Thương lái Nghệ An bỏ hàng trăm triệu mua 'vàng đen' trên cây
(Baonghean.vn) -Hiện nay, giá trám nếp - đặc sản của huyện Thanh Chương đang tăng cao theo từng năm. Giá cao, dễ tiêu thụ, thương lái tranh mua nên nhiều lái buôn đã “xuống tiền” hàng trăm triệu đồng mua “quạ” (mua ước chừng theo cảm tính - PV) cả cây khi trám vừa ra hoa, đậu quả.
Trám đen Thanh Chương là loại quả sạch, béo, bùi mang hương vị đặc trưng có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, là đặc sản được nhiều người ưa thích. Những năm qua, giá trám đen quả tươi tăng liên tục, dao động từ 80.000 – 160.000 đồng/kg. Trám đen được giá bởi sạch, ngon và hiếm. Sản lượng trám quả của huyện Thanh Chương ước đạt 300 tấn/năm. Trám đen Thanh Chương được trồng nhiều ở các xã: Cát Văn, Thanh Nho, Thanh Hương, Hạnh Lâm, Thanh Hòa…
Hàng năm, vào đầu Hè, khi trám mới ra hoa, đậu quả, những người buôn trám tỏa đi các địa phương trong và ngoài huyện, tìm nhà có trám để đặt mua. Mùa trám năm nay, chị Phạm Thị Phương ở xóm Nho Liên, xã Thanh Nho (Thanh Chương) đã bỏ ra gần nửa tỷ đồng để mua trám khi còn hoa.
Theo đó, từ đầu tháng 2, khi cây trám vừa ra hoa, chị Phương đã rong ruổi khắp các xã Thanh Nho, Thanh Hòa, Cát Văn, tìm đến các vườn trám để đặt mua. Sau khi “ngắm” các cây trám, xem độ sai của hoa, tuổi đời của cây rồi quyết định “xuống tiền” mua “quạ” cả cây trám khi chưa ra quả.
“Tùy cây, tùy độ tuổi, tùy dự kiến sản lượng trám quả mà định giá. Có những cây chỉ dăm bảy trăm đến 1 triệu đồng nhưng có những cây thì lên đến 15-20 triệu đồng. Nghề buôn trám này lãi hay lỗ phụ thuộc nhiều vào sự may rủi và một ít kinh nghiệm”, chị Phương cho biết.
May rủi ở đây là khi mua trám đang hoa, có khi hoa sai nhưng lại ít đậu quả, hoặc có khi quả non lúc lỉu trên cây nhưng chẳng may thời tiết không thuận, chỉ cần trận giông lốc, trám gãy cành, rụng quả thì coi như lỗ. Ngược lại, nếu năm trám được mùa, được giá thì có lãi, thậm chí lãi đậm.
“Năm 2021, bỏ ra số vốn 600 triệu đồng, trám được mùa nhưng do dịch Covid- 19, không thể tiêu thụ, giá rớt thê thảm nên lỗ cả trăm triệu đồng. Đến năm 2022, bỏ ra gần 500 triệu đồng mua trám khi đang hoa, trám được mùa, được giá, trừ chi phí cũng có lãi gần trăm triệu đồng. Như năm nay, cũng bỏ ra số vốn gần 500 triệu đồng đi mua trám. Đầu tháng 2, hoa trám sai trĩu, nghĩ được mùa nên đặt mua quạ giá cao, không ngờ sang tháng 3, gặp mưa to, hoa rụng hết; sau đó lại nắng hạn, trám mất mùa nên mùa trám này, cầm chắc thua lỗ, nếu giá trám cao thì may ra hòa vốn”, chị Phương chia sẻ.
Có thâm niên buôn trám cả chục năm nay, anh Trần Thắng ở xã Thanh Liên cho rằng, nghề buôn “trám cả cây” thì “được ăn cả, ngã về không”. Bởi mua trám khi đang ra hoa hoặc ra quả non, còn khi thu hoạch, bán lại cho các đại lý là trám chín mà từ khi xuống tiền cho đến khi thu hái kéo dài từ 5-6 tháng trời.
“Trong thời gian đó, những lái buôn như chúng tôi cũng phải thường xuyên thăm vườn, xem cây để xem tỷ lệ trám đậu quả cao không, có bị gãy rụng không, được mùa hay không. Bỏ tiền ra mua khi cây mới ra hoa nên lời lỗ phụ thuộc cả vào trời. Được mùa, được giá thì có lãi; mất mùa, rớt giá thì lỗ. Nhưng thật ra, cũng hiếm khi thua lỗ vì có sự bù trừ. Cả vườn trám vài chục cây, có cây ít quả, có cây nhiều quả; năm mất mùa thì lại được giá nên cái này bù cái kia nên việc thua lỗ cũng không đáng kể”, anh Thắng cho biết.
Cũng theo anh Thắng, trước đây, trám rẻ, lúc chín mới đi mua, mua xong thì thu hái luôn theo kiểu “tiền trao, cháo múc”. Nay trám đắt, nhiều người thu mua nên dân buôn trám phải mua trám non, thậm chí là mua khi cây vừa ra hoa với số vốn lớn, ít thì dăm bảy chục triệu đồng, nhiều thì cả vài trăm triệu đồng, thậm chí có những “trùm trám” bỏ cả tỷ đồng.
Khi mua thì cây trám mới chỉ ra hoa hoặc quả non, chờ đến khi trám chín thì thuê người đi thu, hái, bán lại cho các “đầu nậu” để kiếm lời.
“Ngoài được mất do trời thì cũng có trường hợp, trám mua rồi, đến khi chín chưa kịp hái thì bị kẻ gian hái trộm, hoặc gặp chủ nhà không tốt cũng tỉa bớt quả”, anh Đình Mạnh - một lái buôn trám ở xã Hoà Sơn (Đô Lương) cho biết.
Trồng 500 cây trám nếp, trong đó, có 150 cây đã cho thu hoạch, tất cả đều là giống trám bản địa, bùi, thơm, dẻo nên ngay từ khi cây trám mới ra hoa, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 4, xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) đã được nhiều thương lái đến mua non. Thế nhưng, năm nay, chị Hoa lại không bán trám non mà chờ chín, thu hái rồi cân bán cho thương lái.
Bởi như năm ngoái, 3 tấn trám chín, bán với giá cao, gia đình chị thu về gần 200 triệu đồng. Còn năm trước đó, bán trám non thì gia đình chị chỉ thu về được 120 triệu đồng. Hoặc có năm, sau khi nhận tiền từ người buôn, có cây 1 triệu đồng, có cây đến 20 triệu đồng, cả vườn trám được bán quạ với giá 150 triệu đồng, nhưng đến khi họ thu hoạch thì chỉ được khoảng 1 tấn trám, chưa đầy 100 triệu đồng.
“Bán quạ trám khi đang hoa hoặc quả non thì cả người mua và người bán đều phụ thuộc may rủi. Năm trám được mùa, được giá, mình lỡ bán non với giá thấp sau lại tiếc và ngược lại, năm mất mùa, mất giá, lượng trám chín bán ra thấp thua so với số tiền thương lái bỏ ra mình cũng không đành. Do đó, năm nay, dù rất nhiều thương lái vào xem vườn, đặt cọc khi trám mới ra hoa nhưng chúng tôi không nhận của ai cả, chờ trám chín thì thu hái, cân bán”, chị Hoa cho biết.