Thông điệp gì ẩn sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn?

Hoàng Bách 27/04/2023 13:02

(Baonghean.vn) - Theo một giáo sư của Đại học Tufts (Mỹ), quan hệ Mỹ - Hàn đang được định nghĩa lại bởi những mối quan ngại về địa chính trị trước cửa ngõ của Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bắt tay trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng của Nhà Trắng hôm 26/4. Ảnh: AP

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 26/4, trong chuyến thăm cấp nhà nước hiếm hoi giữa bối cảnh 2 quốc gia tìm cách đối diện với những quan ngại chung.

Sự kiện lần này chỉ mới là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai tới Mỹ của một nguyên thủ nước ngoài trong nhiệm kỳ của ông Biden, sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào cuối năm 2022. Việc Nhà Trắng trao niềm vinh dự này cho ông Yoon - người vừa “chân ướt chân ráo” gia nhập giới chính trị trước khi nhậm chức vào tháng 5/2022, có thể là điều bất ngờ đối với một số nhà quan sát chính sách đối ngoại.

Seoul không có ảnh hưởng đối với chính trị quốc tế như một số đồng minh khác của Mỹ. Họ là một đối tác kinh tế quan trọng nhưng Nhật Bản, Đức, Canada và Mexico cũng vậy - tất cả đều xếp trên Hàn Quốc xét thương mại tổng thể của Mỹ.

Vậy tại sao Mỹ lại trang trọng đón tiếp nhà lãnh đạo Hàn Quốc đến thế? Theo giáo sư Sung-Yoon Lee - một học giả chuyên nghiên cứu lịch sử chính trị Hàn Quốc và quan hệ Mỹ - Đông Á tại Đại học Tufts, câu trả lời cho câu hỏi trên có thể được xác định ở 3 địa điểm trên tấm bản đồ thế giới, tương ứng với 3 chính quyền tại Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và Moskva.

Cuộc gặp tại Nhà Trắng có thể trên danh nghĩa được hiểu là sự củng cố các quan hệ giữa Seoul và Washington, nhưng trên thực tế họ sẽ muốn phát đi thông điệp về sự đoàn kết trước những diễn biến mà họ cho là các mối đe doạ từ Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.

Hai nhà lãnh đạo dự lễ duyệt binh tại Washington hôm 26/4. Ảnh: AP

Tình hữu nghị được tạo dựng trong chiến tranh

Mối quan hệ giữa Washington và Seoul được thiết lập trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Trong vài thập niên, liên minh này cũng khá khập khiễng, nhất là trong 2 thập niên sau khi đạt hiệp định đình chiến năm 1953, quãng thời gian mà nền kinh tế tự cung tự cấp của Hàn Quốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ.

Nhưng trong 2 thập niên trở lại đây, Hàn Quốc đã thu hẹp được khoảng cách chênh lệch, trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như điện tử, vận tải biển, xe cộ, vũ khí và văn hoá nhạc pop. Liên minh Mỹ-Hàn cũng phát triển trên cơ sở các lợi ích kinh tế lẫn các quan ngại chiến lược và ngoại giao.

Ngay cả vấn đề khó xử liên quan đến các nguồn tin mới đây cáo buộc Mỹ do thám văn phòng tổng thống Hàn Quốc cũng không có khả năng làm giảm sự sự phô diễn tình hữu nghị được mong đợi thể hiện trong cuộc gặp song phương này.

Xét cho cùng, ông Biden và ông Yoon có nhiều vấn đề hệ trọng hơn cần giải quyết. Chuyến thăm cấp nhà nước lần này diễn ra sau năm Triều Tiên phóng gần 100 tên lửa lên vùng trời trên và quanh Bán đảo Triều Tiên, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, và Trung Quốc gia tăng luận điệu về vấn đề Đài Loan. Đây là những vấn đề mà lãnh đạo Mỹ-Hàn sẽ đề cập khi gặp thượng đỉnh.

Ông Yoon cùng phu nhân Kim Keon Hee và ông Biden cùng vợ là bà Jill Biden chụp ảnh trong tiệc tối tại Nhà Trắng hôm 26/4. Ảnh: AP

Tên lửa Triều Tiên

Với Hàn Quốc, mối đe doạ của Bình Nhưỡng đến miền Bắc nước này rất hiện hữu. Ông Biden có thể sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ với quốc phòng Hàn Quốc trước một Triều Tiên được vũ trang hạt nhân.

Nhưng mối đe doạ này không chỉ giới hạn ở Bán đảo Triều Tiên. Các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng giờ đây đã đủ khả năng tiếp cận lục địa Mỹ. Bước phát triển này có thể khiến Washington phải chú ý, song cùng với đó là một hệ quả khác: mối đe doạ hiện hữu mà Hàn Quốc đang đối mặt giờ cũng là mối đe doạ hiện hữu với Mỹ.

Nỗi lo ngày một tăng tại Hàn Quốc - nơi hơn 70% người dân hiện ủng hộ một chương trình vũ khí hạt nhân trong nước hơn là phụ thuộc vào đồng minh hùng mạnh - đồng nghĩa rằng ông Yoon sẽ muốn Mỹ tiếp tục đưa ra những sự bảo đảm không chỉ dừng lại ở tuyên bố “mở rộng răn đe” và hứa hẹn về một liên minh “bọc thép”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tuần trước đã tuyên bố với thế giới rằng, ông đang chuẩn bị phóng vệ tinh do thám vào không gian và đang tăng cường thử nghiệm tên lửa đạn đạo, nhất là trong dịp ông Yoon thăm Mỹ. Đây là sự nhắc nhở dành cho 2 đối thủ chính của ông Kim, rằng nhà lãnh đạo này luôn có khả năng khiến họ gặp khó.

Ông Biden cầm ghi chú trong cuộc họp báo với người đồng cấp Hàn Quốc tại Vườn Hồng. Ảnh: AP

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Tuy nhiên, mối đe doạ đặt ra bởi Triều Tiên không phải quan ngại an ninh duy nhất tại Đông Á đối với Mỹ hay Hàn Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc về lực lượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời việc họ được xem là đối thủ của Washington và Seoul xét về các lợi ích kinh tế và chiến lược, là một chủ đề khác rất có thể sẽ được nhắc đến trong hội nghị tại Nhà Trắng.

Trên thực tế, ông Yoon vài ngày trước khi lên đường thăm Mỹ đã đề cập vấn đề Đài Loan trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, cho rằng đó là “vấn đề toàn cầu”, như ngầm tái khẳng định tuyên bố của ông Biden hồi tháng 5/2022 về tầm quan trọng của việc duy trì “hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là yếu tố quan trọng trong an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc vừa có động thái muốn sửa chữa quan hệ với Nhật Bản. Cụ thể, hồi tháng 3, ông Yoon đã gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida trong cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo 2 bên trong 12 năm qua. Không khí hữu hảo hơn giữa Tokyo và Seoul rõ ràng có lợi cho kế hoạch của Washington về việc tạo lập cấu trúc liên minh 3 bên, ứng phó với tầm ảnh hưởng của những nước lớn trong khu vực.

Theo các nhà quan sát, ông Biden cũng sẽ hy vọng cô lập Trung Quốc hơn nữa thông qua các biện pháp kinh tế. Trong chuyến thăm Mỹ, ông Yoon sẽ đến Boston, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong các ngành công nghệ sinh học và công nghệ cao. Chuyến thăm diễn ra trong thời điểm các nhà sản xuất vi mạch hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix đối mặt sức ép từ Mỹ buộc phải cắt giảm hoạt động kinh doanh bán dẫn tại Trung Quốc.

Ông Yoon sẽ tìm cách thúc đẩy đầu tư chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn để bù đắp cho tác động từ việc giảm doanh số bán hàng sang thị trường Trung Quốc.

Ukraine "khát" vũ khí

Tiếp sau đó, vấn đề xung đột tại Ukraine cũng có khả năng được nhắc đến.

Trong quá khứ, Hàn Quốc vẫn chủ yếu khá cục bộ trong các vấn đề an ninh, và điều này có thể hiểu được khi mà vấn đề Bán đảo Triều Tiên thường xuyên nóng. Seoul đến nay vẫn chỉ viện trợ kinh tế và nhân đạo cho Ukraine, dù là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới.

Nhưng tầm nhìn của ông Yoon đối với Hàn Quốc là tầm nhìn về một “quốc gia then chốt toàn cầu”, đặt tự do, giá trị và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ làm trọng tâm của chính sách đối ngoại - và điều đó để ngỏ khả năng can thiệp sâu hơn. Có ý kiến cho rằng, nếu ông Biden có thể kín đáo thuyết phục vị khách của mình cam kết cung cấp nhiều vũ khí và đạn dược hơn cho Ukraine, thì đó sẽ được xem là chiến thắng cho cả tầm nhìn của ông Yoon cũng như của ông Biden.

Các chuyến thăm cấp nhà nước về bản chất là mang tính nghi lễ - và năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 70 năm liên minh Mỹ-Hàn. Nhưng khi các mối quan ngại về chiến lược và kinh tế hội tụ, mối quan hệ trong tương lai giữa các quốc gia đang được định nghĩa lại bằng cách hai đồng minh đối mặt đồng thời với các mối quan tâm địa chính trị ngay cửa ngõ của Hàn Quốc, ở khu vực rộng lớn hơn và thế giới bên ngoài./.

Theo Theo The Conversation, CNA
Copy Link

Mới nhất

x
Thông điệp gì ẩn sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO