xuống dưới 40%.
“Người lao động cần phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cả cộng đồng, chấp hành nghiêm chính sách Lao động của Hàn Quốc và Việt Nam, trở về nước đúng hạn để những người khác ở Việt Nam có cơ hội xuất khẩu lao động. Bản thân những người hết hạn trở về cũng được ưu tiên trở lại Hàn Quốc theo nguyện vọng cá nhân”, ông Hồ Văn Hùng khuyến cáo.
Minh Quân
TIN LIÊN QUAN |
---|