Tổng thống Trump gỡ khó bài toán kinh tế trong cuộc đua nước rút

Mỹ Nga 22/07/2020 08:57

(Baonghean.vn) - Gói viện trợ của chính phủ về khôi phục kinh tế có thể sớm kết thúc, các trường học xáo trộn kế hoạch tái mở cửa, và việc xem xét lại mở cửa nền kinh tế tại các bang đã khiến nhiều doanh nghiệp sụp đổ…Đây là thời điểm khó khăn cho các trợ lý và cố vấn của Tổng thống Trump khi muốn gỡ “quả bom” kinh tế.

Gian nan tái mở cửa trường học

Bối cảnh hiện tại là một hỗn hợp đầy thách thức đối với Tổng thống Trump, giữa lúc tỷ lệ tín nhiệm của ông đang giảm sút. Tuy nhiên, trong các cuộc thăm dò dư luận, trong lĩnh vực kinh tế ông vẫn nhận được kết quả tốt hơn đối thủ Joe Biden - ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Theo cuộc khảo sát gần đây của WSJ/NBC News, 54% cử tri đồng ý với cách Tổng thống Trump xử lý vấn đề kinh tế, ngay cả khi mức tín nhiệm tổng thể của ông chỉ còn 42%.

“Nếu tổng thống muốn chứng kiến nền kinh tế đi lên theo một quỹ đạo mới vào đầu tháng 10, thì các trợ lý của ông Trump phải tận dụng mọi cơ hội tốt nhất. Và 6 tuần tới là thời điểm rất quan trọng cho những nỗ lực đó”.

Michael Strain - Giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện doanh nghiệp Mỹ

So với đối thủ Joe Biden, Tổng thống Trump vẫn được cử tri đánh giá cao trong xử lý các vấn đề kinh tế. Ảnh: NBC News
So với đối thủ Joe Biden, Tổng thống Trump vẫn được cử tri đánh giá cao trong xử lý các vấn đề kinh tế. Ảnh: NBC News

Việc có nhiều trường mở cửa trở lại vào đúng Ngày Lao động Mỹ (7/9) có lẽ là điều quan trọng nhất ngay lúc này, khiến chính quyền Trump phải gây áp lực lên các địa phương nhằm tìm cách tái mở cửa trường học, ngay cả khi nhiều trường đại học lớn khắp cả nước đã công bố kế hoạch học trực tuyến trong mùa tuyển sinh mới. Chuyên gia Michael Strain cho rằng: “Không thể có một nền kinh tế mở khi các trường học vẫn đóng cửa. Các nhà hoạch định chính sách địa phương dường như muốn có cả hai, song điều đó là bất khả thi. Nhiều trường hợp phụ huynh không thể yên tâm đi làm khi con cái ở nhà. Còn đối với những người vừa ở nhà trông con vừa làm việc, năng suất lao động đang bị giảm sút”.

Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà trắng trong bản tóm tắt lưu hành nội bộ vào tuần trước cho thấy doanh thu của các trường học sẽ giảm từ 7-11% nếu học sinh, sinh viên không đến trường. Một số trợ lý cao cấp phàn nàn rằng, nhẽ ra các trường học nên là ưu tiên hàng đầu, thì Nhà Trắng lại chú ý vào việc mở cửa trường học quá muộn sau khi suốt một thời gian dài chỉ tập trung để tái mở cửa nhà hàng, quán bar, và doanh nghiệp nhỏ trên khắp các tiểu bang.

Còn bây giờ, việc tái mở cửa trường học trở thành câu chuyện trọng tâm của tổng thống và các trợ lý. Do đó, một trong những phương án thuyết phục mà các quan chức chính phủ cấp cao đưa ra là phân bổ lại ngân sách, hoặc cấp thêm tiền cho trường học, hay dành một phần gói kích thích kinh tế sắp tới cho các địa phương để họ trang trải chi phí liên quan tới tái mở cửa trường học giữa đại dịch.

Một ngôi trường tại New York City, Mỹ. Ảnh: Reuters
Một ngôi trường tại New York City, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong chiến dịch tranh cử gần đây, mọi ý tưởng của Tổng thống Trump đều nghiêng về việc tái mở cửa trường học, xem đây là một thông điệp tranh cử quan trọng, bất chấp những quan điểm trái ngược cùng lời cảnh báo từ các giáo viên và quan chức y tế. Dường như Tổng thống Trump có ít công cụ để buộc các bang và các trường học mở cửa trở lại, ngoài việc gây áp lực tuyệt đối bằng các quyết định hành chính.

Tranh cãi trợ cấp thất nghiệp

Trong khi cuộc tranh luận tái mở cửa các trường học chưa ngả ngũ, bảo hiểm thất nghiệp – huyết mạch kinh tế của hàng triệu gia đình Mỹ sẽ hết hạn trong chưa đầy 10 ngày tới, đẩy các gia đình vào cảnh vô định. Quốc hội sẽ mở phiên họp trong tuần này, các nhà lập pháp sẽ tranh luận về việc có nên gia hạn trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần hay không.

Nếu cú đánh này thật sự xảy ra, nó sẽ được cảm nhận không chỉ bởi những người thất nghiệp mà còn bởi những người buôn bán, mà rộng hơn là đe dọa nền kinh tế. Cắt giảm lợi ích của số đông cùng một lúc đồng nghĩa khiến mức chi tiêu cộng đồng (gần 19 tỷ USD/tuần) sụt giảm.

"Số tiền 600 USD/tuần có ý nghĩa rất to lớn đối với người lao động và nền kinh tế. Những lợi ích thất nghiệp đã đóng vai trò như “cái nạng” quan trọng cho nền kinh tế. Đó là lý do khiến Quốc hội nên duy trì khoản thanh toán 600 USD/tuần”.

Ryan Nunn - người đứng đầu nghiên cứu ứng dụng tại Ngân hàng dự trữ liên bang Minneapolis

Các nhà lập pháp Quốc hội sẽ có cuộc họp trong tuần này nhằm thảo luận về việc gia hạn gói hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: WSJ
Các nhà lập pháp Quốc hội sẽ có cuộc họp trong tuần này nhằm thảo luận về việc gia hạn gói hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: WSJ

Trong khi đó, một số cố vấn kinh tế bên ngoài Nhà Trắng của Tổng thống Trump như nhà kinh tế học Stephen Moore thuộc Tổ chức Di sản, đã kêu gọi chính phủ chấm dứt trợ cấp 600 USD/tuần cho những người Mỹ thất nghiệp, bởi chính sách này không phù hợp với mục tiêu khôi phục nền kinh tế. Quan điểm của Stephen Moore cho rằng, không thể trả tiền cho những người không làm việc, và phải từ bỏ phương án đó, đồng thời trở lại với hệ thống trợ cấp thất nghiệp truyền thống.

“Số phận tái đắc cử của tổng thống phụ thuộc vào quyết định đúng đắn này và tạo tiền đề cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ vào mùa thu. Tổng thống Trump sẽ dành được chiến thắng nếu nền kinh tế phục hồi với tốc độ tốt, nhưng trong lúc này điều đó không chắc chắn”

Stephen Moore - nhà kinh tế học thuộc Tổ chức Di sản

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Trump đã công khai các ý tưởng bao gồm hoàn thuế trực tiếp nhiều hơn cho người nộp thuế, bảo vệ trách nhiệm cho công nhân và doanh nghiệp, chi tiêu ngân sách cho cơ sở hạ tầng và viện trợ mục tiêu dành cho địa phương trong nỗ lực đẩy lùi Covid-19. Nhà Trắng hy vọng rằng, gói viện trợ tiếp theo sẽ bao gồm hàng chục tỷ USD để đảm bảo giáo viên có thể quay lại trường học một cách an toàn, và học sinh có thể đến trường trở lại.

Tổng thống Trump hy vọng sẽ giành được đa số phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử tháng 11. Ảnh: AP
Tổng thống Trump hy vọng sẽ giành được đa số phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử tháng 11. Ảnh: AP

Mới đây, trên Twitter của mình, Tổng thống Trump đã kêu gọi “Make America great again!” (Hãy khiến nước Mỹ vĩ đại một lần nữa) và phục hồi kinh tế là “thẻ bài” quan trọng của ông trong giai đoạn nước rút trước thềm bầu cử. Các cố vấn chính trị của Trump vẫn xem trọng việc phục hồi nền kinh tế là thông điệp hàng đầu của tổng thống vào mùa thu này, bởi trước khi bị dịch bệnh bủa vây, Tổng thống Trump đã tạo được dấu ấn trong nhiệm kỳ khi đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Do đó, các cố vấn đảng Cộng hòa lên kế hoạch xây dựng chiến dịch bám sát ý tưởng này, tạo ra sự tương phản với các đề xuất kinh tế của đối thủ Joe Biden.

Thông điệp kinh tế đó sẽ được củng cố mỗi ngày để biến nó thành điều xuất hiện đầu tiên trong tâm trí của cử tri. Cứ như vậy, theo bản năng, người dân sẽ không đổ lỗi cho tổng thống về nền kinh tế sụp đổ, mà lỗi ở Covid-19.

Mới nhất

x
Tổng thống Trump gỡ khó bài toán kinh tế trong cuộc đua nước rút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO