Thủ tướng phê duyệt hơn 48.397 tỷ đồng để giảm nghèo trên cả nước

03/09/2016 22:44

Tổng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn tới là gần 48.400 tỷ đồng, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm.

thu-tuong-phe-duyet-hon-2-ty-usd-de-giam-ngheo-tren-ca-nuoc

Thủ tướng thăm mô hình trang trạng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tổng kinh phí cho chương trình là 48.397 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), thực hiện trên phạm vi cả nước. Nguồn lực của chương trình ưu tiên đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.

Một trong những giải pháp đầu tiên của chương trình là đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên.

thu-tuong-phe-duyet-hon-2-ty-usd-de-giam-ngheo-tren-ca-nuoc-1

Cả nước có hơn 2,338 triệu hộ nghèo. Ảnh minh hoạ: Trịnh Đào Em

Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 2,338 triệu hộ nghèo (chiếm 9,88% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,235 triệu hộ cận nghèo (chiếm 5,22%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã tăng từ dưới 5% năm 2015 lên gần 10% năm 2016. Sự thay đổi này là do chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 tiếp cận dựa trên việc đo lường thu nhập, còn chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2016-2020 chuyển sang tiếp cận đa chiều, bao gồm việc ước lượng thu nhập và thu thập thông tin về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin).

Riêng về thu nhập, mức chuẩn nghèo mới là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn; 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Bình Dương là địa phương duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo mới. Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo rất thấp, với các mức tương ứng 0,02% và 0,2%.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Thủ tướng phê duyệt hơn 48.397 tỷ đồng để giảm nghèo trên cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO