Thế giới 7 ngày qua - những tin tức nổi bật

01/10/2017 06:45

(Baonghean.vn) - Mỹ - Triều khẩu chiến, căng thẳng leo thang; Tướng Nga tử trận ở Syria; Bà Merkel tái đắc cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4; Thủ lĩnh tổ chức IS Abu Bakral-Baghdadi bất ngờ tái xuất; Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck bị tuyên án 5 năm tù... là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

1. Mỹ - Triều khẩu chiến, căng thẳng leo thang

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (ảnh minh họa)
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong- un. Ảnh minh họa.

Trước lời cảnh báo "hủy diệt Triều Tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 22/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố cân nhắc "biện pháp đáp trả mạnh nhất trong lịch sử", bao gồm: Đe dọa thử bom H trên Thái Bình Dương; Tung hình ảnh "dọa" bắn cháy tàu sân bay Mỹ.

Trong khi Triều Tiên tổ chức mít tinh rầm rộ chống Mỹ; Hàng triệu người xung phong nhập ngũ, phía Mỹ tuyên bố đã sẵn sàng cho biện pháp quân sự; Ban hành lệnh cấm nhập cảnh với công dân Triều Tiên; Ấp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm cắt đứt các nguồn tài chính cho chương trình hạt nhân ở Triều Tiên.

Phía Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên; Giới hạn xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên từ năm 2018; Ngưng bán khí đốt hóa lỏng và ngưng tụ cho Triều Tiên

2. Tướng Nga tử trận ở Syria

Tướng Valery Asapov (Ảnh: Dailymail)
Tướng Valery Asapov. Ảnh: Dailymail

Ngày 24/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Trung tướng Valery Asapov đã thiệt mạng sau khi IS phát động tấn công bất ngờ tại thành phố Deir ez-Zor, Syria. Thông báo cho biết thời điểm bị tấn công, ông Asapov đang có mặt tại đồn chỉ huy của Lực lượng Syria, hỗ trợ công cuộc giải phóng thành phố Deir ez-Zor ra khỏi phiến quân IS.

Ông Asapov là một trong những cố vấn quân sự cấp cao Nga cử tới Syria. Để ghi nhận công lao và đóng góp của ông, Nga sẽ truy tặng danh hiệu cao quý cấp nhà nước sau khi ông qua đời.

Từ năm 2015 kể từ khi Nga tuyên bố can thiệp quân sự vào cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, 34 quân nhân Nga đã hy sinh. Vào hồi đầu tháng 9, Bộ Quốc phòng Nga công bố thêm 2 quân nhân nữa đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích của IS. Thêm trường hợp của Tướng Valery Asapov, số người Nga hy sinh tại chiến trường này tăng lên 37 người.

3. Bà Merkel tái đắc cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4

Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

Với chiến thắng của liên minh trung hữu CDU/CSU, giành được ước tính gần 33% số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 24/9, bà Merkel chính thức đắc cử nhiệm kỳ thứ 4. Bà Merkel đã giành kỷ lục tương đương cựu Thủ tướng Helmut Kohl, trở thành thủ tướng lâu năm nhất ở Đức trong lịch sử thời hậu chiến.

Mặc dù tỷ lệ ủng hộ liên đảng CDU-CSU tiếp tục dẫn đầu, song đây là kết quả tồi tệ nhất của liên đảng này trong vòng gần 70 năm qua. Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều so với con số 41,5% mà liên đảng này giành được năm 2013.

Đối thủ “bám” sát phe bảo thủ là đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) với 20% số phiếu, thấp nhất thời kỳ hậu chiến tranh. Trong khi đó, đảng cực hữu Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) đã gây sốc khi đứng vị trí thứ ba và lần đầu tiên tiến vào quốc hội Đức với 13,5% số phiếu.

4. Đấu pháo ở biên giới Ấn Độ - Pakistan

Pháo binh của Ấn Độ (ảnh minh họa)
Pháo binh của Ấn Độ. Ảnh minh họa

Giới chức Pakistan và Ấn Độ hôm 22/9 cho biết các vụ đấu pháo xảy ra dọc biên giới phân cách tỉnh Punjab của Pakistan với khu vực Jammu thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý. Phần lớn thương vong là người Pakistan. Quân đội Pakistan thông báo có 6 dân thường thiệt mạng và 26 người bị thương.

"Lực lượng biên phòng Punjab đã đáp trả thích đáng vào những trạm gác nhằm vào dân thường", trích tuyên bố của quân đội Pakistan. Chính quyên Ấn Độ cho rằng các lực lượng Pakistan đã vi phạm lệnh ngừng bắn, làm bị thương 4 dân thường Ấn Độ.

Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền với khu vực Kashmir, tranh chấp bắt đầu từ khi hai nước độc lập khỏi thực dân Anh năm 1947. Cả hai nước đều từng nhiều lần cáo buộc đối phương vi phạm lệnh ngừng bắn.

5. Thủ lĩnh tổ chức IS Abu Bakral-Baghdadi bất ngờ tái xuất

Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện năm 2014 khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện năm 2014 khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Tổ chức khủng bố IS vừa công bố đoạn thu âm dài tới 46 phút, trong đó có tiếng nói của một người đàn ông được xem là thủ lĩnh tối cao của nhóm này: Abu Bakr al-Baghdadi. Đoạn thu âm được đăng tải trên trang tin Al-Furquan có liên hệ với khủng bố IS.

Hồi tháng 6, Nga từng tuyên bố ném bom tiêu diệt thành công trùm khủng bố al-Baghdadi. Tuy nhiên, Mỹ nói chưa có đủ cơ sở để xác nhận thông tin này.

Các nhà phân tích nhận định giọng nói trong đoạn thu âm có thể là lời nói của thủ lĩnh tối cao al-Baghdadi vì rất giống các bản thu âm trước đây. Sau 10 tháng, thủ lĩnh tối cao khủng bố IS mới xuất hiện.

6. Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck bị tuyên án 5 năm tù

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters.
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters.

Tòa án Tối cao Thái Lan hôm 27/9 đã xử vắng mặt cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra với cáo buộc quản lý cẩu thả trong chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân, làm thất thoát ngân sách. "Tòa kết luận bị cáo có tội như cáo buộc... tòa tuyên án tù 5 năm và nhất trí không hoãn thi hành án.

Chương trình trợ giá lúa gạo được triển khai năm 2011, không lâu sau khi bà Yingluck nhậm chức. Đây là một trong những cam kết khi bà tranh cử. Theo chương trình, Thái Lan sẽ hỗ trợ nông dân tại những vùng nông thôn nghèo khó, mua lúa gạo của họ với giá cao gấp đôi giá thị trường.

Tuy nhiên, chương trình lại ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan, gây lỗ ít nhất 8 tỷ USD và tạo ra lượng lúa gạo tồn đọng lớn. Bà Yingluck bắt đầu bị luận tội từ năm 2015, vài tháng sau khi bà từ chức để quân đội lên nắm quyền. Tuy vậy, sức ảnh hưởng của bà đối với người dân vẫn còn rất lớn.

Dẫn nguồn từ đảng Pheu Thái ngày 29/9 cho biết, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang có mặt ở London và tìm cách xin quy chế tị nạn chính trị ở Anh.

7. Nổ kho đạn ở Ukraina, hàng chục nghìn người phải sơ tán

Hình ảnh vụ nổ. Ảnh: Internet
Hình ảnh vụ nổ. Ảnh: Internet

Hơn 24.000 người đã phải đi sơ tán sau khi nổ lớn và hỏa hoạn xảy ra tại một kho đạn của quân đội ở miền trung Ukraina. Vụ nổ xảy ra hôm 26/9 tại một căn cứ quân sự gần Kalynivka thuộc vùng Vynnytsya, cách Kiev 270km về phía tây. Hiện, có ít nhất 2 người bị thương.

Báo cáo từ địa phương cho hay, kho chứa trên trải rộng trên mảnh đất rộng 60 hecta và chứa khoảng 188.000 tấn đạn dược, gồm cả rocket. Thủ tướng Ukraina Volodymyr Groysman nói, có các yếu tố bên ngoài đứng sau vụ nổ. Theo quan chức này, nguyên nhân vụ việc đang được điều tra.

Olena Gitlyanska, phát ngôn viên Lực lượng an ninh Ukraina nói, vụ cháy nổ được coi như hành động phá hoại. Tổng thống Petro Poroshenko đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các quan chức đứng đầu đất nước.

8. Nhật giải tán quốc hội

Thủ tướng Shinzo Abe (thứ 4 từ trái sang) cùng các bộ trưởng Nội các vỗ tay sau khi việc giải tán Hạ viện được thông báo tại Quốc hội ở Tokyo ngày 28/9. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Shinzo Abe (thứ 4 từ trái sang) cùng các bộ trưởng Nội các vỗ tay sau khi việc giải tán Hạ viện được thông báo tại Quốc hội ở Tokyo ngày 28/9. Ảnh: Reuters

Hạ viện Nhật, hôm 28/9, chính thức giải tán để chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử sớm ngày 22/10 theo yêu cầu của Thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Abe hành động như vậy với hy vọng có thể nhân đà nhận được sự ủng hộ tăng cao trong khi phe đối lập suy yếu để tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa, giúp Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông duy trì thế mạnh. Đảng này hiện đang nắm "siêu" đa số 2/3.

"Sẽ là một cuộc chiến cam go, nhưng tất cả là về việc chúng ta sẽ bảo vệ Nhật Bản như thế nào, và về cuộc sống cùng sự tồn tại hòa bình của người Nhật", ông Abe nói với các nhà lập pháp.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Thế giới 7 ngày qua - những tin tức nổi bật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO