Tổng thống Mỹ 'tuyên chiến' với truyền thông xã hội​

Hoàng Bách 30/05/2020 08:05

(Baonghean) - Hôm 28/5, chỉ vài ngày sau khi mạng xã hội Twitter gán nhãn cảnh báo cho 2 dòng trạng thái trên trang cá nhân của mình là “có thể gây hiểu nhầm”, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ký ban hành sắc lệnh hành pháp nhắm vào đối tượng là các công ty truyền thông xã hội, với tuyên bố nhằm “bảo vệ sự tự do ngôn luận khỏi một trong những mối nguy hiểm lớn nhất từng phải đối diện trong lịch sử Mỹ”.

Cơn thịnh nộ của Tổng thống Trump

“Sự tình” bắt đầu hôm 26/5, khi Twitter - một trong những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay - gán cảnh báo tự động đề nghị người dùng kiểm chứng lại thông tin trong 2 bài đăng của ông Trump, trong đó có một bài chứa nội dung liên quan đến việc bỏ phiếu qua bưu điện trong bối cảnh sắp sửa diễn ra bầu cử giữa đại dịch Covid-19.

Gần như ngay lập tức, ông chủ Nhà Trắng đã “phản đòn”, cáo buộc ông lớn truyền thông xã hội lạm dụng quyền kiểm duyệt và cảnh báo nếu hãng này vẫn tiếp tục thêm “phụ lục” cho các thông điệp của mình, ông sẽ sử dụng quyền hành của Chính phủ Liên bang để kiềm chế hoặc thậm chí là đóng cửa nó.

Chỉ 2 ngày sau, dư luận sục sôi về thông tin nhà lãnh đạo xứ cờ hoa ban hành sắc lệnh mới, kèm theo tuyên bố của ông: “Vài đơn vị độc quyền truyền thông xã hội kiểm soát một phần lớn thông tin liên lạc công khai và riêng tư tại Mỹ. Họ sở hữu quyền năng không bị kiểm soát đối với việc kiểm duyệt, hạn chế, chỉnh sửa, định hình, che đậy, thay đổi, gần như là bất cứ dạng trao đổi thông tin nào giữa cá nhân các công dân với đông đảo công chúng”.

Tổng thống Trump chuẩn bị ký sắc lệnh hành pháp về các công ty truyền thông xã hội tại Phòng Bầu dục hôm 28/5. Ảnh: AFP
Tổng thống Trump chuẩn bị ký sắc lệnh hành pháp về các công ty truyền thông xã hội tại Phòng Bầu dục hôm 28/5. Ảnh: AFP

Hãng tin CNN cho biết, nội dung sắc lệnh hành pháp nói trên nhắm vào Đạo luật Điều tiết Truyền thông (CDA) được ban hành năm 1996. Mục 230 của CDA cho phép quyền miễn trừ đối với các trang web quản lý và điều tiết các nền tảng riêng, và được các chuyên gia pháp lý miêu tả là “26 từ tạo ra mạng internet".

Theo sắc lệnh vừa được ký ban hành, Bộ Thương mại Mỹ sẽ yêu cầu Ủy ban Thông tin liên lạc Liên bang (FCC) đưa ra những quy định mới làm rõ khi nào hoạt động của một công ty có thể vi phạm các điều khoản về tính trung thực trong Mục 230 của Đạo luật Điều tiết Truyền thông. Động thái này được cho là có thể khiến các công ty công nghệ dễ đứng trước khả năng bị kiện tụng hơn.

Không chỉ có vậy, sắc lệnh còn hướng dẫn Bộ Tư pháp tham vấn với tổng chưởng lý các bang liên quan đến các cáo buộc về sự thiên vị chống lại quan điểm bảo thủ; đồng thời cấm các cơ quan liên bang quảng cáo trên các nền tảng bị cáo buộc vi phạm các điều khoản của Mục 230.

Cuối cùng, sắc lệnh sẽ chỉ đạo Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) báo cáo các khiếu nại về sự thiên vị mang màu sắc chính trị mà Nhà Trắng thu thập được và xem xét kiện các công ty bị cáo buộc vi phạm Mục 230 theo cách diễn giải của chính quyền Trump. Tuy vậy, những điều khoản liên quan đến FTC có thể đặt ra nhiều dấu hỏi pháp lý, bởi FTC được xem là một cơ quan độc lập không nhận lệnh từ Tổng thống.

Như vậy, trong mắt giới quan sát, sắc lệnh là phép thử đối với giới hạn quyền uy của Nhà Trắng, tìm cách hạn chế quyền năng của các nền tảng truyền thông xã hội lớn thông qua diễn giải lại quy định vốn được xem là “lá chắn” bảo vệ các trang web và các công ty công nghệ khỏi các vụ kiện.

Tuy nhiên, với các chuyên gia pháp lý ở cả 2 cánh tả và hữu đều đã đặt ra quan ngại nghiêm túc về đề xuất nói trên, cho rằng chúng có thể vi hiến. Thượng nghị sỹ bang Oregon xuất thân từ đảng Dân chủ Ron Wyden, “kiến trúc sư” của CDA phát biểu: “Ông Trump đang cố gắng tước quyền của tòa án và Quốc hội để viết lại bộ luật đã có nhiều thập kỷ qua. Ông ta quyết định điều gì là hợp pháp dựa trên thứ có lợi cho mình”.

Bài đăng của ông Trump về bỏ phiếu qua đường bưu điện bị gán nhãn cần kiểm chứng thông tin. Ảnh: AFP
Bài đăng của ông Trump về bỏ phiếu qua đường bưu điện bị gán nhãn cần kiểm chứng thông tin. Ảnh: AFP

Cuộc chiến với truyền thông xã hội

Cũng theo CNN, sắc lệnh mới được Trump ký là sự đánh dấu một bước leo thang đột ngột trong cuộc chiến của nhà lãnh đạo này với các hãng công nghệ, trong bối cảnh các công ty này đang phải vật lộn với vấn đề thông tin giả trên truyền thông xã hội.

Từ trước đến nay, người ta đã chứng kiến không ít lần ông Trump cáo buộc các trang mạng xã hội thiên vị chính trị, kiểm duyệt phát ngôn của những người theo đường hướng bảo thủ. Phản ứng trước thông tin mới, các công ty công nghệ như Facebook và Google nói rằng đề xuất của Trump đặt ra nguy cơ gây tổn hại cho mạng internet cũng như nền kinh tế số.

Trong tuyên bố đưa ra, người phát ngôn Facebook Andy Stone khẳng định: “Bằng việc bắt các công ty có thể phải chịu trách nhiệm về mọi thứ mà hàng tỷ người trên khắp thế giới phát ngôn, điều này sẽ trừng phạt các công ty lựa chọn cho phép các phát ngôn gây tranh cãi và khuyến khích các nền tảng kiểm duyệt bất cứ điều gì có thể chọc giận bất cứ ai”.

Còn Riva Sciuto đại diện cho Google lên tiếng: “Phá hoại Mục 230 theo cách này sẽ làm tổn thương nền kinh tế của Mỹ cũng như vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ về tự do mạng internet”. Trong khi đó, “người trong cuộc” Twitter lại cho rằng, sắc lệnh của Tổng thống Mỹ mang “màu sắc chính trị”…

Nhưng với những gì mà người ta từng được biết về tính cách của ông Trump, có lẽ như một số ý kiến nhận định, bản thân ông xem đây là “cuộc chiến” cần phải tiến hành. Khúc mắc mới của Tổng thống Mỹ với Twitter càng củng cố thêm quan điểm cá nhân của ông, rằng có nhiều lực lượng hùng mạnh trong giới truyền thông đoàn kết chống lại ông, và tiếng nói của ông là thứ duy nhất mà những người ủng hộ có thể tin tưởng.

Jason Miller - Giám đốc truyền thông trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump và là người trực tiếp can thiệp chiến lược truyền thông xã hội của ông chủ Nhà Trắng nhận định: “Tình thế này có lợi cho Tổng thống Trump. Về cơ bản họ đã trao cho ông một món quà lớn".

Động thái gán nhãn cảnh báo của Twitter đối với các bài đăng của ông Trump đã khơi mào phản ứng giận dữ từ phía Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Hôm 27/5, nhiều đồng minh chính trị cũng đã lên tiếng ủng hộ ông, đơn cử như Nghị sỹ Florida, xuất thân đảng Cộng hòa Matt Gaet với quan điểm: “Twitter đang can thiệp vào cuộc bầu cử 2020. Họ đang nhúng ngón tay làm sai lệch cán cân. Quan niệm rằng họ sẽ thuê ngoài những người luôn sai lầm về mọi thứ để kiểm chứng sự thật là một sự xúc phạm”.

Như “thêm dầu vào lửa”, quản lý chiến dịch tranh cử của Trump là Brad Parscale khẳng định ê kíp của ông sẽ không chi trả quảng cáo trên Twitter nữa, và cáo buộc ông lớn công nghệ này cố ý gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử để gây tổn hại cho Trump.

Nhưng điều thú vị là, dẫu “cơm không lành, canh không ngọt” với đối phương đến mức ông Trump tuyên bố không có gì hơn ngoài việc bỏ tài khoản Twitter đi, song nhà lãnh đạo này vẫn quyết định giữ lại. Bởi theo ông, đây là cách để phá vỡ “âm mưu” của cánh báo chí và đưa quan điểm của mình đến với hàng triệu người theo dõi, ủng hộ mình!

Câu chuyện chưa biết sẽ “hạ màn” như thế nào, cũng không rõ liệu động thái của Trump có phải là “đòn gió” cảnh cáo các công ty truyền thông xã hội rằng hãy để mặc ông “tung hoành” và chớ nối gót Twitter như vừa qua hay chỉ là kế “điệu hổ ly sơn” để đánh lạc hướng chú ý của dư luận khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 như cáo buộc của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Chỉ biết chắc một điều rằng, tổn thất với các ông lớn công nghệ là có thật, khi chứng khoán của Twitter đã giảm 4%, Facebook 1,6%... trong phiên giao dịch cùng ngày sắc lệnh được ký; còn các cơ quan hữu quan sắp sửa bận rộn để thực thi những nội dung theo lệnh của ông chủ Nhà Trắng.

Mới nhất
x
Tổng thống Mỹ 'tuyên chiến' với truyền thông xã hội​
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO