'Thiên đường' quá vãng!

24/04/2017 14:30

(Baonghean) - Vốn được mệnh danh là kinh đô ánh sáng nhưng giờ đây lại bị “phủ bóng đen” khủng bố ngay trước thềm bầu cử, rõ ràng Pháp đã phải trải qua một tuần lễ đầy cam go và bất trắc ngoài dự liệu dù có sự phòng bị kỹ càng. Trong khi đó, Venezuela lại đang chao đảo trong bối cảnh lạm phát trầm trọng, khủng hoảng kinh tế và bạo lực bùng phát, danh xưng “thiên đường” có vẻ chỉ còn là quá vãng…

Pháp lao đao trước giờ G

Nhắc đến nước Pháp, người ta sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh kinh đô ánh sáng, một địa danh yên bình và hấp dẫn đối với nhiều du khách. Thế nhưng, có vẻ như những quan niệm cố hữu này đã bị lung lay không ít, khi điều mọi người luôn thấp thỏm lo sợ rốt cuộc đã xảy ra. Giữa tuần qua, một vụ tấn công khủng bố khác đã làm rung chuyển nước Pháp, khiến cuộc bầu cử tổng thống được trông đợi sẽ phải diễn ra trong bối cảnh “vật đổi, sao dời”.

Một lần nữa, Pháp lại trở thành mục tiêu trong một vụ tấn công được cho là có dính líu đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào tối thứ Năm (20/4). Trên đại lộ danh tiếng Champs-Elysee của thủ đô Paris, bầu không khí thanh bình bỗng chốc bị phá vỡ khi một người đàn ông ra khỏi xe và nã súng giết hại 1 cảnh sát, làm bị thương nhiều người khác.

Nỗi khiếp đảm lan nhanh, bởi vụ việc xảy ra trong bối cảnh giới chức an ninh Pháp đã ráo riết ngăn chặn các tình huống tương tự xảy ra trước thềm cuộc bầu cử ngày 23/4. Trước vụ tấn công tại Champs-Elysee, an ninh tại Pháp đã sẵn sàng nâng lên mức cảnh giác cao: hơn 50.000 sỹ quan cảnh sát và 7.000 binh lính từ đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố dự kiến được triển khai trên khắp đất nước khi công dân đổ về các điểm bỏ phiếu.

Hôm nay (23/4), người dân Pháp đi bỏ phiếu trong bối cảnh siết chặt an ninh. Ảnh: AP
Hôm nay (23/4), người dân Pháp đi bỏ phiếu trong bối cảnh siết chặt an ninh. Ảnh: AP

Đáng chú ý, tại thời điểm xảy ra vụ việc, kinh đô ánh sáng vẫn đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Sau loạt tấn công khủng bố tại thủ đô Paris ngày 13/11/2015, giới chức an ninh đã được trao “đặc quyền” như bắt giữ nghi phạm tại nhà và đóng cửa các quảng trường công cộng mà không cần xin phép trước. Ngay đầu tuần, có vẻ như lực lượng an ninh Pháp đã được thắt chặt.

Ví dụ như cảnh sát tại Marseille đã bắt giữ 2 người đàn ông bị tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố. Hay sau đó, các cơ quan chức năng cũng phát hiện vật liệu nổ, vũ khí và cờ của IS khi khám xét một căn hộ. Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande đã đánh giá chiến dịch này là thành công đáng chú ý, và báo chí Pháp cũng không tiếc lời khen ngợi thành tích của cảnh sát.

Tuy nhiên, theo phân tích trên tờ DW, thực tế diễn ra lại cho thấy 2 điều: thứ nhất, cảnh sát không thể ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Thứ 2, không thể hoàn toàn ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố. Bởi lẽ, có hàng nghìn mục tiêu tiềm năng trong mắt bọn khủng bố - từ trường học, quán rượu, đến sân bay,… - không thể triển khai an ninh bảo vệ tất cả các điểm được. Hơn thế, các chuyên gia an ninh cũng chỉ ra thế “tiến thoái lưỡng nan” trong đấu tranh chống khủng bố khi cảnh sát và quân đội cũng là mục tiêu của khủng bố. Càng triển khai nhiều cảnh sát trên đường phố, bọn khủng bố càng có thêm nhiều mục tiêu. Đây là kết luận đầy cay đắng đã được đúc rút ra từ thực tiễn vài năm qua trên khắp châu Âu.

Dẫu vậy, tại Pháp, các ứng viên tổng thống đều đang nỗ lực tỏ rõ quyết tâm trong những ngày cuối chiến dịch vận động tranh cử. Khi xảy ra vụ tấn công ở Champs-Elysee, toàn bộ 11 ứng viên đang có cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trên sóng truyền hình. Hay tin, các ứng viên trước hết gửi lời chia buồn đến lực lượng cảnh sát, và ứng viên phe cực tả Jean-Luc Melenchon khi nhắc đến vòng bầu cử đầu tiên vào ngày Chủ nhật này đã nói: “Đừng sợ hãi. Chúng ta không thể làm gián đoạn tiến trình dân chủ. Trách nhiệm của chúng ta là tránh tranh cãi không đáng có xảy ra”.

Người dân Venezuela xếp hàng chờ mua bánh mỳ tại thủ đô Caracas giữa lúc thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng cao. Ảnh: AFP
Người dân Venezuela xếp hàng chờ mua bánh mỳ tại thủ đô Caracas giữa lúc thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng cao. Ảnh: AFP

Lẽ dĩ nhiên, khủng bố đã trở thành chủ đề bao trùm của các ứng viên trong những giờ đồng hồ cuối cùng trước khi cử tri bỏ lá phiếu quyết định. Ai cũng cố chứng tỏ mình là sự lựa chọn tốt nhất cho vị trí lãnh đạo đất nước. Ứng viên đảng Cộng hòa Francois Fillon một lần nữa kêu gọi các biện pháp để đối phó với “các mối đe dọa đã nhận diện” và “những thầy tu cực đoan”. Trong khi đó, ứng viên phe cực hữu Marine Le Pen của đảng Mặt trận dân tộc lặp lại “câu thần chú” nổi tiếng của bà, rằng Pháp phải rút khỏi khu vực Schengen, đóng cửa biên giới và chấm dứt “nhập cư ngoài tầm kiểm soát”.

Có thể thấy rằng, người Pháp sẽ không để bất cứ điều gì thay đổi kế hoạch bầu cử vào ngày 22/4, và vụ tấn công khủng bố mới đây cũng không thể khiến họ sợ hãi, bởi đơn giản họ không cho phép những kẻ khủng bố được đắc ý. Chỉ có điều, dù ít dù nhiều vụ việc cũng tác động đến lá phiếu của không ít cử tri, khiến họ phải cân nhắc nhiều hơn khi thực hiện nghĩa vụ công dân trong bối cảnh đầy phức tạp hiện nay.

Venezuela không còn êm ả

Hôm 21/4, giới chức Venezuela xác nhận thông tin ít nhất 12 người đã thiệt mạng và 6 người đang nguy kịch sau khi các cuộc biểu tình tại thủ đô Caracas nhuốm màu bạo lực. Thậm chí, Phó Tổng thống Tareck El Aissami đã lên tiếng cảnh báo rằng quốc gia Nam Mỹ đang phải đối diện với một “cuộc chiến bất thường” do các phe phái đối lập đứng đầu có sự “bắt tay” với các băng nhóm tội phạm. Bất ổn lan tràn khắp mọi miền Venezuela khi hàng trăm nghìn người biểu tình đổ xuống đường. Quê hương của những bãi biển vùng Caribe, nơi nổi danh với dãy Andes, đồng thời là nơi sở hữu trữ lượng dầu lớn nhất thế giới - một “thiên đường” chốn hạ giới giờ đây bỗng chốc trở thành “địa ngục” với người dân.

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân Venezuela đang phải vật lộn đối diện với tỷ lệ lạm phát hiện cao nhất thế giới, chưa kể các cuộc biểu tình đẫm máu trên đường phố và bầu không khí rối ren, hỗn loạn bao trùm. Theo phân tích của CNN, nguyên do đầu tiên phải nhắc đến chính là khi giá dầu giảm mạnh làm đảo chiều nền kinh tế. Dưới thời nhà lãnh đạo Chavez, doanh thu từ dầu lửa là nguồn chính đối với kinh tế Venezuela. Khi dầu có giá 100 USD/thùng, hàng tỷ USD đổ vào thông qua các công ty dầu khí nhà nước và được chuyển bớt cho các chương trình xã hội và trợ cấp thực phẩm.

Nhưng khi giá dầu giảm mạnh, những khoản trợ cấp “khủng” không thể được duy trì thêm nữa. Một nguyên nhân khác xuất phát từ dòng USD chững lại. Giá dầu sụt giảm, hệ quả là chính phủ không có nhiều ngoại tệ để mua hàng hóa nhập khẩu như trước. Một công ty nghiên cứu quốc gia của nước này vừa cho biết, kim ngạch nhập khẩu của Venezuela đã giảm 50% so với 1 năm trước. Giờ đây, “thiên đường” ngày ấy đang phải hứng chịu thiếu hụt trầm trọng nhu yếu phẩm nhập khẩu, bao gồm nhiều loại thuốc men cần thiết.

Bên cạnh đó, dưới thời Chavez, giá cả các hàng hóa chính được điều chỉnh giảm cho vừa khả năng mua sắm của mọi người. Chẳng hạn, giá 1 túi bột ngô chỉ ở mức 639 bolívar, hợp túi tiền với nhiều người dân song lại thấp hơn chi phí sản xuất, đẩy các nhà sản xuất nội địa đến chỗ ngừng sản xuất bột ngô. Chưa hết, Venezuela chỉ còn dự trữ ngoại hối 10,5 tỷ USD, và đến hết năm nay, nước này còn nợ khoảng 7,2 tỷ USD. Cây kim đồng hồ tài chính của quốc gia Nam Mỹ đang nhích gần đến ngưỡng báo động. Trong hoàn cảnh như vậy, người dân buộc phải thực hiện “chế độ kiêng khem” bất đắc dĩ, nhịn ăn nhiều bữa vì lạm phát “khủng”, khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng nhanh, và đẩy nhà lãnh đạo đương nhiệm Nicolas Maduro vào thế bị chỉ trích.

Một phóng viên bị thương khi tác nghiệp trong cuộc biểu tình tại thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: CNN
Một phóng viên bị thương khi tác nghiệp trong cuộc biểu tình tại thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: CNN

Nỗi khổ đã dần biến thành cơn giận, và chẳng mấy chốc bùng phát thành các cuộc biểu tình bạo lực trong vài tuần qua, khi các lãnh đạo phe đối lập đối đầu với phe ủng hộ ông Maduro. Những người biểu tình chống chính phủ muốn lật đổ Maduro, cáo buộc ông làm xói mòn nền dân chủ. Trong tình cảnh đó, ông này buộc phải điều quân đội xuống đường để duy trì trật tự xã hội.

Từng trải nghiệm cuộc sống như ở chốn thiên đường, tình cảnh thiếu thực phẩm, sữa, bột mỳ và cả giấy vệ sinh; thiếu thuốc men; không có điện thắp sáng; thất nghiệp gia tăng; bạo lực bùng phát khắp nơi; dịch sốt rét từng bị đẩy lùi nay lại trở thành “bóng ma” đe dọa,… hiện nay đối với người dân Venezuela mà nói chẳng khác mấy so với địa ngục. Ban lãnh đạo Venezuela chắc hẳn đang rất gấp rút bàn thảo cách giải quyết, bởi nếu chính phủ nước này không sớm tìm được giải pháp lâu dài, khó đảm bảo rằng chưa “dập” bạo lực chỗ này đã bùng phát thêm bạo lực ở nhiều nơi khác.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
'Thiên đường' quá vãng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO