Tinh thần xóm giúp xóm, xã giúp xã, cộng đồng chung tay để 'vượt' lụt
(Baonghean.vn) - Những ngày này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang trải qua đợt mưa lũ lịch sử, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong thiên tai, tinh thần đoàn kết, nhân ái lại bừng sáng...
Xuyên đêm vác lúa, di chuyển trâu, bò
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã diễn ra mưa lớn kéo dài, gây ngập úng, lũ lụt, tràn đê, lở đất... ở nhiều địa phương như Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn, Hoàng Mai, TP. Vinh,… Nhiều thôn, xóm, phường, xã đã bị nước lũ bao vây, cô lập, chia cắt; hàng nghìn ngôi nhà ngập sâu trong nước; cuộc sống của người dân hoàn toàn bị đảo lộn...
Lũ ngập sâu vùng rốn lũ Bích Hào (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư |
Trong khó khăn, hoạn nạn, bà con các địa phương trong tỉnh đã phát huy tinh thần tự lực, đoàn kết, gắn bó, tương trợ, giúp đỡ nhau. Ngoài sự quan tâm của chính quyền, ban, ngành các cấp, người dân ở các xã, huyện đã nỗ lực, chủ động ứng phó và chung tay hỗ trợ cộng đồng chống lũ.
Mưa to, lũ lên nhanh, nhiều thôn, xóm, nhiều gia đình phải chạy lũ cả đêm. Các cơ quan chức năng cùng người dân nhiều địa phương đã thức trắng để chống lũ. Nơi đâu nghe tiếng trống, tiếng kẻng báo động, là mọi người lại sẵn sàng vượt lũ, chia thành các nhóm nhỏ, về từng xóm giúp đỡ các gia đình bị ngập, sơ tán người già, trẻ em, vận chuyển lương thực, di chuyển gia súc, gia cầm...
Người dân xã Thanh Xuân (Thanh Chương) giúp nhau di chuyển tài sản tránh lũ. Ảnh: Huy Thư |
Tại xóm Phú Lập, nơi bị ngập nặng nhất ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương) nhưng tình người lại ấm áp hơn bao giờ hết. Giữa lúc nước ngập tứ bề, đe dọa cả tính mạng, người dân vẫn chung tay thu hoạch sắn chạy lũ, thành lập đội cứu hộ hoạt động suốt ngày đêm để giúp dân chuyển lúa, di dời trâu, bò, chở người đi mua thuốc, đi bệnh viện, chở hàng cứu trợ…
Chị Nguyễn Thị Huế - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Xuân (Thanh Chương), đồng thời là thành viên tích cực của đội cứu hộ chia sẻ: Mỗi mùa lũ, xã Thanh Xuân thường bị ngập trong biển nước, riêng xóm Phú Lập bị ngập nặng nhất. Trong hoàn cảnh đó, các hộ dân đã hết lòng giúp đỡ nhau. Đặc biệt, từ khi con em xa quê ủng hộ một chiếc thuyền nhựa chạy bằng động cơ, đội cứu hộ của xóm hoạt động hiệu quả hơn, hỗ trợ được nhiều gia đình hơn.
Trong khó khăn, thiếu thốn, người dân vùng lũ chia sẻ cho nhau từng can, bình nước sạch. Ảnh: Huy Thư |
Cùng với những đội cứu hộ, xung kích, trên địa bàn Thanh Chương, đội thiện nguyện “Chuyến xe 0 đồng” hoạt động liên tục, bất chấp nước lũ, tích cực vận chuyển quà từ thiện để trao tặng cho người dân. Hội những người sửa đồ điện trong huyện còn tổ chức sửa chữa miễn phí cho người dân vùng lũ...
Không chỉ ở huyện Thanh Chương, nhiều địa phương khác trong tỉnh như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu…, người dân cũng phát huy cao độ tinh thần tự giác, sẵn sàng giúp nhau trong thiên tai bão lũ: xóm giúp xóm, xã giúp xã, các địa phương giúp đỡ lẫn nhau.
Có lẽ hình ảnh khiến nhiều người xúc động về tình quê giữa ngày lũ lụt là cảnh hàng chục người dân xã Diễn Đoài (Diễn Châu) cùng nhau giúp đỡ một trang trại nuôi gà trên địa bàn, vặt lông, sơ chế gần 4.000 con gà bị chết vì ngập lũ, để nhập cho các sở thú, vớt vát phần nào vốn liếng đã bỏ ra.
Người dân xã Diễn Đoài (Diễn Châu) chung tay giúp đỡ chủ trang trại gà sơ chế gà chết vì ngập lũ để nhập cho các sở thú. Ảnh: Văn Hậu |
Bộ đội giúp dân đắp đê chống lũ ở xã Thanh Lương (Thanh Chương). Ảnh: C.T.V |
Cộng đồng chung tay giúp dân vùng lụt
Khi “nước bạc phủ trắng làng quê”, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã kịp thời tổ chức các hoạt động cứu trợ, thăm hỏi, tặng quà; người dân các huyện đã tình nguyện nấu cơm, nấu xôi để tiếp tế cho bà con các địa phương bị ngập nặng, quyên góp tiền bạc mua nhu yếu phẩm, mỳ tôm… gửi tặng bà con vùng lũ.
Đội thiện nguyện "Chuyến xe 0 đồng" ở Thanh Chương chèo thuyền vượt lũ trao quà từ thiện cho người dân. Ảnh: Huy Thư |
Những ngày này, nhiều chuyến xe nghĩa tình chở đầy lương thực, thực phẩm, nước uống, áo phao, thuốc chữa bệnh... của đồng bào các tỉnh, thành cả nước cũng đã bắt đầu có mặt ở Nghệ An kịp thời hỗ trợ bà con vùng lũ. Không ít người con xứ Nghệ xa quê đã đáp tàu, máy bay về nhà để đi làm việc thiện, có người huy động cả nhân lực, phương tiện (ô tô, thuyền) đưa về quê để giúp dân chống lũ.
Tham gia đội quân xung kích, vật lộn giữa mưa gió giúp dân chống lũ, đồng hành cùng các hội, đoàn thể trao quà từ thiện cho người dân địa phương, anh Nguyễn Đức Tây (25 tuổi) ở xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) chia sẻ: Những ngày này, nước lũ đang ngập một số xóm. Các lực lượng cứu hộ của thanh niên xóm 2, thanh niên Giáo xứ Bến Đén cùng dân quân xã và bà con nhân dân đang cố gắng tiếp tế lương thực, vừa vận chuyển đồ đạc, xe cộ, gia súc, gia cầm của các hộ dân bị ngập đi tránh lũ...
"Đến với người dân vùng lũ mới tận mắt thấy nỗi vất vả của bà con. Giữa lũ lụt, những món quà nhu yếu phẩm đơn sơ, chất chứa tình cảm của mọi người, trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Bà con lương dân và giáo dân ở đây đã và đang đoàn kết, chung tay vượt lũ. Mong cho nước lũ rút nhanh để bà con khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống” - anh Tây nói.
Thanh niên xóm 2, xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) giúp đỡ người dân địa phương di chuyển tài sản tránh lũ. Ảnh: Văn Tây |
Được biết, trong đợt mưa lũ từ ngày 28/9 đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã có 8 người tử nạn vì các nguyên nhân khác nhau, như đuối nước, điện giật… Trong đó, vụ đuối nước thương tâm của vợ chồng anh Nguyễn Văn A. ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) bỏ lại 3 người con nhỏ dại khiến mọi người không khỏi xót xa.
Chính quyền, ban, ngành các cấp, cộng đồng xã hội, các hội nhóm từ thiện… đã quan tâm, động viên kịp thời, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần, nhằm giúp đỡ gia đình các nạn nhân, đặc biệt là 3 cháu nhỏ mồ côi ở huyện Nghi Lộc. Đó chính là những tình cảm chân thành, những chia sẻ đầy trách nhiệm của cộng đồng, xã hội hướng về những hoàn cảnh đau thương.
Xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) tổ chức hỗ trợ người dân bị ngập lũ ở địa phương Ảnh: Hồng Tượng |
Vẫn biết, hậu quả của bão lũ là rất lớn, có những mất mát, đau thương không gì bù đắp nổi, nhưng với sự nỗ lực, vượt khó của người dân, sự quan tâm của ban, ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương, của cộng đồng xã hội với những món quà ý nghĩa, thiết thực đã làm ấm lòng người dân vùng lũ.
Trong thiên tai lũ lụt, một lần nữa, tinh thần đoàn kết, sẻ chia của quân - dân các địa phương trong và ngoài tỉnh lại được thắp sáng và lan tỏa. Truyền thống tương thân, tương ái, tính cách kiên cường của con người Nghệ An đang được phát huy hơn bao giờ hết, góp phần động viên, tiếp sức người dân vùng lũ vượt lên khó khăn, chiến thắng lũ lụt, ổn định cuộc sống.