Thầy cô hãy là người thắp ngọn lửa đam mê môn Lịch sử

Nội dung: Mỹ Hà, Ảnh: Đức Anh 17/04/2019 20:27

(Baonghean) - Mới ngoài 30 tuổi nhưng cô giáo Bùi Thị Hiên - Trường THPT Diễn Châu 3 đã có một gia tài khá “đồ sộ” trong bồi dưỡng học sinh giỏi, trong đó có Thủ khoa môn Lịch sử lớp 11 năm 2019. Trò chuyện với cô, chúng tôi hiểu hơn về chuyện nghề, chuyện đời và những trăn trở, băn khoăn của cô trong công tác bồi dưỡng, giáo dục học sinh.

Cô giáo Bùi Thị Hiên - Trường THPT Diễn Châu 3.

Hãy là người thắp lửa đam mê


P.V: Chào chị, xin chúc mừng chị với thành tích đáng tự hào mà chị và học trò vừa giành được tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm 2019. Hẳn rằng cô và trò đón nhận thông tin với niềm vui vỡ òa?


Cô giáo Bùi Thị Hiên: Đúng vậy, kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm nay là một năm đặc biệt đối với bản thân tôi, là năm đầu tiên tôi có một học sinh đạt Thủ khoa. Đây thực sự là một niềm vui, niềm vinh dự đối với bản thân tôi và nhà trường. Theo đánh giá từ các đồng nghiệp, đề thi năm nay có “trái khoáy” so với các năm trước, nhưng tôi vẫn tin tưởng ở năng lực của học sinh mình. Vì vậy, tôi hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi em Lại Thị Luyến đỗ Thủ khoa. Tôi tự hào về em. Với niềm đam mê, ý chí quyết tâm và sự phấn đấu không mệt mỏi, em đã nhận được một phần thưởng xứng đáng.


Theo cảm nhận của cá nhân tôi cũng như chia sẻ từ các đồng nghiệp, kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm nay diễn ra công bằng, khách quan và đánh giá đúng năng lực của học sinh; cũng là năm đầu tiên mà từ thời gian thi đến lúc nhận kết quả chỉ diễn ra chưa đầy 1 tuần. Đây cũng là năm học cuối cùng chúng tôi cùng làm việc với thầy hiệu trưởng nên các anh, chị em giáo viên cũng như học sinh đều cố gắng, nỗ lực hết mình trong bồi dưỡng học sinh giỏi, chuẩn bị chu đáo các khâu để có được kết quả cao nhất làm món quà tri ân trước khi thầy về hưu.


P.V: Tôi được biết chị là học trò chuyên Sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, từng đạt học sinh giỏi quốc gia và có nhiều cơ hội để tuyển thẳng vào các trường đại học lớn. Điều gì thôi thúc chị gắn bó với lịch sử và chọn nghề giáo viên để làm “nghiệp” của mình?


Cô giáo Bùi Thị Hiên: “Cơ duyên” đến với giáo viên môn Lịch sử của tôi bắt nguồn từ sự đam mê tìm hiểu môn học và môi trường giáo dục tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Hồi đó, chúng tôi hầu hết là các học trò “nhà quê” xa gia đình, chân ướt, chân ráo lên thành phố học tập. Chúng tôi đã cùng sinh sống, học tập, vui chơi với nhau như một gia đình; lớn lên và trưởng thành nhờ sự chỉ dẫn tận tình, chu đáo và đầy trách nhiệm của các thầy, cô giáo. Họ không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là những “thần tượng” trong tâm khảm chúng tôi. Với lòng kính trọng và đầy tự hào về những thầy, cô giáo của mình, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã ước mơ sau này sẽ cố gắng để trở thành một giáo viên tốt, góp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực.


Cô giáo Bùi Thị Hiên luôn là người thắp lên ngọn lửa đam mê bộ môn Lịch sử với những học trò của mình.
P.V: Nhiều người khá bi quan cho rằng hiện nay giới trẻ đang quay lưng lại với môn Lịch sử. Thực tế cũng cho thấy, không ít học sinh ngày nay ngại học Sử vì cho rằng môn học này nhàm chán và nặng nề. Là một giáo viên dạy Lịch sử, chị có suy nghĩ gì và chị đã làm sao để “thổi lửa” tình yêu của học trò với bộ môn này?


Cô giáo Bùi Thị Hiên: Đúng là có một thực tế đang diễn ra đối với môn Lịch sử, nhất là giai đoạn hiện nay vì chương trình môn Lịch sử hiện hành nặng về kiến thức hơn là kỹ năng, là một môn học thuộc lòng với một “núi” kiến thức về sự kiện, số liệu, nhân vật, nguyên nhân, diễn biến, kết quả… với bao nhiêu giai đoạn, thời kỳ. Chỉ nghĩ đến từng ấy thôi cũng đã khiến các em thấy rối và nản lòng. Vậy, phải làm gì để thắp lên niềm hứng thú, đam mê và giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử?


Tôi nhận thức được muốn một tiết học thành công, người giáo viên cần phải tâm huyết, đầu tư nhiều công sức cho bài giảng. Muốn được như vậy, người giáo viên phải tự bồi dưỡng, tự rèn luyện và không ngừng nâng cao tay nghề vì muốn có học sinh giỏi thì phải có giáo viên giỏi. Tôi đã bắt đầu thay đổi bằng việc cho học sinh hóa thân vào các nhân vật, đóng vai các MC… nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học. Tôi nghĩ, sẽ không có nhân tài nào xuất hiện, phát minh nào ra đời khi không có sự đam mê, sáng tạo. Vì vậy, các thầy cô hãy là người thắp ngọn đuốc đam mê học tập môn Lịch sử cho các em.


Đổi mới con người bắt đầu từ đổi mới giáo dục


P.V: Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ngành Sư phạm không còn là lựa chọn hấp dẫn nữa, đặc biệt là với học sinh giỏi. Theo chị, đâu là nguyên nhân?


Cô giáo Bùi Thị Hiên: Câu chuyện ngành Sư phạm “rớt giá” vẫn đang làm dư luận băn khoăn đi tìm lời giải. Theo quan điểm cá nhân, có nhiều nguyên nhân như sinh viên ra trường thất nghiệp, chế độ đãi ngộ thấp, những áp lực vô hình của ngành nghề hay có những giáo viên là “tấm gương mờ” làm xấu đi hình ảnh người thầy trong lòng học sinh… Các em đã nhìn, đã nghe và đã thấm thía một số bất cập của nghề giáo nên nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh giỏi “né” ngành Sư phạm.


Đây là một thực tế đáng buồn trong xã hội. Vì muốn đổi mới đất nước thì phải đổi mới con người. Muốn đổi mới con người thì phải bắt đầu từ sự đổi mới về giáo dục. Nhưng giáo dục mà không có các giáo viên có đủ đức và tài thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển xã hội. Vì vậy, tôi hy vọng Đảng và Nhà nước ta tiếp tục có những chính sách đúng đắn và thiết thực để nâng cao chất lượng và hiệu quả của sự nghiệp trồng người.

Cô Hiên cho rằng: "Muốn đổi mới con người thì phải bắt đầu từ sự đổi mới về giáo dục..."

P.V: Thế giới học đường hiện nay khá phức tạp với nhiều vấn đề nổi cộm như bạo lực học đường, văn hóa học đường đang xuống cấp... Là người trực tiếp giảng dạy và tiếp xúc hàng ngày với học sinh, chị thấy hiện tượng này như thế nào, nó có thực sự đáng báo động hay chỉ ở một bộ phận nhỏ...


Cô giáo Bùi Thị Hiên: Ông cha ta đã từng nói rằng “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Tuổi học trò luôn rất hiếu động và tinh nghịch. Tuy nhiên, thế giới học đường hiện nay khá phức tạp với nhiều vấn đề nổi cộm như bạo lực học đường, văn hóa học đường đang xuống cấp… Trước đây, những sự việc này cũng từng xảy ra nhưng do các nguồn thông tin hạn hẹp nên chúng ta không nắm bắt được một cách kịp thời. Còn ngày nay, do sự bùng nổ thông tin nên một số hình ảnh phản cảm trong thế giới học đường nhanh chóng lan truyền.


Dẫu sự việc đang ngày càng phức tạp, nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là suy nghĩ và hành động của một bộ phận nhỏ học sinh thiếu lối sống, đạo đức lành mạnh. Chúng ta đều tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giáo dục Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đào tạo ra những nhân tài cho quê hương, đất nước, đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.


"...Nhà giáo phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Phải thấu hiểu hoàn cảnh, tính cách, chấp nhận mặt mạnh, mặt yếu của từng học sinh để có được phương pháp giáo dục phù hợp" - Cô Bùi Thị Hiên chia sẻ.

P.V: Nghề giáo thực sự là một nghề áp lực, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Là một giáo viên thuộc thế hệ 8X, chị và những đồng nghiệp trẻ đã có những thay đổi nào để thích ứng trong hoàn cảnh mới?


Cô giáo Vũ Thị Hiên: Công việc dạy học của giáo viên ngày nay khác trước rất nhiều. Bản thân giáo viên không những truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn có nhiệm vụ giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực. Vì vậy, nhà giáo phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Phải thấu hiểu hoàn cảnh, tính cách, chấp nhận mặt mạnh, mặt yếu của từng học sinh để có được phương pháp giáo dục phù hợp, tránh áp đặt, phải biết gieo ước mơ, hy vọng, làm cho học sinh thích học, biết cách học, có thói quen học và học hiệu quả. Muốn làm được điều đó đòi hỏi giáo viên phải thật sự tâm huyết, năng động và sáng tạo.


P.V: Xin cảm ơn chị và chúc chị có nhiều thành công hơn nữa!

Mới nhất
x
Thầy cô hãy là người thắp ngọn lửa đam mê môn Lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO