Thủ tướng Chính phủ dự chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Tài chính

Trân Châu 06/01/2022 12:07

(Baonghean.vn) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò, kết quả ngành Tài chính đạt được trong năm qua; đồng thời chỉ đạo ngành Tài chính tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu chiến lược.

Sáng 6/1/2022, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Tài chính. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Khái - Phó Thủ tướng Chính phủ, Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Đảng, Quốc hội; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các địa phương và sự tham dự của ngành Tài chính các cấp.


Thực hiện tốt nhiệm vụ "kép"

Vượt qua nhiều sóng gió, khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, ngành Tài chính đã tập trung triển khai công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án trong lĩnh vực tài chính NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính. Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 nghị quyết, trình Chính phủ ban hành 29 nghị định, trong đó nhiều Nghị quyết quan trọng về hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 với số tiền hỗ trợ 144.000 tỷ đồng, giảm thuế 24,6 ngàn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự chỉ đạo Hội nghị tổng kết ngành Tài chính. Ảnh: VOV

Ngành Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Về thu ngân sách, năm 2021 đạt 1.564.000 tỷ đồng, thuế nội địa vượt 14,5% dự toán, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả thu tích cực trong bối cảnh dịch bệnh.

Chi ngân sách đạt 1.979.000 tỷ đồng, trong đó chi 74.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững.

Cùng với đó, chỉ đạo cắt giảm chi thường xuyên để bổ sung vào công tác phòng, chống dịch; lập quỹ vắc xin Covid-19 với số tiền 8,8 ngàn tỷ đồng...

Bộ Tài chính tập trung các giải pháp chống gian lận thương mại; bên cạnh đó triển khai hóa đơn điện tử, đứng đầu bảng xếp hạng về ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Trân Châu

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp tốt với các bộ, ngành địa phương sự nỗ lực của doanh nghiệp, người dân, ngành Tài chính đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiếp tục "thắt lưng buộc bụng"

Phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Trong bối cảnh đặc biệt của năm 2021, vai trò của ngành Tài chính khá bao trùm các lĩnh vực. Ngành Tài chính liên quan chặt chẽ đến tất cả các nhiệm vụ, đã làm tốt vai trò tham mưu cùng với các bộ, ngành giúp Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo an sinh xã hội.

Thủ tướng khẳng định, kết quả năm 2021 của Bộ Tài chính rất quan trọng để năm 2022 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 2021-2025 tốt hơn. Thủ tướng đánh giá cao vai trò tham mưu của ngành Tài chính, nhất là chính sách an sinh xã hội, quỹ vắc xin, tiêm vắc xin phòng bệnh cho nhân dân và các chính sách phục hồi kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2022, ngành Tài chính tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu chiến lược, bám sát thực tiễn, điều chỉnh các công việc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa dự báo được, chủ động thích ứng, đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển các thị trường tài chính; bên cạnh đó khắc phục có hiệu quả các hạn chế.

Ngành Tài chính cần lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy thể chế, có những chính sách đồng hành để phát huy tốt nguồn lực, phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển. Trong bối cảnh khó khăn, tiếp tục tham mưu "thắt lưng buộc bụng" để cân đối tài chính và siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Xuất khẩu hàng hóa tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Văn Hải

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, áp lực lạm phát tăng; trong nước dịch bệnh còn kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến thể mới phức tạp, kinh tế vẫn chậm phục hồi. Để đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,65%, kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4%, ngành cần quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Theo đó, phải điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Hai là, tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách tài chính NSNN, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số.

Ba là, phát triển bền vững, vận hành an toàn thị trường tài chính. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phẩn hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn.

Mới nhất

x
Thủ tướng Chính phủ dự chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO