Trăn trở cổ vật làng Vạc

06/06/2013 18:46

Cổ vật làng Vạc là những hiện vật có niên đại cổ xưa thuộc về thời kỳ Văn hóa Đông Sơn được khai quật lên từ các ngôi mộ táng ở khu di tích làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, Thị xã Thái Hòa ngày nay. Để bảo vệ các giá trị lịch sử này rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành và người dân.

(Baonghean) - Cổ vật làng Vạc là những hiện vật có niên đại cổ xưa thuộc về thời kỳ Văn hóa Đông Sơn được khai quật lên từ các ngôi mộ táng ở khu di tích làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, Thị xã Thái Hòa ngày nay. Để bảo vệ các giá trị lịch sử này rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành và người dân.

Năm 1972, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật khu di chỉ ở làng Vạc trên diện tích 3 ha. Đến nay qua 5 lần khai quật, di chỉ làng Vạc được xác định là nơi phát hiện nhiều mộ táng nhất trong số hàng chục di chỉ khảo cổ về Văn hóa Đông Sơn ở nước ta. Tại 347 mộ táng, 1.228 hiện vật được phát hiện, trong đó có nhiều hiện vật quý như trống đồng, rìu, dao găm cán tượng người phụ nữ, dao găm cán tượng người đàn ông bằng đồng, dao găm cán hình rắn quấn chân voi, bao chân bao tay có lục lạc, các loại trang sức bằng đá, thuỷ tinh được chế tác tinh xảo, các loại khuôn đúc, mảnh trấu thóc và thậm chí cả những lẫy nỏ, mũi tên đồng in hệt như ở Cổ Loa tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Các hiện vật đều có niên đại từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.



Phòng trưng bày cổ vật ở Đền thờ Làng Vạc.

Những cổ vật được khai quật ở di chỉ làng Vạc đều rất đẹp, đa dạng, chỉ tính riêng đồ đồng có tới 665 chiếc. Ngoài những chiếc trống đồng đã trở nên rất nổi tiếng thì những lưỡi dao găm cán tượng động vật sinh động như hai con hổ nâng một con voi bằng hai chân trước hay hai con rắn xoắn xuýt với nhau đỡ một con voi, trên lưng voi có bành… rất độc đáo và chỉ ở làng Vạc mới có. Với những hiện vật đã được phát hiện, năm 1999, làng Vạc đã được công nhận là Di tích khảo cổ quốc gia…

Ông Lê Văn Thái – thành viên Ban quản lý đền làng Vạc đã kể lại câu chuyện buồn từng xuất hiện nơi đây sau khi khu di chỉ được công nhận: “Khi di chỉ làng Vạc đã trở nên nổi tiếng gần xa với nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật được đánh giá cao so với trình độ văn minh khắp vùng Đông Nam Á bấy giờ thì cũng là lúc giới sưu tầm, buôn đồ cổ khắp nơi tìm về thu mua các loại cổ vật mà nhân dân nơi đây tìm được trong quá trình canh tác. Rất nhiều cổ vật đẹp, có giá trị như những chiếc trống đồng đã ra đi chẳng trở về. Chưa hết, giới săn đồ cổ còn kích động nhân dân nơi đây đào bới tìm cổ vật bằng cách tuyên bố sẵn sàng mua với giá cao”.



Trống đồng và bộ sưu tập dao găm cổ ở Làng Vạc

Trong vòng 7 năm (từ 1999 – 2006), di chỉ làng Vạc bị tàn phá ở quy mô lớn. Ở làng Vạc và các ngọn đồi xung quanh đã không thể đếm xiết bao nhiêu diện tích rừng cao su bị phá, bao nhiêu chiếc hố sâu hoắm thành hình và bao nhiêu ngôi mộ táng bị phá hủy. Người đào cổ vật hoạt động mạnh vào lúc nửa đêm về sáng, sẵn sàng đánh bị thương những người ngăn cản. Nơi đây đã hình thành nên một đường dây mua bán cổ vật hoạt động rất tinh vi… Ông Tô Thanh Sơn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, Thị xã Thái Hòa nhớ lại: “Tình trạng này chỉ chấm dứt khi tỉnh Nghệ An chỉ đạo huyện Nghĩa Đàn và Công an tỉnh tăng cường tuần tra canh gác, bắt giữ và xử lý nghiêm những đối tượng khai thác đào bới trái phép. Đến nay trật tự an toàn được đảm bảo… Nhưng nói như vậy không có nghĩa “chảy máu” cổ vật đã dừng lại. Đến nay cổ vật làng Vạc vẫn bị giới săn đồ cổ ráo riết tìm mua.

Bắt đầu từ năm 1999, sau khi được công nhận và cấp bằng Di chỉ khảo cổ cấp quốc gia, Lễ hội Làng Vạc được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức, thu hút hàng vạn khách thập phương đến hành lễ. Đây là lễ hội thể hiện lòng hiếu nghĩa của con cháu Lạc Việt nhớ về cội nguồn tổ tiên đã có công khai phá, xây dựng, bảo vệ non sông đất nước. Đồng thời Đảng bộ, chính quyền Thị xã Thái Hoà quyết định xây dựng nhà bia Di chỉ văn hoá làng Vạc và đền thờ tâm linh hương hồn tổ tiên người Việt linh thiêng làng Vạc nhằm đáp ứng lòng mong mỏi, nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Việc tổ chức lễ hội cũng như xây dựng đền thờ, ngoài tác dụng tín ngưỡng, tâm linh còn có tác dụng bảo vệ di tích, hiện trạng hiện vật làng Vạc.

Trên cơ sở lễ hội này, Thị xã Thái Hòa, xã Nghĩa Hòa đã vận động nhân dân cung tiến các hiện vật, cổ vật có nguồn gốc từ Khu di chỉ khảo cổ làng Vạc đưa vào phòng trưng bày hiện vật trong khuôn viên đền thờ phục vụ du khách tham quan. Chị Thái Thị Yến, thành viên Ban quản lý đền thờ làng Vạc – người đã có công đầu trong việc vận động nhân dân hiến tặng cổ vật, cho hay: Hiện phòng trưng bày của đền thờ đã có 89 cổ vật gồm các loại lưỡi rìu, lưỡi dao, bát làm bằng đồng; bát sứ, vòng tay, vòng chân. Đặc biệt, trong số đó có nhiều hiện vật được xác định có niên đại trên 3.000 năm tuổi… Tuy nhiên, đại đa số những cổ vật này không còn nguyên vẹn. Những đồ đẹp hơn hiện có trong dân còn rất nhiều nhưng chỉ đến ngày lễ hội Ban quản lý mới mượn được để đem ra trưng bày.

Trao đổi với ông Tô Thanh Sơn, Trưởng phòng VHTT Thị xã Thái Hòa, được biết: Thị xã đang cùng Sở VHTT và DL nghiên cứu việc phát huy giá trị tín ngưỡng Vua Hùng ở làng Vạc. Với cách làm này hy vọng các giá trị làng Vạc sẽ được bảo tồn, tôn tạo tốt hơn… Mất cổ vật làng Vạc đồng nghĩa với việc những thế hệ con cháu mai sau vĩnh viễn mất đi một cơ hội tìm hiểu lịch sử tổ tiên. Để gìn giữ cổ vật làng Vạc, thiết nghĩ người dân nên ý thức rõ điều này để chung tay góp sức bảo vệ di chỉ làng Vạc, đặc biệt là bảo vệ những cổ vật còn lại.


Bài, ảnh: Thành Chung

Mới nhất

x
Trăn trở cổ vật làng Vạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO