Thiêng liêng ngày Rằm tháng Bảy ở Nghệ An

Công Khang - Ngọc Phương - Mai Giang - Phan Hiền 30/08/2023 12:17

(Baonghean.vn)- Nhiều vùng quê ở Nghệ An người dân tổ chức cúng Rằm tháng Bảy, là dịp để hướng về tổ tiên, nguồn cội, thể hiện lòng thành kính, tri ân và gửi gắm ước mong trong cuộc sống.

Hướng về nguồn cội

Hàng năm, cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy, hàng ngàn phật tử và bà con nhân dân huyện Diễn Châu lại tìm về tham dự lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Cổ Am, xã Diễn Minh. Mỗi người đến chùa đều có một nguyện cầu nhưng ai cũng nhớ về cha mẹ, tổ tiên nguồn cội.

Chị Phạm Thị Vinh, xóm 4, xã Diễn Yên cho biết: “Mỗi năm đến dịp Rằm tháng Bảy, tôi đến đây cầu nguyện cho cha mẹ luôn khỏe mạnh, sống hạnh phúc, sống lâu bên con cái. Cũng mong cầu cho con cái mình nề nếp ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ”.

bna_8.jpg
Lễ Vu Lan tại chùa Cổ Am (Diễn Châu). Ảnh: Mai Giang

Với quan niệm “Cả năm có Rằm tháng Bảy” nên với người dân vùng biển Diễn Châu xem Rằm tháng Bảy được như một ngày lễ thiêng liêng. Dịp này, hơn 1.400 tàu thuyền đều về bến, mọi người sẽ cùng đi nhau đi sắm sửa mâm lễ cúng chu đáo, cùng quây quần về bên cha mẹ để ôn lại những kỷ niệm, ghi nhớ công ơn sinh thành.

Ngư dân Cao Văn Ba, chủ chiếc tàu 800 CV ở xã Diễn Bích đánh bắt ở vùng khơi xa nhưng chiều 14, tàu đã cập cảng để 8 thuyền viên về ăn Rằm. Anh chia sẻ: “Người vùng biển xem Rằm tháng Bảy thiêng liêng lắm. Tàu nào cũng đậu nhà, làm mâm cúng ông bà, báo hiếu cha mẹ rồi anh em gặp mặt nhau trò chuyện quây quần, đoàn kết cùng động viên nhau vượt qua khó khăn”.

bna_2.jpg
Lễ tế tổ tại dòng họ Nguyễn, xã Diễn Hùng (Diễn Châu). Ảnh: Mai Giang

Cùng với làm lễ cúng và tổ chức các hoạt động báo hiếu tại gia đình, nhiều dòng họ Diễn Châu đã tổ chức lễ tế tổ hoặc lễ cúng tại nhà thờ dịp Rằm tháng Bảy. Với đạo lý “Uống nước nhờ nguồn”, dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu cũng luôn hướng về cội nguồn.

bna_4.jpg
Cỗ cúng Rằm tháng Bảy tại nhà thờ họ Trần Quang, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu). Ảnh: Hồng Diện

Theo ông Nguyễn Văn Vinh – Tộc trưởng họ Nguyễn ở xã Diễn Ngọc, dòng họ chọn ngày Rằm tháng Bảy là ngày tế tổ. Ngày đó, những bậc cao niên thường kể về công trạng, sự nghiệp và cuộc đời của cụ Tổ để con cháu ghi nhớ và tự hào. Đồng thời, cầu mong tổ tiên phù hộ con cháu khoẻ mạnh, học hành, lao động tiến bộ, họ hàng đoàn kết và phát động khuyến học, khuyến tài.

Ghi nhớ công ơn

Cũng như ở Diễn Châu, nhiều dòng họ ở Đô Lương cũng tổ chức tế tổ dịp Rằm tháng Bảy. Đã thành phong tục truyền thống, nhà thờ đại tôn Nguyễn Văn ở khối 6 thị trấn Đô Lương tổ chức lễ tế vào 17 giờ ngày 14/7 âm lịch. Trước khi chuẩn bị lễ tế, mọi người đều tập trung tại nhà thờ đầy đủ, ban hành lễ mặc áo dài truyền thống. Việc dâng hương, dâng lễ diễn ra nề nếp, trật tự.

bna_3.jpg
Nhiều dòng họ ở Đô Lương tổ chức tế tổ vào Rằm tháng Bảy. Ảnh: Ngọc Phương

Rằm tháng 7 con cháu ở muôn phương đều hướng về nhà thờ họ, dù bận rộn vẫn thu xếp để về lễ tạ ơn đức tổ tiên, cùng anh em dự lễ tế tổ thiêng liêng. Lễ tế tổ được các dòng họ tổ chức một cách trang trọng với đủ các lễ nghi truyền thống như: Quán tẩy sớ (rửa tay sạch sẽ trước khi tiến hành lễ), cửu soát lễ vật (kiểm tra lễ vật đã đầy đủ trên bàn thờ hay chưa), dâng hương, tiến tửu, đọc văn tế…

Anh Nguyễn Trọng Thành, người dân xã Minh Sơn cho biết: “Dù bận đến mấy, đến buổi tế họ tôi luôn có mặt, bởi đó là trách nhiệm của mình đối với dòng họ, tổ tiên. Có dòng họ, tổ tiên thì mới có bản thân mình, một gốc rợp bóng- trăm cành tỏa hương”.

bna_5.jpg
Dòng họ Nguyễn Đình, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) tế tổ. Ảnh: Đình Tuyên

Đô Lương hiện có trên 1.000 dòng họ, ngoài việc cúng tế tại nhà thờ đại tôn, nhà thờ chi, phái thì hầu như nhà nào cũng cúng Rằm tháng Bảy tại gia đình mình. Ngoài ý nghĩa nhớ về tổ tiên thì mâm cơm ngày Rằm còn là dịp để gia đình đoàn tụ để hàn huyên, trò chuyện vui vẻ, ôn lại kỷ niệm…

Mỗi năm, vào dịp cuối Hạ, đầu Thu, trong tâm khảm mỗi người con quê lúa Yên Thành ở mọi miền quê đều hướng về nguồn cội, hướng về Rằm tháng Bảy để ghi nhớ công đức tổ tiên. Cùng tụ hội nơi nhà thờ họ tộc, gia tiên để soạn sửa, trang hoàng bàn thờ, mâm cỗ cung tiến tổ tông với tấm lòng tri ân, thành kính.

bna_1.jpg
Nhà thờ của nhiều dòng họ ở Nghệ An náo nức tiếng trống tế trong ngày Rằm tháng Bảy. Ảnh: Đình Tuyên

Là cháu ngoại họ Trương Văn, mấy chục năm nay, bà Nguyễn Thị Hà luôn bảo ban con cháu sắp xếp mọi công việc, tranh thủ về nhà thờ chi 3, phái 3 họ Trương Văn ở khối 4 , thị trấn Yên Thành để chuẩn bị đón Rằm tháng Bảy. Dẫu ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng đôi tay bà vẫn thoăn thoắt, lách gọt vỏ cau, đĩa trầu, đóng góp sức mình cùng con cháu bày biện dâng lên bàn thờ tổ tiên mâm cỗ đủ đầy hương vị quê hương.

Ông Trương Văn Trí - Tộc trưởng chi 3, phái 3 họ Trương Văn chia sẻ: Đối với họ chúng tôi, Rằm tháng Bảy là quan trọng nhất. Vì thế, con cháu đều trở về nhà thờ họ dâng lễ vật, nén hương thơm với tấm lòng thành kính bày tỏ lòng tri ân ông bà, tổ tiên.

bna_7.jpg
Với nhiều dòng họ ở Nghệ An, Rằm tháng Bảy là dịp tế tổ, cũng là dịp để con cháu hội ngộ, xây dựng tình đoàn kết họ hàng. Ảnh: Đình Tuyên

Cúng Rằm tháng Bảy là một nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ từ bao đời nay. Chính vì thế, hầu hết các gia đình, họ tộc trên địa bàn huyện lúa Yên Thành đều tổ chức với tâm niệm nhớ ơn đạo sinh thành, gây dựng dòng tộc của tổ tiên, là dịp để nhắc nhở mọi người hướng về nguồn cội, thể hiện sự hiếu kính đối với tổ tiên.

Cùng với Diễn Châu, Đô Lương và Yên Thành, nhiều dòng họ ở các vùng quê Nghệ An như Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Thanh Chương và Anh Sơn cũng tổ chức tế tổ. Qua đó thể hiện nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hóa luôn được người dân duy trì và phát triển trong đời sống hôm nay…

Mới nhất

x
Thiêng liêng ngày Rằm tháng Bảy ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO